Skip to content

Truyền thuyết về Tứ Linh và ý nghĩa trong văn hóa thờ cúng tâm linh

Tứ Linh là bốn linh vật quan trọng trong văn hóa dân gian của người Việt từ ngàn đời nay. Mỗi linh vật đại diện cho một chòm sao, một phương trời, một yếu tố tạo nên vũ trụ, tạo nên sự hòa hợp và cân bằng, mang tới bình an và những điều may mắn.

Đôi nét về Tứ Linh

Tứ Linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng – bốn linh vật quan trọng và mang tính biểu tượng trong văn hóa Việt Nam và nhiều nền văn hóa Á Đông khác. Các linh vật này đại diện cho bốn yếu tố trong tự nhiên: nước (Long),gió (Lân),đất (Quy) và lửa (Phụng),cùng với đó là bốn chòm sao đại diện cho bốn phương trời. Bốn linh vật này cũng bắt nguồn từ các vị linh thần Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Tứ Linh từ đó trở thành biểu tượng của sức mạnh, sự thịnh vượng và sự cân bằng trong cuộc sống.

Theo quan niệm của người xưa, bốn linh vật này thể hiện sự hài hòa giữa các yếu tố tạo nên trời đất, thu hút được linh khí của bốn phương tám hướng. Do đó, từ sớm, người Việt Nam đã kết hợp hình tượng Tứ Linh vào trong các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc và đồ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đồ thờ như cửa võng Tứ Linh hoặc các đồ nội thất trong không gian sống như bàn, ghế,... nhằm mang lại không gian hài hòa, sự may mắn và thịnh vượng cho gia đình.

Ảnh chụp bức phù điêu tứ linh sơn son thếp vàng tại đền Đức Thánh Trần
Ảnh chụp bức phù điêu tứ linh sơn son thếp vàng tại đền thờ Đức Thánh Trần

Ngày nay, hình ảnh Tứ Linh thường xuất hiện trên các bức họa chủ đề dân gian, không gian linh thiêng và đặc biệt là trong không gian thờ, cụ thể như trên lư hương, bàn thờ, tủ thờ, chân đèn, hoành phi câu đối, cửa võng,... để thu hút linh khí của trời đất, mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sự bình an và may mắn cho gia đình.

Long - Rồng

Trong Tứ Linh, Rồng (Long) là biểu tượng của sức mạnh, quyền uy và trường thọ. Rồng được coi là đấng Thiên tử, nắm giữ quyền năng tối cao trong vũ trụ. Từ lâu, hình ảnh rồng đã gắn bó mật thiết với văn hóa Việt, sớm nhất và phổ biến nhất là truyền thuyết "con rồng cháu tiên”. Người xưa đã cho rằng Rồng là tổ tiên của người Việt, mỗi người Việt cho đến ngày nay vẫn mang trong mình dòng máu của Rồng, của tiên. 

Trong xã hội phong kiến, Rồng được xem là biểu tượng của quý tộc nói chung và vua chúa nói riêng vì mang hình ảnh quyền lực và mạnh mẽ. Theo dân gian, đây là loài có quyền năng điều khiển thiên nhiên, trời đất, tạo nên mưa và là khởi nguồn sự sống. Hình ảnh con Rồng bay lượn trên bầu trời, xen kẽ giữa những đám mây cũng là hình ảnh được sử dụng nhiều trong nghệ thuật văn hóa dân gian, biểu tượng cho tự do, bay cao bay xa. 

Theo truyền thuyết về Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước, Rồng ngự trị ở hướng Đông, là nơi mặt trời mọc, đồng thời trong quan niệm một số vùng, Rồng còn linh thần của mùa xuân, mang đến sự khởi đầu, sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, thuận lợi.

Khi khắc họa hình tượng con Rồng trên các kiến trúc hoặc vật dụng, Rồng của người Việt thường mang vẻ hiền hòa hơn so với hình tượng Rồng của Trung Hoa.

Lân (Ly) - Kỳ Lân

Trong Tứ Linh, Kỳ Lân (Lân) mang hình dáng đặc biệt, thân giống sư tử, đầu lai giữa rồng và thú, trên đầu có một chiếc sừng biểu trưng cho lòng từ tâm. Kỳ Lân có dáng vẻ oai nghiêm nhưng tâm tính hiền lành nên linh thú này được coi là biểu tượng của những điều may mắn, trường thọ, sự vững vàng, bền bỉ và kiên cường. Trước cổng đình, chùa hoặc nhà ở, người ta thường để tượng hoặc khắc họa hình ảnh Kỳ Lân để canh giữ, bảo hộ và xua đuổi tà khí.

Hình ảnh Kỳ Lân há to miệng có ý nghĩa thu hút tài lộc và xua đuổi những năng lượng xấu. Sự hiện diện của Kỳ Lân thể hiện cho mong ước về một cuộc sống thái bình, yên ổn, thịnh vượng và hạnh phúc. Theo truyền thuyết, Kỳ Lân ngự trị ở hướng Tây, là hướng mặt trời lặn và cũng là hướng đến cõi Tây Phương Cực Lạc.

Trong văn hóa dân gian, hình tượng Lân xuất hiện trong nhiều lễ hội, đặc biệt là múa lân, mang lại không khí vui tươi và cầu mong cho một khởi đầu mới thuận lợi, an khang, thịnh vượng. 

Quy - Rùa

Bức họa truyền thuyết vua Lê Lợi hoàn kiếm cho cụ rùa tại Hồ Gươm
Bức họa truyền thuyết vua Lê Lợi hoàn kiếm cho cụ rùa tại Hồ Gươm

Quy (Rùa) trong Tứ Linh là linh vật thần thoại, xuất hiện nhiều lần trong truyền thuyết và lịch sử của người Việt, nổi bật nhất là câu chuyện cho mượn kiếm của Kim Quy tại Hồ Gươm hoặc giúp vua An Dương Vương cải tiến nỏ thần. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình ảnh Rùa Thần có liên kết với thần Vishnu - một vị thần quan trọng của đạo Bà La Môn. 

Theo quan niệm dân gian, Quy là biểu tượng của trường thọ, sự kiên cường, nhẫn nhịn và vững chãi. Hình tượng của Quy là sự kết hợp cả âm và dương – với phần bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm) và phần mai khum tượng trưng cho trời (dương),thể hiện sự hòa hợp và cân bằng trong vũ trụ.

Trong văn hóa Việt, hình ảnh rùa đội bia mang ý nghĩa về sự phát triển và tri thức, hình ảnh này thường thấy trong các Văn Miếu, nổi tiếng nhất là Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội),để tôn vinh tinh thần học hỏi và tri thức của những người đi trước. Theo truyền thuyết, Quy ngự trị ở hướng Bắc, tượng trưng cho nước, sự tĩnh lặng, uy nghiêm và chiều sâu.

Tại một số vùng miền, Quy được xem là thần bảo hộ của mùa thu, mang theo những cơn mưa phùn và tiết trời mát mẻ, đảm bảo mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho nhân dân.

Phụng - Phượng Hoàng

Phụng (Phượng Hoàng) trong Tứ Linh là biểu tượng của sự bất tử, trang nhã và quyền quý. Theo truyền thuyết, Phượng Hoàng là loài chim có sức mạnh bất diệt và khả năng tái sinh, chúng luôn tái sinh từ tàn tro và ngọn lửa do chính mình tạo ra. 

Phượng Hoàng với vẻ đẹp thanh cao và đài các cũng được coi là biểu tượng của Mẫu Nghi Thiên Hạ, rộng hơn là biểu tượng của nữ nhân thuộc hoàng tộc và phụ nữ quyền quý ngày xưa. 

Theo truyền thuyết, Phụng ngự ở hướng Nam, tượng trưng cho lửa, sự ấm áp, may mắn, thịnh vượng và phát triển. Trong văn hóa dân gian, Phụng là biểu tượng cho mùa hè (dựa trên hình ảnh thần Chu Tước),mang đến nắng ấm và ánh sáng chiếu rọi. Phụng cũng là linh vật mang tính che chở và bảo vệ, là biểu tượng của may mắn, thành công và sự nghiệp thăng tiến, đồng thời là nguồn hạnh phúc và sự hài hòa cho gia đình.

Trong nghệ thuật và kiến trúc như trên cửa võng, bàn thờ,..., hình tượng Phượng Hoàng xuất hiện như một lời chúc phúc cho sự phát triển và thịnh vượng, truyền tải những ước vọng tốt đẹp về một cuộc sống sung túc, bình an và may mắn.

5/5 (1 bầu chọn)