Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Khuất Nguyên là người trung thành và tài năng, nhưng do bị gian thần hãm hại, ông bị vua Sở đày đi lưu vong. Quá đau buồn trước cảnh đất nước suy vong, Khuất Nguyên đã nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch. Người dân thương tiếc ông, đã thả cơm nắm và trứng xuống sông để cá không ăn thi thể ông. Từ đó, ngày này trở thành ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên.
Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam
Tết Đoan Ngọ, diễn ra vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt Nam. Ngày này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sâu sắc nét văn hóa của dân tộc.
Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là "Tết diệt sâu bọ". Theo truyền thuyết dân gian, vào một vụ mùa bội thu, nông dân ăn mừng nhưng sâu bọ lại kéo đến phá hoại. Một ông lão tên Đôi Truân đã chỉ cho dân chúng cách lập bàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây và vận động thể dục để xua đuổi sâu bọ. Từ đó, ngày này trở thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người Việt thường thực hiện các nghi thức như ăn rượu nếp, bánh tro, hoa quả để diệt sâu bọ trong cơ thể. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị mâm cúng tổ tiên với các món ăn truyền thống như bánh ú tro, chè trôi nước. Đây cũng là dịp để mọi người quây quần bên nhau, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình.
Giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần
Tết Đoan Ngọ là biểu tượng của sự đoàn viên: Các món ăn truyền thống như bánh tro, bánh trôi nước không chỉ ngon mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn tụ của gia đình. Tết Đoan Ngọ là dịp để gia đình, bạn bè quây quần bên nhau, cùng nhau thực hiện những nghi lễ cúng tế, hỏi han và chia sẻ cùng nhau những áp lực của đời sống thường ngày.
Tết đoan ngọ là dịp thể hiện lòng biết ơn: Ngày này cũng là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với chư vị gia tiên, tổ tiên và các vị thần linh đã che chở cho con cháu, gia đình. Hãy cùng gia đình quay quần hoặc về quê thăm viếng mộ của gia tiên, thành tâm khấn nguyện và cầu mong sức khỏe, bình an cho con cháu, dòng tộc.
Nghi thức thờ cúng ngày 5-5 Âm Lịch (Tết Đoan Ngọ)
Tết Đoan Ngọ, còn được gọi là Tết diệt sâu bọ, là dịp để người dân Việt Nam thực hiện các nghi thức thờ cúng nhằm xua đuổi sâu bọ, bảo vệ mùa màng và cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Tùy từng vùng miền ở Việt Nam mà đồ thờ tâm linh và vật phẩm cúng lễ khác nhau và sự khác biệt thể hiện rõ ở 3 miền Bắc Trung Nam như sau:
Chuẩn bị lễ vật:
Miền Bắc:
- Rượu nếp là món ăn đặc sắc trong ngày này vì các cụ trong dân gian tin rằng, rượu nếp có khả năng tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể, khiến chúng không thể gây hại cho con người nữa.
- Bánh tro, là một loại bánh làm từ gạo nếp đã ngâm trong nước tro, bọc trong lá chuối, mùi vị rất ngon khi ăn cùng với mật mía. Theo dân gian thì gạo nếp khi luộc cùng lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, giúp giải nhiệt, tiêu bệnh trong cơ thể
Miền Trung:
- Cơm rượu: cũng tương tự như Rượu nếp, được lên men theo phương pháp cổ truyền có dạng miếng nhỏ, vuông vắn và khi ăn có vị chín mềm từ trong ra ngoài.
- Thịt vịt: Người miền Trung tin rằng thịt vịt có công dụng làm mát, giải nhiệt cho cơ thể, bổ máu và giúp tiêu hóa tốt hơn, và đây là mùa hè nên cũng là thời điểm thịt vịt ngon và béo nhất.
- Chè kê: Phổ biến trên mâm cúng các tỉnh Quảng Nam, là một loại chè được nấu từ hạt kê cho đến khi mềm nhuyễn, ăn rất ngọt, dẻo và mềm thơm.
Miền Nam:
- Cơm Rượu : Ở miền Nam, cơm rượu được nặn thành những viên tròn nhỏ và thêm nước đường, tạo nên hương vị ngọt ngào, tương tự như xôi chè ở miền Bắc.
- Bánh Ú Bá Trạng, lớn hơn bánh tro, được làm từ gạo nếp nhồi nhân và luộc hoặc hấp chín. Bánh có thể được gói bằng lá sen, lá chuối, mỗi loại lá mang đến một hương vị đặc trưng riêng.
- Chè Trôi Nước: Chè trôi nước miền Nam gồm những viên bột nếp trắng to tròn, bên trong là nhân đậu xanh bùi. Món chè này được ăn kèm với nước đường và nước cốt dừa, mang ý nghĩa diệt sâu bọ và đem lại may mắn.
Ngoài ra, nghi thức cúng chung của 3 miền đều không thể thiếu đó là hương, hoa vàng mã, các loại hoa quả: mận, chuối, dưa hấu và các loại trái cây mùa hè khác.
Nghi thức cúng:
- Súc miệng ba lần: Để làm sạch sâu bọ trong miệng.
- Ăn rượu nếp và trái cây: Để diệt trừ sâu bọ trong cơ thể.
- Thắp hương và khấn vái: Thành tâm cầu mong tổ tiên phù hộ, xua đuổi tà ma và sâu bọ
Những điều kiêng kỵ cần lưu ý trong dịp Tết Đoan Ngọ
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, có một số điều kiêng kị mà người dân thường tuân thủ để tránh gặp xui xẻo:
- Không để rơi hay mất tiền: Làm rơi tiền, mất tiền trong ngày này được xem là đại kỵ vì điều này tượng trưng cho tài lộc rơi mất, vận trình tài lộc theo đó cũng sa sút
- Không ở lâu nơi âm u, nhiều tà khí: Tháng 5 Âm lịch còn được gọi là tháng Cửu Độc, ngày 5/5 Âm lịch là một trong những ngày độc. Do đó, mọi người nên tránh đến những nơi âm u, hoang vắng và ở lại đó quá lâu
- Kiêng để giày dép lộn xộn: Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với "tà". Do đó, để giày dép lộn xộn, không đúng chỗ sẽ khiến tà khí phân tán, xâm nhập vào cơ thể con người
- Kiêng soi gương sau 12h đêm: 12h đêm là thời điểm âm khí cực vượng. Gương thuộc tính âm, dễ chiêu dụ âm khí, được coi là cửa ngõ giao thoa giữa âm và dương. Vì vậy, không nên soi gương sau 12h đêm
- Kiêng mua đồ lưu niệm: Đồ lưu niệm có thể mang theo những trường khí không tốt. Nếu không hiểu rõ ý nghĩa của món đồ vật đó, tốt nhất không nên mua làm quà lưu niệm để tránh phạm phải những đại kỵ
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ đã được người Việt biến đổi và kết hợp với các phong tục, tín ngưỡng địa phương, tạo nên một bản sắc riêng biệt. Ngày này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Tết Đoan Ngọ là dịp để mỗi người nhìn lại, trân trọng những giá trị truyền thống và tiếp tục gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Trên đây là những tổng hợp về nghi thức cúng lễ vào Tết Đoan Ngọ, là một ngày lễ rất quan trọng, thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, và giữa các thành viên trong gia đình. Đây là dịp để người Việt Nam không chỉ tưởng nhớ tổ tiên mà còn củng cố tình cảm gia đình và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và đừng quên rằng điều quan trọng nhất là sống lành, có tâm và tích đức bằng những điều thiện lành.