Nguồn gốc và hình tượng của Rồng trong văn hóa Việt
Nguồn gốc của Rồng
Rồng là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Việt Nam, gắn liền với nhiều truyền thuyết dân gian của người Việt. Theo người xưa kể lại, Lạc Long Quân là Rồng hóa thân, ngài là thần Rồng từ biển cả, đã gặp và kết duyên với nàng Âu Cơ là một nữ tiên núi. Họ sinh ra trăm trứng, nở thành trăm con, là tổ tiên của các người Việt Nam.
Rồng được mô tả có mình rắn, vảy cá, sừng hươu, bờm sư tử, không có cánh nhưng vẫn có thể bay. Hình tượng Rồng của Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt như thân hình uốn lượn, nhiều lông và thường được miêu tả với vẻ hiền hòa hơn so với Rồng Trung Hoa.
Hình tượng của Rồng tại mỗi triều đại Việt Nam lại có sự khác biệt nhất định. Như thời Vua Hùng thì Rồng còn được gọi là Giao Long. Đến thời Lý, hình tượng của Rồng được khắc họa rõ nét hơn với đầu ngẩng cao, mào lửa, có bốn chân, mỗi chân ba móng,... Đến thời Trần, Rồng được khắc họa với thân to tròn và dài, ngược lại là hình tượng Rồng của nhà Lê sơ với thân ngắn, không mào lửa, đầu to,... Tuy nhiên, dù với hình tượng như thế nào, Rồng của Việt Nam luôn mang nét phóng khoáng, tự do và mạnh mẽ.
Ý nghĩa và hình tượng Rồng trong văn hóa Việt
Như đã nêu ở trên, Rồng gắn với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ nên người Việt Nam ta luôn tự hào coi mình là “Con Rồng, Cháu Tiên” và điều này đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức dân tộc.
Rồng là linh vật đứng đầu của Tứ Linh, bên cạnh đó là Ly (Kỳ Lân),Quy (Rùa) và Phụng (Phượng Hoàng). Nhờ hình tượng mạnh mẽ và uy phong, Rồng còn là biểu tượng của hoàng gia, quyền lực và sức mạnh.
Trong không gian cung đình, hình ảnh Rồng luôn được khắc họa ở tư thế uy nghi, biểu tượng cho uy quyền của bậc đế vương. Các ấn tín của vua chúa thường được chạm khắc hình tượng Rồng vàng. Bên cạnh đó, chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng Rồng trên hoàng bào và đồ dùng của mình. Điều này không chỉ khẳng định vị trí tối cao của nhà vua. Với người Việt, Rồng chính là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, khôn ngoan và bất khả chiến bại, một hình ảnh mà bất cứ ai cũng muốn hướng tới.
Trong 12 con giáp, Rồng là linh vật tượng trưng cho năm Thìn, năm mà người Việt tin rằng mang lại những điều may mắn, thịnh vượng và sức mạnh cho mỗi người và toàn dân tộc. Người sinh năm Thìn thường được xem là có vận may tốt hơn, có cuộc sống bình an, thuận lợi và thành đạt hơn.
Rồng cũng gắn liền với Phật giáo, được coi là thần thú mà Phật Bà Quan Âm cưỡi để phổ độ chúng sanh trong nhân giới. Trong kinh Phật, Rồng thuộc thiên long Bát Bộ và là linh vật đứng đầu, cai quản các loài.
Nơi có thế Rồng uốn được gọi là có long mạch mang nhiều vượng khí, được coi là “đất đẹp”. Xây dựng nhà cửa hoặc đặt mồ mả tổ tiên ở những khu vực này sẽ giúp cho nhiều đời con cháu được giàu có, phồn thịnh và mang mệnh đế vương.
Rồng trong tín ngưỡng thờ cúng
Rồng không chỉ hiện diện trong các câu chuyện dân gian hay các nghi lễ cung đình, mà còn giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt. Trong tâm thức người Việt Nam, Rồng được coi là biểu tượng của sự linh thiêng, uy quyền, bảo vệ, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và phước lành cho gia đình.
Từ xa xưa, Rồng đã có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt, từ cuộc sống hàng này đến các nghi lễ trang trọng. Bằng chứng dễ thấy nhất là những bức tượng hoặc họa tiết Rồng được chạm trổ khéo léo trên nhiều đồ vật, công trình kiến trúc từ nhiều đời của người Việt như mặt trống đồng, trên các đình, chùa, đền, miếu,...
Những gia đình chú trọng đến các nghi lễ thờ cúng thường chọn đặt những bức tượng Rồng hoặc đồ thờ khắc họa hình ảnh Rồng trên bàn thờ để tượng trưng cho sự che chở của tổ tiên và các thần linh. Rồng trong văn hóa thờ cúng gia tiên còn biểu tượng cho sự tiếp nối dòng dõi, mong muốn con cháu luôn mạnh khỏe, thịnh vượng, phù quý và đoàn kết.
Trong không gian thờ cúng, hình ảnh Rồng dễ thấy nhất là trên bộ cửa võng Tứ Linh với hình ảnh Rồng (Long) ở trung tâm, các linh vật khác như Kỳ Lân (Ly),Rùa (Quy) và Phượng Hoàng (Phụng) chầu xung quanh. Cửa võng Tứ Linh thể hiện cho sự bảo hộ của trời đất, mang tời cuộc sống bình yên và thịnh vượng cho gia chủ.
Bên cạnh cửa võng Tứ Linh, các gia đình theo đạo Phật thường thờ cả tòa Cửu Long gắn liền với hình ảnh của Rồng. Tòa Cửu Long khắc họa lại sự kiện Đức Phật đản sinh với hình ảnh Đức Phật sơ sinh đứng giữa trên tòa sen, xung quanh là 9 con Rồng phun nước tắm cho ngài trước sự chứng kiến của chư vị thần linh. Thờ tòa Cửu Long thể hiện mong muốn về cuộc sống ấm no, đủ đầy, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, hình ảnh của Rồng cũng có thể được khắc họa trên nhiều đồ thờ khác như bàn thờ, hoành phi câu đối, chân nến, lục bình, bộ ấm chén thờ,... Hình ảnh Rồng xuất hiện trong không gian thờ cúng thể hiện sự hy vọng vào sự bảo trợ của các thế lực siêu nhiên của gia chủ.