Skip to content

Đôi nét về quá trình Đức Phật đản sinh

Sự kiện đản sinh của Đức Phật chính là dấu mốc quan trọng trong đạo Phật, là thời điểm Đức Phật bước vào kiếp cuối cùng trước khi chứng quả thành Phật. Từ giấc mộng báo hiệu sự nhập thai của Đức Phật cho đến khoảnh khắc Ngài đản sinh với bảy bước sen và tuyên thuyết kệ ngôn, tất cả đều mang ý nghĩa quan trọng về sự xuất thế của bậc Đại Giác Ngộ.

Giấc mộng của Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā

Vào ngày mồng chín tháng 6 năm 67 theo lịch Mahā Era, Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā, khi ấy năm mươi lăm tuổi bốn tháng, đã có một giấc mộng kỳ diệu báo hiệu sự nhập thai của Đức Phật.

Trong dịp Lễ hội chòm sao Uttarāsāḷha tại xứ Ấn Độ, vào đêm trăng tròn, hoàng hậu thức dậy sớm, tắm bằng nước thơm, thực hành bố thí. Sau đó, bà thọ nhận Bát quan trai giới từ Đạo sĩ A Tư Đà rồi trở về khuê phòng.

Khi đêm dần trôi về canh cuối, hoàng hậu đang nằm nghỉ trên chiếc trường kỷ lộng lẫy thì nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Khi đó, bà mơ thấy bốn vị Thiên vương từ cõi trời xuất hiện, nâng chiếc trường kỷ và đưa bà đến hồ Anotatta nằm giữa dãy Himalaya hùng vĩ. Nơi đó, dưới bóng cây Sala cao bảy do tuần (khoảng 64.512m),bốn vị hoàng hậu của các Thiên vương hiện thân, dìu hoàng hậu xuống hồ nước thiêng, gột rửa thân thể bằng nước trong mát, rồi khoác lên bà y phục cõi trời, điểm trang bằng những đóa hoa rực rỡ.

Sau khi hoàn tất, họ cung kính đưa hoàng hậu trở lại chiếc trường kỷ, đặt bà trong một tòa lâu đài vàng giữa đỉnh núi bạc gần hồ Anotatta. Hoàng hậu nằm trong tư thế an tịnh, đầu hướng về phương đông.

Ngay lúc ấy, trong giấc mộng, Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā trông thấy một con voi thuần trắng xuất hiện gần núi vàng, nơi bà đang an nghỉ. Con bạch tượng hiền hòa thong thả gặm cỏ rồi nhẹ nhàng tiến xuống, bước lên núi bạc và đi vào tòa lâu đài bằng vàng. Khi vào trong, voi trắng đi quanh hoàng hậu theo chiều kim đồng hồ, rồi từ từ nhập vào hông bên phải của bà.

Đúng thời khắc đó, trên cõi trời Tusitā, Bồ Tát Setaketu đang dạo chơi trong khu vườn Nandavana, thọ hưởng cảnh giới an lành. Với tâm hoàn toàn giác tỉnh, Ngài rời bỏ cõi trời, mạng chung và thọ sinh vào bào thai hoàng hậu Mahāmāyā bằng tâm Đại quả – một trong 19 tâm tục sinh thanh tịnh, báo hiệu sự giáng trần của bậc Đại Giác Ngộ.

Quá trình Đức Phật đản sinh

Vào ngày rằm tháng Vesākha (khoảng tháng 4 -5 dương lịch),dưới bóng cây Sala tại vườn Lumbinī, Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā vịn vào một cành cây, cảm nhận thấy có dấu hiệu sắp sinh. Các thị nữ nhanh chóng dùng những tấm màn che quây lại rồi lặng lẽ lui ra.

Ngay khoảnh khắc ấy, mười ngàn thế giới rung chuyển dữ dội, đại dương gầm thét như tiếng bánh xe đang quay. Chư thiên và Phạm thiên đồng thanh reo mừng, tung rải hoa trời xuống cúng dường. Tất cả nhạc khí khắp thế gian đồng loạt phát ra những âm thanh vi diệu. Màn đêm trở nên rạng rỡ, không gian thông suốt khắp các phương, không còn bất kỳ vật gì che khuất.

Giữa sự chấn động ấy, Đức Phật thị hiện từ bào thai hoàng hậu Mahāmāyā, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thân thể sạch sẽ, tinh khiết như một đóa sen vừa nở. Ngài ra đời không chút ô uế, báo hiệu sự xuất hiện của một bậc Đại Giác Ngộ. Ngay lúc ấy, từ hư không, hai cột nước một ấm một mát, nhẹ nhàng tưới xuống tắm cho Đức Phật và Hoàng hậu, như thể hiện sự chúc mừng từ trời đất. 

Bốn vị đại Phạm thiên hiện thân và đón lấy Đức Phật bằng một tấm lưới vàng, rồi cung kính đặt Ngài trước mặt Hoàng hậu. Sau đó, bốn vị đại Thiên vương tiếp tục nâng Ngài bằng tấm da sơn dương màu đen – biểu tượng của sự cát tường. Tiếp đó, loài người cung kính tiếp nhận Ngài từ tay bốn vị Thiên vương bằng một tấm vải trắng tinh khiết.

Quá trình Đức Phật đản sinh
Quá trình Đức Phật đản sinh

Ngay sau khi rời khỏi tay con người, Bồ Tát đứng vững vàng trên mặt đất, lòng bàn chân Ngài tỏa sáng như đế giày vàng. Khi ấy, Ngài đưa mắt nhìn khắp bốn phương chính, bốn phương phụ, cả hướng trên và hướng dưới, ánh nhìn bao quát vũ trụ. Đức Phật hướng về phương Bắc và ung dung bước bảy bước, mỗi bước chân đều nở một đóa sen tươi thắm. Khi dừng lại, giữa không gian tĩnh lặng thiêng liêng, một tay Ngài chỉ lên trên, một tay chỉ xuống dưới, cất giọng đầy oai nghi, vang khắp mười ngàn thế giới:

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”

(Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý nhất)

Hình tượng Đức Phật Đản Sinh trong đạo Phật ngày nay

Hàng năm, cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hoặc 15 tháng 4 hàng năm (tùy từng quốc gia),chúng Phật tử lại tổ chức Lễ Phật Đản để ghi nhớ và chúc mừng ngày Đức Phật ra đời, trong đó có lễ Tắm Phật tái hiện lại khoảnh khắc Đức Phật chào đời được dòng nước từ trên không tưới xuống tắm cho Ngài.

Bên cạnh đó, hình tượng Đức Phật Đản Sinh còn được khắc họa trên tòa Cửu Long, bức tượng này mô phỏng lại khi Đức Phật đứng trên đài sen, hô vang “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, được chư tiên và 9 con rồng vây quanh đón mừng. Tòa Cửu Long thường được thờ riêng hoặc thờ cùng tượng thờ Tam Bảo.

5/5 (1 bầu chọn)