Skip to content

Tượng các hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát

Quan Thế Âm Bồ Tát đã trải qua muôn kiếp hóa thân và độ sinh để đạt đến giải thoát. Trong đó các hóa thân được thờ phụng phổ biến nhất của Ngài bao gồm Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Quan Âm Chuẩn Đề, ngoài ra còn có 33 ứng hóa thân khác.

Quan Âm Tống Tử

Quan Âm Tống Tử là một trong những hóa thân đặc biệt của Quan Thế Âm Bồ Tát, gắn liền với niềm tin về sự che chở, ban phước lành và đặc biệt là ban con cái cho những gia đình hiếm muộn. Hình tượng Quan Âm Tống Tử được khắc họa dưới hình dáng tượng Quan Âm Bồ Tát tọa trên tòa sen, trên tay bế một đứa bé, bên cạnh có thể xuất hiện thêm một chú vẹt.

Tại Việt Nam, Quan Âm Tống Tử gắn liền với sự tích Quan Âm Thị Kính. Thị Kính là cô gái ngoan hiền nhưng bị nhà chồng nghi oan, phải cải trang thành nam nhân, xuất gia tu hành dưới pháp danh Kính Tâm. Khi tu tập ở chùa, nàng bị Thị Mầu vu oan là cha của con nàng ta. Dù chịu oan khuất, Kính Tâm vẫn dùng lòng từ bi và sự bao dung mà nhẫn nại nuôi nấng đứa trẻ. Nhờ công đức ấy, khi viên tịch, nàng hóa thân thành Quan Âm Bồ Tát. Trong nhiều bức tượng, bên cạnh Quan Âm Tống Tử còn có hình ảnh con vẹt – được cho là hậu thân của Thiện Sĩ, người chồng cũ của Thị Kính.

Trong văn hóa Trung Hoa, Quan Âm Tống Tử lại gắn liền với câu chuyện của Phan Hòa ở Kim Lăng. Ông là người nhân hậu nhưng mãi không có con nối dõi. Một đêm, ông mơ thấy một người phụ nữ mặc bạch y, đầu đội khăn, dặn ông ra bờ sông tìm lại pho tượng Quan Âm bị thất lạc. Phan Hòa làm theo, mang tượng về tu sửa thành hình tượng Quan Âm Ngọa Liên. Sau đó ông cho người khắc họa lại vị Phật Bà trong giấc mơ và thêm hình đứa trẻ được bà ôm trên tay, sau đó mang về thờ cúng. Chẳng bao lâu sau ông sinh được cậu con trai kháu khỉnh như ý nguyện, nhân dân khắp vùng thấy thế liền làm theo.

Từ đó, Quan Âm Tống Tử trở thành biểu tượng cho lòng từ bi, mang đến phước lành về con cái cho những gia đình cầu tự. Bà còn được coi là vị thần hộ mệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Người ta cho rằng Ngài giúp bảo vệ sản phụ trong suốt thai kỳ, che chở mẹ tròn con vuông và hóa giải những oán hận của các ma nữ để đảm bảo bình an cho cả mẹ và con.

Bên cạnh đó, Quan Âm Tống Tử còn đáp ứng nguyện vọng của những ai mong cầu con cái. Người cầu con trai sẽ sinh được đứa trẻ mạnh khỏe, hiếu thảo, người cầu con gái sẽ có một người con ngoan hiền, xinh đẹp. Chính vì ý nghĩa tốt lành này, nhiều Phật tử và gia đình đặt tượng Quan Âm Tống Tử trong nhà hoặc tại chùa để cầu mong sự thịnh vượng, hạnh phúc và bình an cho thế hệ sau.

Quan Âm Nam Hải

Hóa thân Quan Âm Nam Hải xuất phát từ sự tích Quan Âm Diệu Thiện. Diệu Thiện là con gái thứ 3 của vua Diệu Trang. Khi lớn lên, nàng một lòng muốn xuất gia đi tu, quyết không thành thân theo lời vua cha khiến nhà vua nổi giận, nhiều lần ngăn cản, hãm hại nàng nhưng nhờ được chư vị thần tiên bảo hộ nên nàng vẫn vượt qua những sóng gió này. 

Đến một lần, nàng xuống Âm Phủ, thấy những linh hồn đau khổ ở đây, nàng liền dùng tấm lòng từ bi và những gì mình tu tập được để giải thoát họ. Sau khi trở lại dương gian, nàng đến núi Phổ Đà ở Nam Hải và tiếp tục tu tập ở đây 9 năm đến khi thành đạo, từ đó được gọi là Quan Âm Nam Hải.

Quan Âm Nam Hải là vị Bồ Tát của lòng từ bi, luôn sẵn sàng giang tay cứu giúp người gặp nạn, đặc biệt là người đi biển. Do đó, hàng năm, các ngư dân thường đến nơi thờ Quan Âm Nam Hải để làm lễ, cầu ra khơi được thuận buồm xuôi gió. Trong bài trí nội thất đình chùa, tượng Quan Âm Nam Hải cùng tượng Quan Âm Tống Tử thường được thỉnh ở hai bên bàn thờ chính ở thượng điện.

Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn

Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là một trong những hóa thân quan trọng nhất của Quan Thế Âm Bồ Tát, thể hiện lòng từ bi vô hạn và trí tuệ thấu suốt mọi cảnh khổ của chúng sinh. Ngài còn được biết đến với các danh hiệu như Thiên Tý Quán Âm, Quan Âm Tứ Tại, Thiên Thủ Thánh Quán Âm… Đặc trưng của tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn là hàng nghìn cánh tay và có con mắt trên mỗi bàn tay, tượng trưng cho khả năng quan sát, thấu hiểu và dang rộng vòng tay cứu độ tất cả những ai còn đang đau khổ.

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn có thân màu trắng, phần đầu hiển lộ 11 khuôn mặt, tượng trưng cho 11 quả vị giác ngộ. Trên mỗi cánh tay của Ngài đều cầm một pháp khí, bao gồm kiếm, búa, tràng hoa, bánh xe pháp, chày kim cang, bình tịnh thủy… Các pháp khí này không chỉ thể hiện sức mạnh trừ tà, hàng phục ma chướng, mà còn tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống, cho thấy lòng từ bi của Ngài bao trùm tất cả chúng sinh, không phân biệt tầng lớp hay hoàn cảnh.

Có rất nhiều truyền thuyết về Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, trong đó có một truyền thuyết liên quan đến Quan Âm Diệu Thiện đã nêu trên. Truyện kể rằng, sau khi Diệu Thiện đắc đạo không lâu, nhà vua mắc phải căn bệnh lạ. Khi biết chuyện, bà hóa thân về, dùng một tay và một mắt của mình để điều chế thuốc cứu cha. Nhà vua khi biết chuyện đã vô cùng hối hận, cho người tạc tượng Quan Âm để nhớ ơn, không biết vô tính hay hữu ý mà bức tượng tạc nên có nghìn mắt, nghìn tay, từ đó dân gian lưu truyền về vị Phật Bà Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Hạnh nguyện của Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là dang rộng nghìn tay, soi thấu nghìn nơi, sẵn sàng cứu độ những ai đang gặp đau khổ, hoạn nạn. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng này, Ngài được tôn thờ rộng rãi trong Phật giáo, đặc biệt trong các đàn tràng cầu an, cầu siêu và giải trừ nghiệp chướng, giúp chúng sinh tìm thấy bình an và giải thoát khỏi khổ đau.

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn thường được thờ riêng hoặc thờ cùng với tượng thờ Tam Bảo (đặt ở chính giữa).

Quan Âm Chuẩn Đề

Quan Âm Chuẩn Đề, hay Chuẩn Đề Bồ Tát, là một trong những hóa thân quan trọng của Quan Thế Âm Bồ Tát, được biết đến với danh hiệu Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề. Trong tiếng Phạn, Ngài có tên là Cundi, mang ý nghĩa “Năng hành, Thanh tịnh, Thành thực” – trí tuệ sâu xa, thệ nguyện rộng lớn và khả năng cứu độ tất cả chúng sinh.

Hình tượng Quan Âm Chuẩn Đề thường bị nhầm lẫn với Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhưng thực chất hai vị Bồ Tát này hoàn toàn khác nhau. Điểm đặc trưng của Chuẩn Đề Bồ Tát là Ngài chỉ có một đầu nhưng ba mắt – bao gồm Tuệ Nhãn, Phật Nhãn và Pháp Nhãn. Mỗi con mắt của Ngài soi thấu sáu cõi luân hồi, nhìn khắp mười phương, biểu thị cho trí tuệ viên mãn và khả năng thấu triệt chân lý. Ba con mắt cũng thể hiện ý nghĩa “Ba Đế chẳng dọc chẳng ngang, nhất như bình đẳng” – tượng trưng cho ba sự thật tối hậu trong triết lý Phật giáo: Chân đế, Tục đế và Trung đạo đế.

Kim thân của Chuẩn Đề Bồ Tát có màu vàng nhạt, ánh lên quang sắc trắng, thể hiện sự thanh tịnh và trí tuệ siêu việt. Ngài có nhiều cánh tay, tượng trưng cho năng lực cứu độ rộng khắp và khả năng che chở, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

Chuẩn Đề Bồ Tát thệ nguyện hộ trì Phật tử trong cả đời sống thế gian và xuất thế gian, giúp họ thành tựu trong sự nghiệp tu tập và đạt đến giác ngộ. Ngài có lòng từ bi vô lượng, luôn sẵn sàng hóa hiện trong sáu nẻo luân hồi để trợ duyên cho những ai đang gặp khổ nạn, căn cơ kém cỏi, thân mang bệnh tật, thọ mệnh ngắn ngủi, mang đến sự bình an, trí tuệ và khai sáng con đường giải thoát.

33 ứng hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát

Bên cạnh 4 hóa thân được thờ phụng rất phổ biến nêu trên, Quan Thế Âm Bồ Tát còn có 33 ứng hóa thân khác, gồm có:

  1. Dương Liễu Quan Âm
  2. Long Đầu Quan Âm
  3. Trì Kinh Quan Âm
  4. Viên Quang Quan Âm
  5. Du Hí Quan Âm
  6. Bạch Y Quan Âm
  7. Ngọa Liên Quan Âm
  8. Long Kiến Quan Âm
  9. Thi Lạc Quan Âm
  10. Ngư Lam Quan Âm
  11. Đức Vương Quan Âm
  12. Thủy Nguyệt Quan Âm
  13. Nhất Diệp Quan Âm
  14. Thanh Cảnh Quan Âm
  15. Uy Đức Quan Âm
  16. Diên Mệnh Quan Âm
  17. Chúng Bảo Quan Âm
  18. Nham Hộ Quan Âm
  19. Năng Tĩnh Quan Âm
  20. A Nậu Quan Âm
  21. A Ma Đề Quan Âm
  22. Diệp Y Quan Âm
  23. Lưu Ly Quan Âm
  24. Đa La Tôn Quan Âm
  25. Cáp Lợi Quan Âm
  26. Lục Thời Quan Âm
  27. Phổ Bi Quan Âm
  28. Mã Lang Phụ Quan Âm
  29. Hợp Chưởng Quan Âm
  30. Nhất Như Quan Âm
  31. Bất Nhị Quan Âm
  32. Trì Liên Quan Âm
  33. Sái Thủy Quan Âm
5/5 (1 bầu chọn)