
Đôi nét về Quan Thế Âm Bồ Tát
Quan Thế Âm Bồ Tát, còn được gọi là Quan Âm Bồ Tát hoặc Phật Bà Quan Âm, là vị Bồ Tát đại diện cho lòng từ bi vô lượng trong Phật giáo. Ngài đã chứng đắc “nhĩ căn viên thông” – cảnh giới tu tập giúp nghe thấu tất cả âm thanh trên thế gian, nhờ đó ngài có thể nghe được tiếng cầu cứu của chúng sinh khắp mười phương. Chính vì vậy, Phật Bà luôn biết được những nỗi khổ của muôn loài và sẵn sàng giang tay cứu độ.
Theo kinh điển, Quan Thế Âm Bồ Tát phát ra mười hai đại nguyện, mỗi nguyện đều hướng đến cứu vớt của chúng sinh. Để hóa độ chúng sinh trong cõi Ta Bà, Ngài ứng hiện ba mươi hai thân tướng khác nhau, tùy duyên giáo hóa. Trong văn hóa tâm linh, Quan Thế Âm Bồ Tát thường được khắc họa trong dáng vẻ hiền từ, bao dung, mang hình ảnh của một người mẹ che chở, bảo bọc tất cả.
Tượng Quan Âm có nhiều hình tướng, phổ biến nhất là Quan Âm tọa thiền và Quan Âm Cam Lồ – một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương liễu đứng trên tòa sen, tượng trưng cho sự cứu khổ cứu nạn, ban phát an lành. Ngoài ra, còn có tượng Quan Âm tọa sơn gắn liền với sự tích Quan Âm Thị Kính.
Việc thờ Quan Âm tại gia không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn mang ý nghĩa cầu bình an, hóa giải hung khí, giúp gia đạo hanh thông, thuận lợi. Vì vậy, việc chọn vị trí đặt tượng Quan Âm cần được thực hiện cẩn trọng, phù hợp với phong thủy và nguyên tắc tâm linh để thờ tượng được linh ứng.
Vị trí đặt tượng Quan Âm hợp phong thủy và mang lại điềm lành
Trong thiết kế nội thất đình chùa, tượng Quan Âm thường được đặt ở hai bên bàn thờ chính hoặc có bàn thờ riêng để chúng sinh đệ tử tiện dâng lễ và cầu khấn. Còn đối với không gian gia đình, tượng nên đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, chẳng hạn như phòng khách hoặc khu vực thờ cúng riêng.
Nếu nhà có nhiều tầng, tượng Quan Âm nên được đặt ở tầng cao nhất để thể hiện sự tôn kính. Với nhà cấp bốn, gia chủ có thể đặt tượng tại vị trí trung tâm phòng khách vì đây là nơi hội tụ năng lượng tốt trong ngôi nhà.
Bàn thờ đặt tượng cần được bố trí ở nơi cao ráo, có tầm nhìn bao quát không gian. Mặt tượng nên quay về hướng có ánh sáng tự nhiên để thu hút năng lượng tích cực, tạo sự thanh tịnh và trang nghiêm. Nếu đặt chung với bàn thờ gia tiên, tượng Quan Âm cần được đặt cao hơn ít nhất một bậc để hợp với lễ nghi và tôn ti trật tự.
Ngoài ra, không gian xung quanh vị trí đặt tượng phải sạch sẽ, yên tĩnh, không đặt gần hoặc hướng vào nhà vệ sinh, bếp hoặc những nơi ồn ào để giữ sự thanh tịnh, giúp gia đạo thêm bình an và may mắn.
Vị trí đặt tượng theo mệnh của gia chủ
- Gia chủ mệnh Mộc: Đặt tượng Quan Âm về hướng bắc, đông, nam hoặc hướng đông nam.
- Gia chủ mệnh Kim: Đặt tượng Quan Âm về hướng đông bắc, tây, tây bắc hoặc tây nam.
- Gia chủ mệnh Thủy: Đặt tượng Quan Âm về hướng bắc, đông, nam hoặc hướng đông nam.
- Gia chủ mệnh Thổ: Đặt tượng Quan Âm về hướng tây, tây nam hoặc tây bắc.
- Gia chủ mệnh Hỏa: Đặt tượng Quan Âm hướng đông, bắc hoặc hướng đông nam.
Vị trí không nên đặt tượng Quan Âm
Việc thờ cúng Quan Thế Âm Bồ Tát đòi hỏi sự thành kính và trang nghiêm, do đó, có một số vị trí không phù hợp để đặt tượng, có thể làm giảm đi sự linh ứng và ảnh hưởng đến phong thủy gia đình.
Trước hết, không nên đặt tượng Quan Âm chung với các tượng thần phật khác, đặc biệt là trên cùng một bàn thờ. Nhiều gia đình tại Việt Nam có thói quen thờ chung để tiết kiệm không gian và tiện thờ cúng nhưng theo quan niệm phong thủy, điều này không mang lại may mắn hoặc thậm chí là mạo phạm. Nguyên nhân có thể do tượng Quan Âm đại diện cho lòng từ bi và cuộc sống bình an, trong khi các vị thần khác chẳng hạn như tượng Phật Di Lặc liên quan đến tài lộc, phú quý, nếu thờ chung sẽ dễ làm mất đi sự hài hòa.
Ngoài ra, tuyệt đối không đặt tượng Quan Âm trong két sắt hoặc chung với đồ vật quý giá như vàng bạc. Theo quan niệm dân gian, hành động này thể hiện sự bất kính, không coi trọng thần linh và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nhỏ trong nhà.
Phòng ngủ cũng không phải là nơi thích hợp để đặt tượng Quan Âm. Đây là không gian riêng tư, dễ hút khí âm, không đủ trang nghiêm, dễ làm mất đi sự thanh tịnh cần có khi thờ cúng. Gia chủ nên đặt tượng ở những nơi trang trọng, cao ráo để thể hiện sự tôn kính và thu hút năng lượng tốt.
Cách giữ gìn và những điều kiêng kỵ khi đặt tượng Quan Âm tại nhà?
Những điều kiêng kỵ
Khi thờ cúng Quan Thế Âm Bồ Tát, gia chủ cần lưu ý một số điều kiêng kỵ để tránh phạm phong thủy và ảnh hưởng đến sự linh ứng.
- Tránh hướng tượng về khu vực ẩm thấp: Không đặt tượng quay mặt về gầm cầu thang, phòng ngủ, nhà vệ sinh hoặc nhà bếp. Những khu vực này thiếu sự trang nghiêm, có thể làm giảm đi sự thanh tịnh và linh ứng.
- Không đặt tượng trực tiếp dưới đất: Tượng Quan Âm cần có bệ đỡ chắc chắn để thể hiện sự tôn kính. Đặt tượng phật trên mặt đất bị xem là thiếu trang trọng, ảnh hưởng đến phong thủy.
- Không thờ tượng bị sứt mẻ, hư hỏng: Khi phát hiện tượng bị nứt, vỡ hoặc hư hại, gia chủ không nên tiếp tục thờ cúng. Theo quan niệm phong thủy, điều này có thể ảnh hưởng đến vận khí gia đình, chẳng hạn như dễ bị đau ốm, tai nạn,...
- Tránh đặt gần vật phẩm có tính sát khí: Không để tượng Quan Âm gần dao, kéo, vũ khí hoặc vật phẩm mang tính sát khí để giữ sự thanh tịnh và an lành cho không gian thờ tự.
Cách giữ gìn tượng Quan Âm
Việc thờ cúng Quan Thế Âm Bồ Tát không chỉ đòi hỏi sự thành kính mà còn cần chú trọng đến cách giữ gìn và bảo quản tượng để thể hiện lòng tôn trọng.
- Thờ cúng bằng sự thành tâm: Điều quan trọng nhất khi thờ tượng Quan Âm chính là lòng thành của gia chủ. Khi cúng lễ, nên dùng hoa tươi, đồ ăn thanh đạm như trái cây hoặc đồ chay, tuyệt đối không dâng đồ mặn.
- Giữ gìn vệ sinh và sự trang nghiêm: Thường xuyên lau dọn khu vực án gian thờ và tượng bằng khăn sạch và nước thơm để giữ sự thanh tịnh. Không gian thờ cúng phải luôn sạch sẽ, trang nghiêm, không để bụi bẩn hay đồ vật lộn xộn xung quanh.
- Xử lý tượng bị hư hỏng đúng cách: Nếu tượng chỉ bị hư nhẹ (nứt, mẻ nhỏ),có thể nhờ người có kỹ năng sửa chữa để tiếp tục thờ phụng. Trường hợp tượng đã cũ, hư hỏng nặng, không còn sử dụng được, nên gửi vào chùa để xử lý theo đúng nghi thức, tránh vứt bỏ tùy tiện mạo phạm đến Bồ Tát.