Nguồn gốc và ý nghĩa tục tỉa chân hương của người Việt
Tục tỉa (rút) chân hương (chân nhang) là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh. Gia chủ thường tỉa chân hương vào dịp cuối năm. Việc tỉa chân hương, dọn dẹp bàn án gian thờ được xem như “chuẩn bị chỗ ngồi” sạch sẽ, trang trọng để đón các vị thần, tổ tiên trở về sum họp cùng con cháu trong năm mới.
Tục lệ này thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn của gia chủ đối với gia tiên và các vị thần đã phù hộ suốt năm qua, đồng thời để giữ gìn nét đẹp truyền thống gia đình, dòng họ và dân tộc.
Khi nào được tỉa chân hương?
Theo truyền thống, việc tỉa chân nhang thường được thực hiện ít nhất một lần mỗi năm, đặc biệt vào dịp cuối năm, được coi là một phần của tập tục “dọn nhà đón Tết” của người Việt. Nhiều người quan niệm rằng nên tỉa chân nhang trong hoặc sau ngày 23 tháng Chạp, khi ông Công, ông Táo đã về trời. Tuy nhiên, cũng có nơi quan niệm rằng từ đầu tháng Chạp, đặc biệt sau rằm tháng Chạp, đã có thể thực hiện việc này. Nếu không phải là ngày 23 tháng Chạp, bạn nên chọn ngày Hoàng Đạo hoặc ngày phù hợp với công việc tế tự để nhận thêm phúc lộc.
Theo quan niệm của Phật giáo, bát hương là nơi kết nối giữa thế giới trần tục và cõi tâm linh nên cần giữ bát hương luôn sạch sẽ, gọn gàng. Vì vậy, việc tỉa chân hương có thể thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào, miễn là thực hiện nghi thức đầy đủ và xuất phát từ lòng thành.
Nghi thức tỉa chân hương
- Xin phép tổ tiên, thần linh
Bước đầu tiên của nghi thức tỉa chân hương là xin phép tổ tiên và thần linh. Trước khi bắt đầu, gia chủ phải thắp hương để thông báo và bày tỏ ý nguyện dọn dẹp bàn thờ, ý muốn mời các tổ tiên và các vị thần tạm lánh sang nơi khác. Hành động này là cách con cháu báo cáo với tổ tiên và thần linh về việc lau dọn nhằm giữ gìn sự trang nghiêm, sạch sẽ cho bàn thờ.
- Đọc văn khấn
Mẫu văn khấn trước khi tỉa chân hương như sau:
“Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con xin lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:………………
Ngụ tại:………………….
Con xin tấu lạy quan thần tài thổ địa đang cai quản tại địa chỉ:.........
Hôm nay là ngày ......... tháng ......., con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia các quan để cho sạch sẽ mong chư vị chấp thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!”
- Lau dọn bàn thờ
Lau dọn bàn thờ là bước quan trọng đòi hỏi gia chủ cần thật cẩn thận và chú ý. Gia chủ có thể di chuyển các vật phẩm như bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn... để tiện lau dọn nhưng tuyệt đối phải giữ cố định bát hương, chỉ dùng khăn lau bên ngoài bát hương.
Bài vị cần được lau rửa bằng nước pha lẫn rượu và gừng hoặc bằng nước ấm sạch, tuyệt đối tránh dùng nước lạnh. Nếu bàn án gian thờ có cả tượng Phật, tượng mẫu, bài vị các vị thánh và tổ tiên thì cần lau bài vị hoặc tượng Phật và các vị thánh thần trước, sau đó thay nước mới rồi mới tiếp tục lau bài vị tổ tiên để giữ gìn đúng lề lối, thứ bậc.
- Tiến hành tỉa chân hương
Sau khi đã lau dọn bàn thờ sạch sẽ, gia chủ mới bắt đầu tỉa chân hương. Khi tỉa chân hương không được tỉa hết mà phải để lại ít nhất là 3 chân hương. Số chân hương để lại bắt buộc phải là số lẻ, thường là 3, 5, 7 hoặc 9.
- Xử lý chân hương đã tỉa
Chân hương đã tỉa không được vứt lung tung mà cần được đốt hóa tro, sau đó gia chủ có thể mang tro này thả xuống sông hoặc vùi vào gốc cây, mang ý nghĩa “trở về với đất trời”.
- Thắp hương kính báo
Sau khi đã thực hiện xong các bước trên, gia chủ cần thắp hương một lần nữa để kính báo đến các bậc bề trên rằng đã tỉa chân hương xong và mời các vị về an tọa.
Một số chú ý khi thực hiện nghi thức tỉa chân hương
- Khi thực hiện nghi thức tỉa chân hương, người thực hiện phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, thể hiện sự tôn kính.
- Người tỉa chân hương thường là chủ nhà hoặc người đảm đương việc cúng lễ trong gia đình. Có quan niệm cũ cho rằng phụ nữ hoặc phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt không nên lau dọn bàn án gian thờ, nhưng ngày nay, quan niệm này đã trở nên lạc hậu. Thực tế, chỉ cần có lòng thành kính, ai cũng có thể tỉa chân hương và cúng dường thần phật, tổ tiên.
- Khi di chuyển đồ thờ tâm linh như lục bình, chén nước, ché thờ,... để lau dọn, cần tránh đặt những đồ thờ này gần nơi ô uế.
- Đồ dùng để tỉa chân nhang nên là đồ sạch và mới hoặc đồ chuyên dùng cho việc thờ cúng.
- Khi lau bát hương, nên dùng khăn ẩm, tránh để đọng nước vì có thể gây nấm mốc.
- Chân nhang sau khi tỉa không được vứt vào thùng rác hoặc nơi ô uế.
- Trong suốt quá trình từ khi thắp hương xin phép, tỉa chân nhang đến khi thắp hương kính báo, gia chủ cần giữ tâm thanh tịnh và lòng thành kính để thực hiện nghi thức một cách trang trọng và ý nghĩa nhất.