Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, hay còn gọi là Mẫu Cửu Trùng Thiên hoặc Thanh Vân Công Chúa, là một trong những vị Thánh Mẫu cao quý trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Mẫu ngự tại Thiên Phủ, là người cai quản bầu trời và vạn vật thuộc vùng trời. Dù xếp sau Quan Âm Bồ Tát và các Đức Vua Cha, Mẫu Thượng Thiên có vai trò vô cùng quan trọng trong miền Thiên Phủ nói riêng và toàn bộ Tứ Phủ Vạn Linh nói chung.
Vào ngày 9 tháng 1 âm lịch hàng năm, người nhân dân thường tổ chức tiệc kính nhớ Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ Công Chúa. Sau đó, ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày Tiệc Cô Chín Giếng và Cửu Trùng Thiên Cung Vương Mẫu nhằm tôn vinh Mẫu Thượng Thiên.
Vào những ngày này, các tín đồ từ khắp nơi đổ về các đền thờ để dâng hương, bái tạ trước tượng Mẫu và cầu xin sự phù hộ của Mẫu, mong cầu cuộc sống bình an, hạnh phúc và thành công. Lễ hội này không chỉ là dịp để tỏ lòng thành kính với Mẫu Đệ Nhất, mà còn là cơ hội để cộng đồng kết nối, gắn kết qua các nghi lễ tâm linh và văn hóa truyền thống.
Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên
Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên là một vị Thánh Mẫu quan trọng trong hệ thống Tứ Phủ Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Mẫu Đệ Nhị là con của Đức Vua Cha Ngọc Hoàng và được tôn là Thánh Mẫu Thần Chủ của miền Địa Phủ. Mẫu là vị thánh cai quản vùng đất đai nơi mà con người sinh sống, bảo vệ và mang sự màu mỡ cho đất đai và mùa màng của nhân gian.
Là hiện thân của Mẫu cai quản mặt đất, Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, nhất là đối với những người làm nông nghiệp. Nhờ sự che chở của Mẫu, nhân dân có được cuộc sống yên bình, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu.
Hằng năm, những lễ hội lớn được tổ chức để tôn vinh Mẫu Đệ Nhị, điển hình là:
- Ngày 24 tháng 2 âm lịch: Tiệc Sòng Sơn Quốc Mẫu, là dịp để nhân dân tỏ lòng biết ơn và cầu xin Mẫu phù hộ.
- Ngày 3 tháng 3 âm lịch: Tiệc Đức Quốc Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên Phủ Dày, một trong những lễ hội lớn tại Phủ Dầy, nơi thờ Mẫu.
- Ngày 6 tháng 3 âm lịch: Đản nhật Mẫu Quảng Cung, lễ mừng sinh nhật của Mẫu Quảng Cung.
- Ngày 15 tháng 8 âm lịch: Đản nhật Mẫu Phủ Dày.
Mẫu Liễu Hạnh là ai?
Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam (ba vị còn lại là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử). Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế và Mẫu Thiên Hậu. Mẫu đã ba lần giáng trần, hóa thân thành người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu, luôn một lòng giúp đỡ nhân dân. Bà được nhân dân tôn vinh và nhớ ơn là vị Thánh Mẫu có quyền năng bảo hộ và ban phước cho cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Trong suốt lịch sử, các triều đại phong kiến từ nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho Mẫu, tôn bà là "Mẫu Nghi Thiên Hạ" (người Mẹ của muôn dân). Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là biểu tượng của sự nhân từ mà còn đại diện cho tinh thần độc lập và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam.
Trong đạo Mẫu Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh thường bị hiểu nhầm vừa là Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, vừa là Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên. Nhưng thực ra Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên là vị thánh mẫu cai quản cõi trời, tượng trưng cho sức mạnh của thiên giới. Mẫu rất hiếm khi hạ phàm và do đó bà trao quyền cai quản phàm giới cho Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, chính là Mẫu Liễu Hạnh, coi Mẫu Liễu Hạnh là đại diện cho Thiên Phủ ở nhân giới. Chính vì điều này mà trong thâm tâm của người dân ở trần gian coi Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Đệ Nhất (Mẫu Thượng Thiên).
Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên là vị thánh mẫu cai quản cõi đất, bảo hộ cho cuộc sống của con người trên trần thế. Tuy nhiên, do vai trò đặc biệt và quyền lực của bà, trong các đền thờ, nếu không có tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên thì Mẫu Liễu Hạnh có thể được thờ tại ngôi vị Mẫu Đệ Nhất và mặc đồ màu đỏ như Mẫu Thượng Thiên. Điều này giải thích vì sao ở trong các đền phủ thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Mẫu Liễu Hạnh được thờ tại vị trí Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên và mặc trang phục màu đỏ biểu tượng cho cõi Thiên Phủ.
Ngoài ra, ở một số đền phủ, nếu muốn thờ đủ bốn vị Thánh Mẫu thì họ thường lập ban thờ riêng cho Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên.
Nhìn chung, Mẫu Liễu Hạnh thực chất là Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên trong tín ngưỡng Tứ Phủ nhưng do Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên không hạ phàm nên bà giao quyền cai quản cho Mẫu Đệ Nhị, coi Mẫu Đệ Nhị là đại diện cho Thiên Phủ ở trần gian, dẫn đến việc khi thiết kế đền thờ đạo Mẫu, nhân dân thường thờ Mẫu Liễu Hạnh ở vị trí Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên trong tượng Tam tòa Thánh Mẫu tại các đền thờ.