Skip to content

Ý nghĩa một số thuật ngữ thông dụng của Phật giáo (Phần 2)

Tiếp nối phần trước, Đồ thờ Thông Hồng giải nghĩa một số thuật ngữ trong Phật giáo, dành cho những người mới tìm hiểu về đạo Phật.

A-la-hán

A-la-hán hay còn gọi là các vị La Hán là những học trò của Đức Phật. Các ngài là những vị đã đạt tới giác ngộ và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Mỗi vị La Hán lại có những cách khác nhau để tiến tới giác ngộ, thể hiện cho nhiều khía cạnh của vũ trụ và con đường tới cõi Niết Bàn. Những vị La Hán còn tại thế trong hình hàng xác thịt được gọi là Hữu dư Niết Bàn, còn các vị đã viên tịch và nhập Niết Bàn gọi là Vô dư Niết Bàn.

Bát nhã

Bát nhã là cụm từ mang nghĩa “trí tuệ”, nhưng trí tuệ này không phải do suy luận hoặc dựa vào kiến thức mang lại. Đây là loại trí tuệ toàn triệt, đạt được Bát nhã cũng tương đương với đạt được giác ngộ và là yếu tố quan trọng để một người đạt được Phật quả.

Cõi Cực lạc

Cõi Cực lạc còn được gọi là An lạc quốc hoặc cõi Tây phương Tịnh độ. Đây là nơi Phật A Di Đà cai quản và tạo nên bằng những thệ nguyện của mình. Theo ghi chép trong kinh sách, cõi Cực lạc nằm ở hướng Tây, cách nhân gian 10 vạn ức cõi Phật, nơi đây luôn tràn ngập ánh sáng và mùi hương hoa Mạn-đà-la (hoa Bỉ ngạn),niềm hạnh phúc và cuộc sống viên mãn.

Hữu luân

Hữu luân là vòng sinh tử, luân hồi, là bánh xe của sự tồn tại thể hiện cho sự luân chuyển của vũ trụ. 

Lục đạo

Lục đạo là thuật ngữ chỉ 6 cõi trong vũ trụ, bao gồm: cõi trời, cõi thần (A-tu-la),cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ (quỷ đói) và cõi địa ngục. Mọi sinh vật trong vũ trụ đều thuộc 6 cõi này, mỗi kiếp có thể vào một cõi nhất định. Kiếp sau của một người/một vật vào cõi nào có thể dự đoán được dựa vào cận tử nghiệp (hay được gọi ngắn là “nghiệp”) của người/vật đó.

Theo ghi chép, Đức Phật đã trải qua cả 6 cõi trước khi đạt được giác ngộ, đại diện bởi 7 bông sen nở ra dưới mỗi bước chân của Đức Phật đản sinh (khắc họa trên tòa Cửu Long),bông sen thứ 7 đại diện cho bước chuyển của ngài từ một chúng sinh tầm thường sang Phật vị. bay-doa-sen-phat-dan-sinh.jpg (226 KB)

Mười phương chư Phật

Mười phương chư Phật ở đây là 10 phương trong vũ trụ, bao gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất ( trung ương). Bên cạnh đó, cũng có quan niệm cho rằng mười phương ở đây mang nghĩa tất cả mọi nơi. Nói mười phương chư Phật tức là Phật có ở khắp nơi, chỗ nào cũng có Phật.

Ngũ uẩn

Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo nên con người, đặc tính chung là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Ngũ uẩn bao gồm: 

  • Sắc uẩn: là nhận biết mình có thân và sáu giác quan (lục căn) tạo nên bởi bốn yếu tố hình thành nên vũ trụ là đất, lửa, gió và nước.
  • Thọ uẩn: là cảm giác và cảm nhận những thay đổi của môi trường xung quanh. 
  • Tưởng uẩn: là cảm giác và cảm nhận sự khác biệt của các sự vật trong vũ trụ.
  • Hành uẩn: là ý định, tính toán của con người trước khi thực hiện một việc nào đó, hành chính là yếu tố tạo nên nghiệp thiện ác.
  • Thức uẩn: là nhận thức nhờ sự mặc định của một người về một sự vật, sự việc. Đây là yếu tố chuyển tiếp của tưởng uẩn và hành uẩn.

Nhân quả

Nhân quả hiểu theo mặt chữ là hạt giống và trái tạo ra từ hạt giống đó. Trong xã hội và cuộc sống, nhân quả hiểu đơn giản là “nguyên nhân” và “kết quả”. Theo quan niệm của đạo Phật, nguyên nhân bắt đầu từ kiếp này sẽ nhận kết quả ở kiếp sau và tương tự, kết quả ở kiếp này là do nguyên nhân từ kiếp trước dẫn tới.

Niết Bàn

Đạt đến Niết Bàn là mục đích cuối cùng của mọi nhà tu hành. Khi đạt đến trạng thái Niết Bàn, con người đã loại bỏ hoàn toàn 3 nghiệp bất thiện: lòng tham lam, sân hận và ngu si, thâm tâm hoàn toàn thanh tịnh và bình lặng. Đây cũng là giai đoạn mà linh hồn thoát ra khỏi vòng xoáy luân hồi, đạt được giác ngộ hoàn toàn.

Tam Bảo

Tam Bảo được coi là ba “ngôi báu” của đạo Phật, bao gồm Phật, Pháp và Tăng. Trong đó:

  • Phật là bậc giác ngộ, là những vị đi trước và dẫn đường cho chúng tăng ni phật tử đến được Niết Bàn, hoàn toàn giác ngộ và thoát khỏi vòng luân hồi.
  • Pháp là các giáo lý của đạo Phật, hướng con người đến những điều đúng đắn, dẫn dắt con người thoát khỏi những khổ đau, hướng đến thiện tâm và xa hơn là giác ngộ.
  • Tăng là chư vị tăng ni phật tử, là những người tu tập theo cửa Phật, một lòng hướng đến tâm thanh tịnh và loại bỏ 3 nghiệp tham, sân, si khỏi chân tâm.

tang-bao-trong-tam-bao.jpg (361 KB)Thọ trì

Thọ trì bao gồm “thọ” mang nghĩa nhận được, nhận lấy, “trì” mang nghĩa giữ gìn, ghi nhớ không quên nên “thọ trì” có thể hiểu là nhận được và ghi nhớ mãi. Trong đạo Phật, nhờ sức mạnh của lòng tin nên có thể nhận, nhờ chánh niệm nên có thế ghi nhớ mãi không quên. Sâu xa hơn, thọ trì có 3 nghĩa khác nhau, bao gồm: thọ trì giới luật, thọ trì ba y và thọ trì kinh điển.

Quy y

Quy y còn được gọi là quy đầu, y thác. “Quy” có nghĩa là trở về, “y” có nghĩa là nương tựa, thuận theo. Trong đạo Phật thường nhắc đến “Quy y Tam Bảo”  để chỉ phật tử trở về nương nhờ cửa Phật. Những Phật tử đã quy y Tam Bảo phải giữ gìn “ngũ giới” (không sát sinh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm và không uống rượu).

Xá lợi

Xá lợi có thể hiểu theo hai hướng:

  • Xá lợi là phần tinh thể được kết lại từ răng, xương,... của các vị Phật tử đã viên tịch và được hỏa thiêu.
  • Xá lợi cũng có thể hiểu là trí tuệ và đức hạnh của các vị Phật tử để lại. 

Phật giáo tôn thờ xá lợi của Đức Phật như bảo vật và không phải nơi nào cũng có xá lợi của ngài.

Nguồn tham khảo: phatgiao.org.vn

5/5 (1 bầu chọn)