Skip to content

10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Trong lịch sử Phật giáo, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có rất nhiều đệ tử xuất sắc, mỗi người đều có sở trường và công hạnh riêng. Trong số đó, nổi bật nhất là mười vị đại đệ tử kiệt xuất, thường được gọi là Thập Đại đệ tử, những người đã chứng đắc thánh quả A La Hán và có đóng góp quan trọng trong việc hoằng truyền giáo pháp.

Mỗi vị đại đệ tử đều được Đức Phật khen ngợi về một phẩm hạnh hay năng lực đặc biệt. Chẳng hạn, Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ siêu việt, có khả năng thuyết giảng sâu sắc và dễ hiểu. Tôn giả Mục-kiền-liên là người có thần thông đệ nhất, có thể dùng phép thuật để cứu độ chúng sinh. Tôn giả A-nan là người đa văn bậc nhất, ghi nhớ tất cả những lời dạy của Đức Phật và góp phần quan trọng trong việc kết tập kinh điển. Tôn giả Ca-diếp được biết đến với hạnh đầu đà bậc nhất, tiêu biểu cho đời sống phạm hạnh thanh cao.

Theo nhiều ghi chép, trong đông đảo đệ tử của Đức Phật, có 1250 vị được chứng quả A La Hán, góp phần duy trì và lan tỏa giáo pháp. Một số đệ tử còn được Đức Phật giao trọng trách thay Ngài thuyết giảng và nhiều bài kinh quan trọng cũng được ghi nhận từ các buổi thuyết pháp ấy.

Theo ghi chép trong Phật học Đại từ điển, 10 đại đệ tử bao gồm:

  1. Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất
  2. Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất
  3. Ma-ha-ca-diếp: Đầu đà đệ nhất
  4. A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất
  5. Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất
  6. Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất
  7. Ca-chiên-diên: Luận nghĩa đệ nhất
  8. Ưu-bà-li: Trì luật đệ nhất
  9. La-hầu-la: Mật hành đệ nhất
  10. A-nan-đà: Đa văn đệ nhất

1. Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất

Tôn giả Xá-lợi-phất, tên đầy đủ là Xá Lợi Phất Đa La. Khi còn tại thế, ông là con của một gia đình Bà-la-môn danh giá. Ngài vốn là một luận sư uyên bác, tinh thông bách khoa kỹ nghệ và có nhiều đệ tử theo học. Cơ duyên đưa Ngài đến với Phật pháp là khi gặp tỳ kheo Mã Thắng và nghe về Đức Phật Thích Ca. Lập tức, Ngài cảm nhận được sự thâm sâu của giáo pháp và quyết định cùng bạn thân là Mục-kiền-liên dẫn theo hơn 350 đệ tử đến quy y Phật tại Tịnh xá Trúc Lâm.

Sau khi xuất gia, chỉ trong bốn tuần, Xá-lợi-phất đã chứng đắc quả vị A La Hán. Ngài được Đức Phật khen ngợi là bậc trí huệ đệ nhất, có khả năng giảng giải giáo pháp một cách rõ ràng, sâu sắc, giúp nhiều đệ tử khác đắc đạo. Ngài cũng được mệnh danh là "Chấp pháp tướng quân" vì thường thay Đức Phật thuyết pháp và dẫn dắt Tăng đoàn.

Trước khi nhập diệt, Xá-lợi-phất quay về cố hương, an nhiên nhập Niết-bàn. Tương truyền, Ngài sau này được xưng tụng là Hóa Quang Phật, tiếp tục hóa độ chúng sinh trong nhiều kiếp về sau.

2. Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất

Tôn giả Mục-kiền-liên, tên thật là Câu Luật Đà, xuất thân từ một gia đình danh giá. Sau khi cùng Xá-lợi-phất quy y Phật, Mục-kiền-liên tu tập tinh tấn và chỉ trong bảy ngày đã đoạn trừ hết lậu hoặc, chứng đắc quả vị A La Hán. Đức Phật khen ngợi Ngài là bậc Thần thông đệ nhất, bởi Ngài có năng lực siêu nhiên, nhiều lần dùng thần thông để cứu độ chúng sinh, giáo hóa những kẻ lầm lạc.

Khi đã thành đạo, ông đi tìm mẹ của mình thì thấy bà bị đọa vào địa ngục do khi còn tại thế, bà phỉ báng Phật pháp, là kẻ tham lam. Mục-kiền-liên vô cùng đau xót muốn cứu mẹ mình nên đã nhờ đến Đức Phật, được Ngài chỉ rằng cần làm lễ vào ngày rằm tháng bảy và nhờ chư tăng cùng chú nguyện thì sẽ cứu được mẹ. Từ đây, ngày rằm tháng bảy được lấy làm ngày lễ Vu Lan báo hiếu.

Về sau, Ngài bị hãm hại, lăn đá gây tử thương bởi người phái Ni Kiền Tử (giáo phái tu tập bằng cách hành hạ thể xác một cách cực đoan). Đức Phật xác nhận rằng Ngài đã nhập Niết-bàn ngay tại nơi thọ nạn.

3. Ma-ha-ca-diếp: Đầu đà đệ nhất

Tôn giả Ma-ha-ca-diếp sinh ra tại làng Ma Ha Bà La gần thành Vương Xá, miền trung Ấn Độ. Ngay từ khi chào đời, Ngài đã mang 32 tướng tốt, mọi hành vi cử chỉ đều khác biệt với người thường. Lớn lên trong gia đình Bà-la-môn, Ma-ha-ca-diếp sớm thọ giới và tinh thông những giáo lý huyền diệu.

Một ngày, nghe danh Đức Phật, Ngài lập tức tìm đến quy y và trở thành đệ tử trước cả hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Ma-ha-ca-diếp chọn con đường tu hành khổ hạnh, sống đạm bạc, ít muốn, biết đủ, thường xuyên độc cư trong rừng để chuyên tâm thiền định. Nhờ tinh tấn hành trì hạnh Đầu đà (một pháp môn tu khổ hạnh nhằm thanh lọc tâm hồn),Ngài chỉ mất tám ngày để chứng đắc quả A La Hán.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ma-ha-ca-diếp là người đề xuất và chủ trì Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ nhất, góp phần bảo tồn và truyền bá giáo pháp. Ngài được tôn kính là Đầu đà đệ nhất, tấm gương sáng về đời sống thanh bần, tinh tấn và viễn ly. Sau này, trên ban thờ tượng Thế Tôn, tượng Ngài Ca Diếp và ngài A Nan được thỉnh hai bên cạnh tượng Phật.

4. A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất

Tôn giả A-na-luật, còn gọi là A Ni Lô Đà, là em họ của Đức Phật Thích Ca. Ngài sớm bộc lộ trí tuệ và thiên chất hơn người, nên khi nghe Phật thuyết pháp, liền phát tâm xuất gia.

Trong Tăng đoàn, A-na-luật nổi tiếng tu hành thanh tịnh, nhưng ban đầu có thói quen ngủ gục khi nghe pháp. Sau khi bị Đức Phật quở trách, Ngài lập hạnh “không ngủ”, giữ mắt mở liên tục, đến mức bị mù. Đức Phật liền chỉ dạy phương pháp tu định, giúp Ngài khai mở Thiên nhãn thông. Từ đó, Ngài có thể thấy suốt ba cõi, không bị hạn chế bởi nhục nhãn, được tôn xưng là Thiên nhãn đệ nhất.

Khi Đức Phật nhập Niết bàn, A-na-luật túc trực bên kim quan và góp công lớn trong Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ nhất, bảo tồn giáo pháp cho hậu thế.

5. Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất

Tôn giả Tu-bồ-đề sinh tại thành Xá Vệ, là em trai của Trưởng lão Cấp Cô Độc (sau này được nhân dân thờ phụng với tên gọi Đức Chúa Ông) và là con trai của Trưởng giả Tu Ma Na. Khi Ngài ra đời, trong nhà bỗng xuất hiện điềm lành kỳ lạ gắn với “không”: mọi vật dường như biến mất, chỉ còn lại hào quang và mùi hương chiên đàn thanh tịnh. Hỏi ra biết là điềm lành, vì thế, cha mẹ đặt tên Ngài là Tu-bồ-đề, nghĩa là Không Sanh.

Sau khi xuất gia, Ngài tu tập chuyên sâu về không định, đạt đến cảnh giới vô tranh tam muội, thấu triệt lý duyên sinh vô ngã, dùng nó để hành thiện nên còn được gọi là Thiện Nghiệp. Nhờ trí tuệ quán triệt tính không của vạn pháp, Tu-bồ-đề được Đức Phật tán thán là Giải không đệ nhất. Ngài cũng được tôn vinh là sư tổ của giáo lý Bát Nhã.

Tôn giả Tu-bồ-đề suốt đời giữ tâm từ bi, hành thiện nghiệp, nêu gương sáng cho hậu thế về sự chứng ngộ tánh không và lòng vô chấp.

6. Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất

Tôn giả Phú-lâu-na, tên đầy đủ là Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử, được hiểu là Mãn Ý Tử hay Mãn Nguyện Tử. Ngài là con trai của quốc sư vua Tịnh Phạn, nhưng thời niên thiếu bị anh trai coi thường và bán cho một thương gia. Dù hoàn cảnh khó khăn, Ngài vẫn giữ lòng kính tín, phát nguyện quy y Phật và xây dựng tịnh xá để hoằng dương giáo pháp.

Sau này khi đã gia nhập Tăng đoàn, nhờ trí tuệ sắc bén và tài biện luận xuất chúng, Phú-lâu-na trở thành bậc Thuyết pháp đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Ngài giảng pháp lưu loát, giúp nhiều người giác ngộ. Đức Phật thường ngợi khen khả năng thuyết giảng của Ngài trước đại chúng. Sau này, khi hoằng hóa tại nước Thâu Lư Na, Ngài thu nhận 500 đệ tử và xây dựng 500 tu viện, góp phần mở rộng hoằng hóa chúng sinh.

7. Ca-chiên-diên: Luận nghĩa đệ nhất

Tôn giả Ca-chiên-diên, còn gọi là Ma Ha Ca Chiên Diên, xuất thân từ gia đình trí thức ở thực ấp A Bàn Đề Di Hầu. Ngài là con trai của một luận sư Vệ Đà học và được thừa hưởng nền tảng tri thức vững chắc. Từ nhỏ, Ngài theo người cậu là Tiên nhân A Tư Đà học đạo thuật và tinh thông tứ thiền ngũ thông.

Sau khi nghe danh Đức Phật, Ca-chiên-diên tìm đến Lộc Uyển để quy y. Ngài nhanh chóng chứng đắc và trở thành một trong những vị đại đệ tử xuất sắc. Với tài năng nghị luận xuất chúng, Ngài được tôn xưng là Luận nghĩa đệ nhất. Ngài có khả năng giải thích những giáo lý uyên thâm bằng ngôn từ đơn giản, khiến người nghe dễ dàng tiếp thu và giác ngộ. Nhờ tài biện luận khéo léo, Ngài đã cảm hóa nhiều người quay về nương tựa Tam Bảo, sống đời an vui. Ngài cũng là người có công truyền bá Phật pháp ở làng quê và được tôn là ông tổ của Ba Li Văn Điển.

8. Ưu-bà-li: Trì luật đệ nhất

Tôn giả Ưu-bà-li xuất thân từ giai cấp Thủ Đà La, vốn bị coi là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài là một thợ cắt tóc ở thành Vương Xá, trung thực, tận tụy và được giới quý tộc tín nhiệm. Khi Đức Phật trở về thăm Ca Tỳ La Vệ, Ngài tủi hổ vì địa vị thấp kém của mình, cho rằng ngay cả việc xuất gia cũng không có cơ hội. Tuy nhiên, Đức Phật đã phá bỏ mọi ràng buộc giai cấp, thu nhận Ngài vào Tăng đoàn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong bình đẳng hóa Phật pháp.

Chỉ sau một thời gian ngắn tu hành, Ngài đã chứng quả A La Hán. Do tinh thông giới luật, Ngài được giao trọng trách xử lý và tuyên luật trong Tăng đoàn, được tôn xưng là Trì luật đệ nhất. Sau khi Đức Phật nhập diệt, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài đảm nhận nhiệm vụ khó khăn nhất—tổng hợp và hệ thống Luật tạng. Nhờ trí tuệ và sự tận tâm, Ngài đã hoàn thành và đặt nền tảng vững chắc cho giới luật Phật giáo, giúp duy trì sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn.

9. La-hầu-la: Mật hạnh đệ nhất

Tôn giả La-hầu-la là con trai của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này) và công chúa Da Du Đà La. Tên Ngài mang ý nghĩa “Phúc Chướng” hoặc “Liêu Tỏa” nguyên nhân do công chúa mang thai Ngài 6 năm và sinh vào ngày nhật thực nên được đặt tên này. Ba năm sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài được Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên hướng dẫn xuất gia, chính thức gia nhập Tăng đoàn.

Dù lớn lên trong hoàng cung, nhưng dưới sự giáo hóa nghiêm khắc của Đức Phật và Xá Lợi Phất, La-hầu-la dần từ bỏ tính kiêu hãnh, trở nên ôn hòa và khiêm nhường. Ngài tuân thủ giới luật nghiêm ngặt, chuyên tâm thiền định và rèn luyện hạnh nhẫn nhục. Đức Phật từng dạy Ngài về vô thường, khuyên Ngài quán chiếu vạn vật để không bị chấp trước. 

Nhờ sự kiên trì thực hành mật hạnh (sống ẩn dật, ít nói, khiêm cung và quán chiếu sâu sắc),Ngài đã chứng đắc đạo quả A La Hán, được Đức Phật tán thán là Mật Hạnh Đệ Nhất, trở thành tấm gương sáng cho các hành giả tu tập sau này.

10. A-nan-đà: Đa văn đệ nhất

Tôn giả A-nan-đà, thường gọi là A Nan, là em họ của Đức Phật Thích Ca, sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ. Xuất thân từ hoàng tộc nhưng A Nan sớm xuất gia, trở thành một trong những đệ tử thân cận nhất của Đức Phật.

Năm Đức Phật 55 tuổi, A Nan chính thức nhập Tăng đoàn, được giao nhiệm vụ hầu cận Ngài suốt 25 năm. Với trí nhớ siêu phàm, Ngài có thể nghe một hiểu mười, ghi nhớ từng lời dạy của Đức Phật mà không sót một câu. Nhờ vậy, Ngài được tôn xưng là Đa Văn Đệ Nhất

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn 7 ngày, A Nan mới chứng đắc quả A La Hán vào rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên. Trong kỳ kết tập này, hầu hết kinh văn đều dựa vào ghi nhớ của A Nan và được Ngài thuật lại, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giáo pháp của Đức Phật.

Ngoài trí nhớ siêu phàm, A Nan còn được nhân dân nhớ tới với tâm từ bi, tính cách ôn hòa và dung mạo tuấn tú. Sau khi Đại Ca Diếp thị tịch, Ngài cảm nhận thời gian ra đi của mình đã gần kề. Ở tuổi 120, Tôn giả triệu tập 500 tỳ kheo bên bờ sông Hằng, để lại những lời dạy cuối cùng trước khi an nhiên viên tịch. Di cốt của Ngài được mai táng tại Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá, lưu dấu một bậc đại trí tuệ của Phật giáo.

Sau này, khi nhân dân tạc tượng Phật Thích Ca để thờ, họ thường thỉnh cả tượng A Nan Ca Diếp ở hai bên.

5/5 (1 bầu chọn)