Skip to content

Câu chuyện về Đức Phật thiền định thành đạo dưới tán cây Bồ Đề

Đức Phật thành đạo sau 49 ngày đêm thiền định liên tục dưới tán cây Bồ Đề. Ngài nhập định và khai mở trí tuệ dù bị quấy nhiễu bởi những đe dọa, cám dỗ từ bên ngoài. Sau khi thành Phật, ngài tỏ lòng biết ơn với gốc Bồ Đề và bước lên quá trình hoằng hóa nhân gian.

Trước khi Đức Phật thiền định dưới gốc Bồ Đề

Thái tử Tất Đạt Đa là Thái tử của vương tộc Gautama thuộc tiểu quốc Shakya (thuộc Ấn Độ sau này). Ngài sinh ra trong hoàng cung lộng lẫy nhưng không màng vinh hoa phú quý. Ngài trăn trở trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người và quyết tâm từ bỏ tất cả để tìm con đường giải thoát cho chúng sinh.

Ngài đã trải qua 5 năm tầm sư học đạo với những bậc thầy danh tiếng thời bấy giờ. Sau đó, Ngài dành thêm sáu năm khổ hạnh trong rừng sâu cùng năm anh em Kiều Trần Như, mong đạt được giác ngộ. Tuy nhiên, khổ hạnh cực đoan chỉ khiến thân thể Ngài kiệt quệ mà tâm trí vẫn chưa khai mở chân lý.

Nhận ra rằng con đường trung đạo mới là chân lý, Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh. Vào một ngày trước trăng tròn tháng Vesak, Ngài đến vùng Uruvela, ngồi dưới cội Bồ Đề bên bờ sông Neranjara và phát nguyện thiền định đến khi đạt được giác ngộ.

49 ngày đêm Đức Phật thiền dưới gốc cây Bồ Đề

Khi an tọa dưới cội Bồ Đề, Thái tử Tất Đạt Đa phát nguyện sẽ không rời khỏi nơi này cho đến khi đạt được giác ngộ. Ngài ngồi kiết già, tay phải đặt lên tay trái, lòng bàn tay ngửa lên, biểu thị sự tập trung và quyết tâm.

Suốt 49 ngày đêm, Ngài nhập thiền sâu, không ăn uống, không lười biếng, tinh tấn hành trì. Trong quá trình ấy, Ngài lần lượt ngộ về Quán hơi thở; Quán thật tướng sanh, già, bệnh, chết; Quán niết bàn; Quán nhân duyên.

Những khó khăn trong quá trình thiền định

Trong suốt quá trình thiền định dưới cội Bồ Đề, Tất Đạt Đa không chỉ rèn luyện tâm trí mà còn phải đối mặt với vô số thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngài lần lượt trải qua các cảnh giới biến hiện trong tâm, từ thô đến tế, vượt qua từng lớp vọng tưởng và chướng ngại trên con đường giác ngộ.

Đặc biệt, Mara – vị thần của dục vọng và ảo tưởng – đã tìm mọi cách cản trở Ngài. Hắn sử dụng những hình ảnh đầy sợ hãi, những dục vọng mê hoặc và vô số ảo giác nhằm làm lung lay ý chí của Ngài. Mara và đoàn quân của hắn liên tục tấn công bằng đủ mọi chiêu trò, từ đe dọa đến cám dỗ, quyến rũ, lôi kéo.

Tuy nhiên, bằng sự tập trung và quyết tâm sắt đá, Tất Đạt Đa không hề dao động. Ngài kiên trì đối diện với mọi thử thách, giữ vững tâm thanh tịnh và tiếp tục thiền định cho đến khi đạt được giác ngộ viên mãn.

Đức Phật đạt giác ngộ vào đêm thứ 49

Sau 49 ngày đêm thiền định không gián đoạn, vào đêm trăng tròn tháng Vesak, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đạt được giác ngộ viên mãn. Trong trạng thái an trú trọn vẹn trong tự tánh KHÔNG, Ngài giữ vững chánh niệm, tâm không còn loạn động, thân được khinh an, tâm được định tĩnh và chuyên nhất.

Khi trí tuệ bừng sáng, Ngài thấu triệt chân lý về Tứ Diệu Đế – bốn nguyên lý của bậc thánh nhân (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế). Đồng thời, Ngài chứng ngộ Bát Chánh Đạo – con đường gồm tám pháp thực hành (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) dẫn đến sự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Giây phút giác ngộ này không chỉ giải thoát bản thân Ngài mà còn khai mở một con đường mới cho nhân loại. Từ đây, Ngài trở thành bậc Giác Ngộ, mang ánh sáng từ bi và trí tuệ soi đường cho chúng sinh tìm đến bình an và hạnh phúc đích thực.

Sau khi Đức Phật thành đạo

Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đạt đến sự giác ngộ viên mãn, được chư thần gọi bằng Bậc Thế Tôn. Khi đó, hào quang trí tuệ của Ngài tỏa sáng rực rỡ, bao trùm cả thân mình và không gian xung quanh. Ánh sáng thanh tịnh từ Ngài đã làm rực rỡ cả gốc cây Bồ Đề, biến nơi đây thành một đạo tràng trang nghiêm và thanh tịnh. Dưới ánh sáng giác ngộ, cây Bồ Đề trở nên to lớn, cành lá sum suê, hoa trái đơm đầy như sự tán dương của thiên nhiên kh Đức Phật thành đạo.

Sau khi chứng ngộ, Đức Phật không ngừng tìm kiếm một bậc trí giả hơn Ngài để có thể đảnh lễ và học hỏi. Nhưng với trí huệ viên mãn, Ngài nhận ra rằng không còn ai trên thế gian này có thể chỉ dạy thêm cho mình. Khi ấy, Đức Phật đã hướng tâm về chính Pháp mà Ngài vừa chứng được, sinh tâm hoan hỷ và đảnh lễ giáo lý giác ngộ.

Đức Phật cũng nhận thấy công lao của cây Bồ Đề đã che chở cho Ngài trong suốt hành trình thiền định 7 tuần qua. Để thể hiện lòng tri ân sâu sắc, Ngài đã dành bảy ngày đi nhiễu quanh cây Bồ Đề, trong tâm tràn đầy hỷ lạc và tôn kính. Sau đó, trong suốt bảy ngày tiếp theo, Ngài đứng lặng ngắm cây Bồ Đề, không rời mắt, như một cách bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với nơi đã giúp Ngài đạt đến sự giải thoát.

Sau khoảng thời gian ấy, Đức Phật bắt đầu hành trình hoằng pháp, dành suốt 45 năm tiếp theo để giảng dạy giáo lý, dẫn dắt chúng sinh trên con đường giải thoát. Ngài đã đi khắp tiểu lục địa Ấn Độ, mang ánh sáng từ bi và trí tuệ đến muôn nơi, mở ra con đường giác ngộ cho tất cả những người hữu duyên.

Đến năm 80 tuổi, Ngài nhập Niết Bàn, trở thành giáo chủ chốn Ta Bà, được chúng Phật tử thờ trên ban Tam Bảo, tiếp tục quá trình hoằng hóa nhân gian trong tâm.

Ý nghĩa của quá trình Đức Phật thiền định thành đạo dưới tán cây Bồ Đề

Sự kiên định

Câu chuyện về Đức Phật thiền định dưới cội Bồ Đề là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên định và quyết tâm trong việc theo đuổi mục tiêu cao quý. Dù trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt suốt nhiều năm, từ những đau khổ về thể chất, biến động nội tâm đến sự quấy nhiễu của Ma vương, Ngài vẫn không lay chuyển ý chí. 

Suốt 49 ngày đêm thiền định liên tục, Ngài giữ vững sự tập trung, vượt qua mọi khó khăn để đạt được giác ngộ viên mãn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống, khi kiên trì theo đuổi con đường chính nghĩa, ta sẽ tìm thấy ánh sáng của trí tuệ và chân lý.

Vượt qua cám dỗ

Hành trình thiền định của Đức Phật cũng tượng trưng cho khả năng vượt qua những cám dỗ và trở ngại trong cuộc sống. Mara đã dùng đủ mọi thủ đoạn để khiến Ngài từ bỏ con đường tu tập, nhưng với sự bình tĩnh và tập trung, Ngài đã chiến thắng mọi cám dỗ. Câu chuyện này chỉ ra rằng khi đối mặt với khó khăn, nếu giữ được tâm an định và vững vàng trước mọi thử thách, ta có thể vượt qua nghịch cảnh và đạt đến sự an lạc thật sự.

Lòng biết ơn

Đức Phật là bậc đại giác, nhưng vẫn luôn nhớ đến công ơn của thầy cũ, cha mẹ, cây Bồ Đề và tất cả chúng sinh. Khi đạt được giác ngộ, Ngài không giữ riêng sự hiểu biết ấy cho mình mà quyết định truyền dạy cho thế gian, mở ra con đường giải thoát cho muôn loài. Điều này cho thấy rằng một người có tâm biết ơn rộng lớn mới có thể trở thành bậc Thánh. Nếu thiếu lòng tri ân, con người sẽ không thể đạt đến sự hoàn thiện tâm linh. Câu chuyện về Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng lòng biết ơn không chỉ là phẩm hạnh cao quý, mà còn là nền tảng dẫn đến trí tuệ và sự an lạc chân thật.

Con đường đến giác ngộ

Hành trình thiền định của Đức Phật là minh chứng cho sức mạnh của thiền và sự tu dưỡng nội tâm để đạt đến giác ngộ. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Ngài mà còn là con đường cho tất cả những ai muốn thoát khỏi khổ đau. Thiền định không chỉ giúp con người tìm thấy sự bình an, mà còn là chìa khóa mở ra trí tuệ, giúp chúng ta nhìn thấu bản chất cuộc sống. Từ bài học của Đức Phật, mỗi người đều có thể tự mình thực hành chánh niệm, rèn luyện tâm tĩnh lặng để hướng đến hạnh phúc và sự giải thoát thực sự.

5/5 (1 bầu chọn)