Skip to content

Sơ lược về Tam tòa Thánh Mẫu của tín ngưỡng Tứ Phủ

Tam tòa Thánh Mẫu có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Tam - Tứ Phủ. Các vị Thánh Mẫu là người cai quản, đại diện cho một miền nhất định cấu thành nên nhân gian.

Đôi nét về Tam tòa Thánh Mẫu

Tam Tòa Thánh Mẫu là ba vị Thánh Mẫu thuộc hàng thứ ba trong hệ thống Tam phủ công đồng của Đạo Mẫu. Hầu hết các đền phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ Phủ đều sẽ thờ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu. Ba vị thánh mẫu bao gồm: Mẫu Thượng Thiên ngự áo đỏ, Mẫu Thượng Ngàn ngự áo xanh và Mẫu Thoải Phủ ngự áo trắng. 

Mỗi vị Thánh Mẫu cai quản một miền khác nhau Mẫu Thượng Thiên cai quản miền Trời (Thiên Phủ),Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền Rừng (Nhạc Phủ) và Mẫu Thoải Phủ cai quản miền Nước (Thoải Phủ).

Có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vai trò và nguồn gốc của Tam tòa Thánh Mẫu. Một số tài liệu cho rằng Tam tòa Thánh Mẫu thực chất là ba lần hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh khi giáng trần, nghĩa là Mẫu Liễu chính là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ. Tuy nhiên, quan điểm ba Mẫu là ba vị riêng biệt vẫn phổ biến hơn. 

Bên cạnh đó, tượng Tam tòa Thánh Mẫu không có sự hiện diện của Mẫu Địa (thường ngự áo vàng). Một số quan điểm giải thích rằng đây là do thuyết “Thiên – Địa đồng quy” (trời đất là một),Mẫu Thượng Thiên cùng cai quản cả Địa Phủ và Thiên Phủ. Một số ý kiến khác lại cho rằng Mẫu Địa có thể chính là Mẫu Thượng Ngàn, vì miền Rừng cũng thuộc miền Đất.

Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu
Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu

Tượng Tam tòa Thánh Mẫu thường được thờ ngang hàng nhau: Mẫu Thượng Thiên ở vị trí trung tâm ngự áo đỏ, Mẫu Thoải ngự áo trắng và Mẫu Thượng Ngàn ngự áo xanh ngồi hai bên. 

Thờ Tam tòa Thánh Mẫu đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn,” ghi nhớ công ơn của các vị thần cai quản tự nhiên, giúp mưa thuận gió hòa, mang lại mùa màng bội thu. Người dân thờ cúng Tam tòa Thánh Mẫu còn với mong muốn cầu nguyện cho cuộc sống thuận buồm xuôi gió, công việc đồng áng, thủy hải sản hay đi rừng đều gặp thuận lợi.

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhất hoặc Mẫu Thượng Thiên, là vị Thánh Mẫu cai quản miền trời trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Bà có quyền năng điều khiển các yếu tố như mây, mưa, sấm, chớp, gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước của người Việt Nam. Theo quan niệm của dân gian, Mẫu Thượng Thiên liên quan mật thiết đến Tứ Pháp, bao gồm: Pháp Vân (Mây),Pháp Vũ (Mưa),Pháp Lôi (Sấm) và Pháp Điện (Chớp).

Tuy nhiên, danh tính thực sự của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên vẫn gây nhầm lẫn cho những người mới tìm hiểu về Đạo Mẫu. Có người cho rằng ngôi vị Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên trong Tam tòa Thánh Mẫu thực ra là Mẫu Cửu Trùng Thiên, một vị Thánh Mẫu mang quyền lực tối cao cai quản chín tầng trời.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, Mẫu Đệ Nhất chính là Mẫu Liễu Hạnh – một trong những vị Thánh Mẫu tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nổi tiếng với công lao giúp đỡ nhân dân. Bà từng xuất hiện trong nhiều sự tích, cứu trợ và hướng dẫn nhân dân đắp đê ngăn lũ, xây dựng cầu cống, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Tượng Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
Tượng Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

Một trong những lần giáng trần nổi tiếng nhất của Mẫu Liễu Hạnh là trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, bà cứu giúp những người dân khốn khổ và trừng trị kẻ ác. Người dân tôn kính bà và xây đền thờ tại các địa điểm bà giáng trần hoặc hiển linh, nổi tiếng nhất là đền Sòng ở Thanh Hóa.

Vậy danh tính thật sự của Mẫu Đệ Nhất là ai? Thực chất, Mẫu Đệ Nhất và Mẫu Liễu Hạnh là hai vị Thánh Mẫu khác nhau. Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Đệ Nhị nhưng do Mẫu Đệ Nhất, tức Mẫu Cửu Trùng Thiên, rất hiếm khi giáng trần nên bà giao cho Mẫu Liễu Hạnh là Thánh Mẫu đại diện cho Thiên Phủ ở trần thế. Do đó, trong thiết kế đền thờ, khi thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, ta sẽ thấy Mẫu Liễu Hạnh ngự ở giữa và khoác áo đỏ đại diện cho Thiên Phủ.

Lễ hội chính của Mẫu diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, được tổ chức rộng rãi tại nhiều đền thờ Mẫu trên khắp cả nước

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, hay còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn, là vị Thánh Mẫu cai quản vùng núi rừng trong Tam tòa Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Bà là biểu tượng của thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người, cây cỏ, và các loài chim thú. Trong Tam tòa Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh, ngồi bên cạnh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau về Mẫu Thượng Ngàn. Một số cho rằng bà là con gái của vua Đế Thích, được đầu thai làm con vua Hùng Vương và được đặt tên là Quế Hoa Mỵ Nương do mẫu hậu phải vịn vào cành quế khi sinh bà. Theo một truyền thuyết khác, bà là con gái của thần núi Tản Viên Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương, nổi tiếng trong câu chuyện dân gian Sơn Tinh – Thủy Tinh. 

Tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Tương truyền, Mẫu Thượng Ngàn dạy dân trồng trọt, phát rẫy, dựng nhà, săn bắt, trồng lúa và chế biến các món ăn. Bên cạnh đó, bà còn phù trợ nhân dân trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.

Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có mặt ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng rừng núi. Trong số đó, hai nơi thờ chính và nổi tiếng nhất là đền Suối Mỡ ở Bắc Giang và đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn. Đền Bắc Lệ được coi là nơi bà hiển linh giúp dân, còn đền Suối Mỡ là nơi bà tu tiên luyện đạo. Bên cạnh đó còn có đền Đông Cuông ở Yên Bái là nơi bà giáng sinh và ngự.

Ngày hội chính của Mẫu Thượng Ngàn được tổ chức vào ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân và tín đồ tới dự.

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, hay còn gọi là Mẫu Thoải hoặc Mẫu Thủy, là vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước trong hàng vị Tam tòa Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Bà là hiện thân của sức mạnh và sự bao dung của nước, gắn liền với đời sống thủy sinh của con người từ thuở sơ khai, đặc biệt có liên quan đến nguồn gốc thủy tổ dân tộc Việt Nam trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. 

Theo một số thần tích, Mẫu Thoải có thể là con gái của vua Thủy Tề hoặc là hóa thân của ba người con gái của Lạc Long Quân và Âu Cơ – những người đã cùng cha trở về vùng sông nước.

Mẫu Thoải là vị Thánh Mẫu gắn bó mật thiết với các vùng đồng bằng sông nước và cuộc sống người dân ven sông, ven biển. Nhân dân tin rằng bà bảo hộ cho cuộc sống và hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, cũng như phù trợ trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 

Tượng Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
Tượng Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Đền thờ Mẫu Thoải được dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các khu vực cửa sông, cửa biển, với một số đền thờ nổi tiếng có thể kể đến như:

  • Đền Thượng, Đền Hạ và Đền Ỷ La (Tuyên Quang) – đây được coi là nơi phát tích của Mẫu Thoải. 
  • Đền Dầm và Đền Xâm Thị (Thường Tín, Hà Nội) ghi dấu thánh tích Mẫu Thoải linh phù cho vua Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. 
  • Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa, là nơi bà giúp vua Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh. 
  • Đền Mẫu Thoải ở Lạng Sơn cũng nổi tiếng với các sự tích Mẫu giúp đỡ các triều đại chống quân xâm lược phương Bắc.

Trên bàn án gian thờ, Mẫu Thoải ngự áo trắng và ngồi ở cạnh Mẫu Đệ Nhất. Ngày hội của Mẫu Thoải diễn ra vào ngày 10 tháng 6 âm lịch hàng năm, với lễ hội được tổ chức long trọng nhất tại Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa.

5/5 (1 bầu chọn)