
Sơn son thếp vàng
Sơn son thếp vàng là kỹ thuật trang trí truyền thống, thường được ứng dụng trong các công trình thờ cúng như đình, chùa và nhà thờ họ. Phương pháp này mang lại vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng, đồng thời giúp tăng độ bền cho sản phẩm.
Quy trình sơn son thếp vàng khá cầu kỳ. Trước tiên, gỗ được xử lý bằng cách đốt để lõi gỗ đặc lại, sau đó phủ lớp sơn đỏ (sơn son) làm từ nhựa cây sơn tự nhiên – một đặc sản của Việt Nam. Hiện nay, tùy nhu cầu, người dùng có thể chọn sơn ta hoặc sơn công nghiệp. Sau khi lớp sơn hoàn thiện, các chi tiết quan trọng được thếp vàng bằng cách dán vàng lá hoặc vàng quỳ dát mỏng, tạo nên bề mặt có màu vàng tự nhiên, ánh kim bắt mắt.
Sơn PU
Sơn PU (Polyurethane) là loại sơn công nghiệp hiện đại, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đồ nội thất và đồ thờ. Với phong cách đơn giản, tinh tế, sơn PU đặc biệt phù hợp với không gian thờ cúng hiện đại, nơi ưu tiên sự tối giản và tiện dụng.
Quy trình sơn PU tương đối đơn giản, chỉ cần phun một lớp sơn và làm bóng bề mặt, giúp sản phẩm đạt được độ mượt mà, sáng bóng dễ nhận diện. Dù không phức tạp như sơn son thếp vàng, nhưng sơn PU vẫn đảm bảo độ bền, đồng thời dễ bảo quản trong điều kiện sử dụng thông thường.
So sánh sơn son thếp vàng và sơn PU trên một số khía cạnh
Tính thẩm mỹ
Sơn son thếp vàng và sơn PU đều mang lại giá trị thẩm mỹ riêng, phù hợp với từng phong cách không gian thờ cúng và nhu cầu của người dùng.
Sơn son thếp vàng mang tới vẻ đẹp truyền thống, rực rỡ và sang trọng. Lớp sơn đỏ bóng mượt kết hợp với vàng lá được thếp tinh xảo tạo nên bề mặt đồ thờ tạo màu sắc tương phản, ánh kim bắt mắt. Đây là sự lựa chọn lý tưởng cho các không gian thờ cúng mang đậm nét truyền thống như đình, chùa, nhà thờ họ, nơi đề cao sự tôn nghiêm và giá trị truyền thống lâu đời. Mỗi sản phẩm sơn son thếp vàng đều mang nét nghệ thuật thủ công tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và tâm huyết của người thợ.
Trong khi đó, sơn PU mang lại vẻ đẹp hiện đại, tinh tế và đơn giản hơn. Lớp sơn PU có thể được hoàn thiện với bề mặt bóng hoặc mờ, tạo cảm giác thanh lịch, nhẹ nhàng. Sơn PU phù hợp với những không gian thờ cúng hiện đại, ưu tiên sự tối giản và tính tiện dụng.
Độ bền
Sơn son thếp vàng được đánh giá cao hơn về độ bền so với sơn PU. Lớp sơn đỏ truyền thống kết hợp với vàng lá không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn có khả năng chống phai màu và mài mòn trong thời gian dài. Đặc biệt, vàng lá không bị oxy hóa, giúp giữ được ánh kim tự nhiên theo thời gian. Chẳng hạn như với đồ thờ làng Sơn Đồng được sơn son thếp vàng có thể giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn qua nhiều thập kỷ hoặc thậm chí là hàng trăm năm, ngay cả trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, đã được nhiều chuyên gia đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, kỹ thuật thi công phải chuẩn xác và bảo quản đúng cách để đạt hiệu quả tối ưu.
Sơn PU tuy không bền như sơn son thếp vàng, nhưng vẫn có tuổi thọ lên tới hàng chục năm. Lớp sơn PU có khả năng chống ẩm, chống xước và chịu nhiệt tương đối tốt. Tuy nhiên, theo thời gian, sản phẩm phủ sơn PU dễ bị ngả màu hoặc mất đi độ bóng, đặc biệt nếu tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời hoặc độ ẩm cao.
Nhìn chung, sơn son thếp vàng phù hợp với các sản phẩm cần độ bền cao và giá trị lâu dài, trong khi sơn PU đáp ứng tốt cho các yêu cầu đối với đồ thờ nhưng cần chú ý bảo quản để duy trì chất lượng.
Quy trình thực hiện
Sơn son thếp vàng
Quy trình chế tác sơn son thếp vàng là một quá trình công phu, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống, kiến thức về lịch sử và kiến thức mỹ thuật. Người thợ cần sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và tay nghề cao để đảm bảo sản phẩm đạt độ bền và thẩm mỹ hoàn hảo.
Sơn son được làm từ nhựa cây sơn tự nhiên. Sau khi thu hoạch, nhựa sơn sống được để lắng trong 3-4 tháng để phân tách thành các lớp. Lớp lỏng trên cùng, gọi là sơn mặt dầu, là lớp sơn có chất lượng cao nhất, thường được sử dụng để tạo lớp phủ hoàn thiện.
Sơn son bao gồm các bước sau:
- Gắn sơn: Lớp sơn đầu tiên được phủ lên để tạo độ kết dính và làm phẳng bề mặt sản phẩm.
- Sơn lót: Tiếp theo, người thợ phủ nhiều lớp sơn lót để tạo nền vững chắc.
- Sơn phủ: Cuối cùng, lớp sơn phủ hoàn thiện được sơn lên, đảm bảo bề mặt mịn màng, sẵn sàng để thếp vàng.
Khi lớp sơn phủ còn ướt, người thợ sẽ gắn vàng lá hoặc vàng quỳ lên bề mặt. Nếu sử dụng sơn ta, màu vàng sẽ thay đổi dần theo độ "chín" của sơn, tạo hiệu ứng độc đáo.
Quy trình thực hiện sơn son thếp vàng phức tạp hơn rất nhiều so với sơn PU, tạo nên giá trị nghệ thuật vượt trội cho các sản phẩm đồ thờ cúng.
Sơn PU
Sơn PU được thực hiện qua 5 bước, mỗi bước đều cần xử lý cẩn thận để đảm bảo sản phẩm có độ bóng mịn, màu sắc đẹp mắt và bền theo thời gian.
- Bước 1 - Chà nhám và xử lý bề mặt gỗ: Bề mặt gỗ được chà nhám kỹ càng để loại bỏ bụi bẩn, các điểm gồ ghề và làm phẳng bề mặt vật liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho các bước tiếp theo.
- Bước 2 - Phủ lớp sơn lót đầu tiên: Lớp sơn lót đầu có tác dụng che phủ các khuyết điểm nhỏ trên bề mặt gỗ, đồng thời làm phẳng và bảo vệ gỗ trước khi sơn màu.
- Bước 3 - Chà nhám và sơn lớp lót thứ hai: Sau lớp lót đầu tiên, bề mặt gỗ được chà nhám lại để mịn hơn, sau đó phủ lớp lót thứ hai để đảm bảo sự đồng đều.
- Bước 4 - Sơn màu: Lớp sơn màu tạo sắc thái cho sản phẩm chế tác, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn tông màu phù hợp với không gian thờ cúng hoặc nội thất.
- Bước 5 - Sơn bóng: Cuối cùng, lớp sơn bóng được phủ lên để bảo vệ lớp màu bên trong, đồng thời tạo bề mặt sáng bóng, tăng thêm tính thẩm mỹ và độ bền cho sản phẩm.
Đồ thờ và không gian thờ áp dụng
Sơn son thếp vàng thường được sử dụng cho đồ thờ làm từ gỗ mít và gỗ gụ, hai loại gỗ có độ bền cao và dễ chạm khắc. Phương pháp này phù hợp với các đồ thờ có họa tiết phức tạp, cần lớp thếp vàng để làm nổi bật các chi tiết như hoành phi câu đối, bàn thờ hoặc tượng Phật. Không gian thờ dùng sơn son thếp vàng thường là các khu vực mang đậm nét truyền thống và cổ kính như đình, chùa hay nhà thờ họ.

Sơn PU, ngược lại, thường được sử dụng trong các không gian phòng thờ hiện đại, các căn hộ nhỏ hoặc những ngôi nhà yêu thích phong cách đơn giản nhưng vẫn trang trọng. Sơn PU phù hợp với các loại gỗ có đường vân đẹp như gỗ hương đá, gỗ gõ đỏ Nam Phi vì loại sơn này có độ trong, không che đi đường vân gỗ, giúp tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của chất liệu gỗ. Đồ thờ sơn PU có tông màu đa dạng, phù hợp với xu hướng nội thất hiện đại, mang lại cảm giác thanh lịch và tinh tế.