Tuy nhiên, đối với người mới bắt đầu hoặc những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo thì để hiểu đúng và thấu đáo các thuật ngữ này sẽ là một thử thách khá khó khăn. Khi đó, bạn có thể bắt đầu với một số thuật ngữ thông dụng và cơ bản của Phật giáo, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về triết lý và giá trị mà đạo Phật mang lại cho cuộc sống.
Giới
Giới là tầng lớp, yếu tố, nền tảng, dùng để gọi các phạm trù phân loại, chẳng hạn như Lục giới (đất, nước, lửa, gió, không, thức),Tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Giới cũng là những điều răn dạy của Phật tổ đối với chư tăng và đệ tử xuất gia để giữ tâm trong sáng, tránh nảy lòng bất thiện.
Giải thoát
Giải thoát hiểu đơn giản là gỡ bỏ được những trói buộc quanh mình. Trên con đường tu tập, con người đạt được giải thoát là khi họ thoát khỏi những điều mê đắm, vô minh, đạt được sự tự do hoàn toàn về tinh thần, nhìn nhận được bản thể chân thực của vạn vật, tâm thức và trực giác hòa vào vũ trụ.
Vô ngã, Vô thường và Khổ
Vô ngã, Vô thường và Khổ là ba pháp ấn của nhà Phật. Vô ngã có thể hiểu rằng không có một bản ngã nào có thể tồn tại trường tồn, bất biến mà không phụ thuộc vào cái khác. Vô thường có thể hiểu là vạn vật luôn xoay vần và chuyển động, không có gì là tồn tại mãi mãi trong một thể. Khổ ở đây không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn trong cả tinh thần, những gì vô thường sẽ đi kèm với khổ.
Hoằng pháp
Hoằng có nghĩa là truyền bá, rộng lớn. Hoằng pháp có nghĩa là truyền bá thuyết pháp của nhà Phật đến đông đảo chúng sinh.
Phát nguyện
Phát nguyện là đưa ra lời nguyện ước tốt đẹp cho bản thân hoặc cho người khác. Thường là người phát nguyện sẽ đánh đổi một điều gì đó để đạt được điều đã nguyện, chẳng hạn như nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi của bản thân hoặc Đức Phật A Di Đà sinh thời đã phát nguyện 48 điều, dùng quá trình tu hành của mình để mang lại những điều tốt đẹp cho chúng sinh.
Hạnh nguyện
Hạnh nguyện bao gồm tu hành và thệ nguyện. Người tu hành phải có cả “hạnh” và “nguyện” thì mới có thể đạt được giác ngộ, giống như có thực hành thì phải có mục tiêu thì mới có thể nhanh chóng đạt được kết quả mà mình mong muốn.
Chính giác
Chính giác, còn gọi là Chính đẳng chính giác, chính đẳng giác, chính giải, đẳng giác,..., ở đây nói đến sự giác ngộ chân chính. Do đó khi được “chứng quả thành Phật” cũng có thể nói rằng “thành Chính giác”.
Bát chánh đạo
Bát chánh đạo là con đường giúp chúng sinh có được cuộc sống tốt đẹp, viên mãn và hướng tới giác ngộ. Các bậc thánh hiền xưa kia đều đi theo con đường này để đạt đến giác ngộ và đi vào cõi Niết Bàn. Bát chánh đạo gồm tám chi: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Chính niệm
Chính niệm là một chi quan trọng của Bát chánh đạo, đây là trạng thái biết rõ, nhận thức được những gì đang xảy ra, hiểu rõ toàn vẹn về đạo pháp. Chính niệm là yếu tố quan trọng của quá trình tu tập và thiền định, là trụ cột quan trọng của đạo Phật.
Nhất niệm
Nhất niệm tức một niệm, chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, có thể chỉ là một cái nháy mắt. Nhất niệm dùng để nói đến khoảnh khắc ngắn ngủi xảy ra một sự việc nào đó, chẳng hạn như khoảng thời gian nảy ra một ý niệm gọi là Nhất niệm khoảnh hoặc Nhất phát ý khoảnh.
Ngũ Trí Phật
Ngũ Trí Phật, hay còn được gọi là Ngũ Trí Như Lai, Ngũ Thiền Định Phật hoặc ngắn gọn là Ngũ Phật, bao gồm các vị Bất Động Phật, Bảo Sinh Phật, A Di Đà Phật, Bất Không Thành Tựu Phật và Đại Nhật Như lai. Năm vị đại diện cho năm loại trí lần lượt là trí tuệ Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí và Pháp giới thể tính trí. Mỗi vị Phật lại có con đường đi tới Niết Bàn khác nhau, phật tử tu hành theo con đường thì sau này sẽ độ về cõi của vị Phật đó.
Ấn
Ấn, hay còn gọi là ấn thủ hoặc ấn tướng, là cử chỉ của cơ thể, đặc biệt là hai tay, tạo nên một “ấn” mang ý nghĩa nhất định trong đạo Phật. Hành động dùng tay tạo ấn được gọi là kết ấn hoặc bắt ấn.
Kiết già
Kiết già là một trong những tư thế thiền định nổi bật và phổ biến nhất trong đạo Phật. Khi ngồi kiết già, cần vắt cả hai chân lên, đặt bàn chân nọ lên đùi chân kia, kéo chân sát vào người. Đây là tư thế ngồi thiền thường thấy của Đức Phật. Khi ngồi kiết già, máu trên cơ thể sẽ được dồn lên não, giúp tăng khả năng tập trung và nhanh nhập thiền hơn, hạn chế máu dồn xuống dưới dễ sinh dục niệm.
Át già
Át già, hay a già, là một loại nước thơm chỉ dùng để cúng Phật, công đức hoặc đặt trong bình trên bàn thờ Phật. Cúng nước át già sẽ giúp Phật tử được chứng Bình đẳng tính trí thuộc cõi của Bảo Sinh Phật.
Nguồn tham khảo: phatgiao.org.vn