
Hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong đạo Phật
Quan Thế Âm Bồ Tát là một trong những vị Bồ Tát quan trọng và nổi tiếng nhất trong đạo Phật, đặc biệt tại Trung Hoa và Việt Nam. Ngài thường được khắc họa dưới hình dáng nữ nhân, đại diện cho hình ảnh người mẹ, biểu tượng cho lòng từ bi vô hạn và cứu độ không phân biệt. Theo quan niệm Phật giáo, Quan Thế Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các tai nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm.
Quan Thế Âm Bồ Tát còn thường được gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát, thực tế hai cách gọi này đều đúng và gần như có cùng một nghĩa. Từ Quán và Quan là đều là phiên âm của từ 觀 (Guan) của Trung Hoa, mang nghĩa quan sát (Quan) và xem xét kỹ lưỡng (Quán).
Danh xưng "Quán Thế Âm" mang ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ quan niệm Phật giáo về khả năng ngũ giác tương thông của những người tu hành đạt chính quả. Điều này tượng trưng cho sự thấu cảm và khả năng "nhìn thấy" tiếng kêu cứu của chúng sinh của Bồ Tát. Ngài luôn sẵn lòng giang tay cứu giúp chúng sinh, giảng giải pháp pháp, dẫn dắt chúng sinh ra khỏi bể khổ và đạt tới giác ngộ.
Trong các ngôi chùa Phật giáo, tượng Quan Thế Âm cùng với tượng Đại Thế Chí Bồ Tát thường được tôn trí bên cạnh tượng Đức Phật A Di Đà, tạo thành bộ tượng Tây Phương Tam Thánh.
Hình tượng Quan Thế Âm không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là nguồn cảm hứng về lòng nhân ái và sự hy sinh trong cuộc sống đời thường. Ngài là hiện thân của niềm tin vào sự cứu rỗi và an ủi trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Truyền thuyết Quan Thế Âm Bồ Tát
Theo ghi chép trong kinh văn, Quan Thế Âm Bồ Tát từng hóa 11 kiếp, 33 thân tướng, mỗi thân tướng lại có những hình hài, hoàn cảnh khác nhau, cả nam, cả nữ, cả phú quý, cả bần hàn,... Trong đó, hai kiếp cuối của ngài được dân gian truyền lại phổ biến nhất, chính là Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện.
Sự tích Quan Âm Bồ Tát và Quan Âm Thị Kính
Tại kiếp thứ 10, Quan Thế Âm đầu thai làm nữ nhi duy nhất trong một nhà phú hộ giàu có ở Cao Ly tên Sùng Ông. Nàng là con cầu tự của hai ông bà, sinh ra có dung nghi đoan trang, xinh đẹp, được hai ông bà đặt tên là Thị Kính. Khi nàng đến tuổi cập kê, có chàng Thiện Sĩ con nhà quyền quý đến hỏi về làm vợ và được ông bà Sùng Ông chấp thuận. Từ khi về nhà chồng, nàng vẫn luôn giữ gìn lề lối, chăm sóc nhà chồng tận tâm, chu đáo.
Đến một ngày khi đang ngồi may, Thiện Sĩ nằm nghỉ gần chỗ nàng, Thị Kính trông thấy dưới cằm chồng mọc lên một chiếc râu có hình tướng kỳ lạ, biết là điềm xấu, nàng liền cầm chiếc kéo may định cắt đi. Bất ngờ Thiện Sĩ tỉnh giấc hoảng sợ la lên cho rằng Thị Kính định giết mình. Mặc nàng giải thích và kêu oan, gia đình nhà chồng buộc Thiện Sĩ thôi vợ và trả nàng về nhà bố mẹ. Sau đó, nàng lén cải trang thành nam nhân, bỏ nhà đi và xuất gia, được ban pháp danh là Kính Tâm.
Khi đó có nàng Thị Mầu, con nhà phú ông trong vùng, nhìn trúng dung mạo sáng láng của Kính Tâm, thường lên chùa để trêu ghẹo nhưng Kính Tâm đều thờ ơ với nàng. Sau đó Thị Mầu có bầu với tôi tớ trong nhà và một mực nói rằng đó là con của Kính Tâm để kêu làng xã bắt Kính Tâm hoàn tục để kết duyên với mình. Trước sự tra hỏi của dân làng, Kính Tâm một mực không nhận nhưng cũng không dám nói ra bí mật của mình, sau đó được sư ông xin làng nộp khoán và để Kính Tâm tu tập ngoài cổng chùa, khi đó mọi người mới bỏ qua.
Không lâu sau, Thị Mầu chuyển dạ sinh ra một bé trai, nàng ta liền đem lên chùa bỏ cho Kính Tâm. Là người có lòng từ bi và nhân hậu, Kính Tâm đành ôm đứa bé về chăm sóc. Qua 3 năm, Kính Tâm lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, Kính Tâm liền viết bức thư, nhờ đứa trẻ gửi cho sư ông. Sau khi Kính Tâm qua đời, sư ông đọc được bức thư mới minh oan cho nàng. Thị Mầu hay tin vì quá xấu hổ nên đã tự tử.

Sự tích Quan Âm Bồ Tát và Quan Âm Diệu Thiện
Đến kiếp thứ 11, Phật Bà đầu thai làm một vị công chúa, con vua Linh Ưu ở Ấn Độ. Hoàng hậu Bửu Đức, chính thê của nhà vua, sau khi tại vị 40 năm chưa sinh được hoàng tử nên lấy làm buồn lòng, xin nhà vua lên núi Huê Sơn cầu thần và được nhà vua chấp nhận. Sau khi trở về không lâu, bà liền sinh hạ ba vị công chúa, lần lượt là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diệu Thiện.
Khi ba công chúa đến tuổi cập kê, nhà vua lần lượt định hôn cho các công chúa với những vị quan quyền cao chức trọng trong triều nhưng riêng Diệu Thiện chỉ một lòng muốn đi tu. Trước cơn thịnh nộ và sự ép buộc của nhà vua, công chúa xin được kết duyên với một thầy thuốc. Nghe vậy, nhà vua lại càng tức giận, sai nhốt nàng lại, cho các bà mệnh phụ vào khuyên giải nàng nhưng nàng vẫn cương quyết không theo. Sau đó, nhà vua cho phép nàng vào tu tại chùa Bạch Tước vì ngài cho rằng nàng sẽ không chịu đựng được cuộc sống bần hàn.
Trong chùa, nàng chăm chỉ tu tập và làm việc dù bị nhà vua sai người khó dễ nhưng nhờ được các vị thần phật trợ giúp nên nàng vẫn vượt qua. Cuối cùng, nhà vua quyết định mang nàng đi hành hình nhưng đương trường có một con hổ trắng (do Thần Bổn Cảnh hóa thành) từ rừng nhảy ra mang thây nàng đi mất để giữ thây nàng được nguyên vẹn. Sau đó nàng được Diêm Vương mời xuống Diêm Cung, tại đây nàng đi đến đâu cứu rỗi các vong hồn đến đấy.
Sau khi trở lại trần thế, nàng tái sinh và đi ba ngàn dặm đến núi Phổ Đà ở Nam Hải để tu tập thêm. Sau 9 năm, nàng đạt đến đạo pháp cao siêu, vượt lên tất cả các vị Bồ Tát và nhận chứng quả, thoát khỏi luân hồi, được chư thần gọi là Quan Âm Như Lai, Phật Tổ Phổ Đà Sơn.

Lại nói về vua cha của Diệu Thiện, sau khi hại chết nàng, ngài liền mắc phải bệnh lạ, cả người ghẻ lở, vô cùng đau đớn. Bồ Tát Diệu Thiện liền hóa thân thành một nhà sư đến xem bệnh cho nhà vua, sau đó dùng một mắt và một tay của mình điều chế thuốc chữa khỏi cho nhà vua. Sau khi biết chuyện, nhà vua vô cùng hối hận và cho người tạc tượng của nàng để nhớ ơn. Nhưng do chưa hiểu tường tận ý của nhà vua, người ta tạc nên bức tượng Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay (Thiên Thủ Thiên Nhãn) và được lưu truyền đến ngày nay.