Tại sao nên thờ Ban Tam Bảo tại gia?
Ban Tam Bảo đại diện cho ba cơ sở chính của Phật Giáo, bao gồm Phật, Pháp, Tăng. Thờ Ban Tam Bảo tại gia giúp tạo không gian yên tĩnh, thanh tịnh để gia chủ thiền định, tụng kinh niệm phật. Điều này giúp củng cố đức tin và lòng tôn kính của các đệ tử quy y Tam Bảo đối với con đường tu tập giác ngộ.
Khi thờ Ban Tam Bảo, việc thiền định và tụng kinh giúp người tu tập làm dịu tâm hồn, giải tỏa căng thẳng và lo âu tích tụ. Đây là cách để con người tìm thấy sự bình yên và thanh thản trong cuộc sống. Thờ Ban Tam Bảo tại gia giúp nuôi dưỡng những năng lượng tích cực, mang lại bình an, hạnh phúc và may mắn cho cả gia đình.
Các vị thờ trên Ban Tam Bảo
Lớp đầu tiên - Tượng Tam Thế
Ở vị trí cao nhất trong không gian thờ cúng là bộ tượng Tam Thế Tam Thiên Phật (gọi tắt là Tam Thế),đại diện cho ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và tương lai. "Tam" có nghĩa là ba, còn "Thiên" biểu trưng cho con số vô hạn nên Tam Thế Tam Thiên Phật tượng trưng cho ba nghìn vị Phật thuộc ba thời kỳ khác nhau (quá khứ, hiện tại và tương lai).
Bộ tượng này bao gồm ba pho tượng:
- Tượng A Di Đà đại diện cho quá khứ ngự bên trái.
- Tượng Thích Ca Mâu Ni đại diện cho hiện tại ngự ở giữa.
- Tượng Di Lặc đại diện cho tương lai ngự bên phải.
Ba bức tượng này đều ngồi ở thế kiết già nhưng kết ấn tay khác nhau.
Lớp thứ hai - Tượng Tam Tôn Di Đà
Tượng thờ Tam bảo ở lớp thứ hai là bộ tượng Tam Tôn Di Đà, tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ. Bộ tượng này gồm tượng Phật A Di Đà ở trung tâm, bên trái là tượng Quan Âm Bồ Tát và bên phải là tượng Bồ Tát Đại Thế Chí.
Tượng Phật A Di Đà được khắc họa trong tư thế ngồi thiền, đôi tay đặt trên lòng đùi, khuôn mặt hiền từ, ánh mắt nhìn xuống và miệng cười nhẹ. Ngài là vị Phật của Tây phương Cực Lạc - nơi không có khổ đau, chỉ có niềm vui. Ở đó, ngài là người dẫn dắt, chỉ đường cho những người có công đức và thiện tâm.
Bên phải của Phật A Di Đà là tượng Quan Âm Thế Chí, hay còn gọi là Bồ Tát Đại Thế Chí, tay cầm một cành hoa sen xanh, biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết và trí tuệ. Ngài giúp chúng sinh nhìn rõ sự sai trái trong thế gian và hướng mọi người tránh xa khỏi những tội ác.
Bên trái là Bồ Tát Quan Thế Âm, tay ngài cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy, tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng. Quan Thế Âm luôn lắng nghe những lời cầu khẩn từ tâm hồn đau khổ của chúng sinh và luôn sẵn sàng đưa tay cứu vớt.
Lớp thứ ba - Tượng Phật Thích Ca, A Nan, Ca Diếp
Lớp tượng thờ Tam Bảo thứ ba là bộ tượng Phật Thích Ca, tượng A Nan Ca Diếp. Ở giữa là Đức Phật Thích Ca ngồi kiết già, tay cầm đóa sen, bên trái là Tông giả Ma Ha Ca Diếp và bên phải là Tôn giả A Nan Đà.
Trên Tam Bảo, Phật Thích Ca ngồi kiết già, tay nâng đóa sen, tượng trưng cho sự thanh tịnh và khai mở trí tuệ, thể hiện cho sự giác ngộ và truyền dạy đạo pháp cho chúng sinh.
Bên trái của Đức Thích Ca là Tôn giả Ca Diếp, biểu tượng của niềm vui và tình cảm của con người. Ngài là vị Bồ Tát có tình yêu thương sâu sắc, luôn mong muốn hóa giải khổ đau của trần thế thành hạnh phúc và bình an.
Tôn giả A Nan Đà đứng ngang hàng với Tôn giả Ca Diếp và ở bên phải của Phật Thích Ca. Ngài đại diện cho sự ân cần và lòng từ bi, luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng sinh và ban phước lành cho chốn trần thế.
Lớp thứ tư - Tượng Tuyết Sơn
Tượng Tuyết Sơn khắc họa giai đoạn khổ hạnh kéo dài bảy năm của Đức Thích Ca trong hành trình ngài đi tìm chân lý. Tượng miêu tả Đức Phật với hình dáng gầy guộc, đầu trơ xương, hốc mắt sâu và cơ thể hốc hác, để lộ rõ các đốt xương.
Quần áo của tượng rủ xuống, tạo nên vẻ tiều tụy, khắc khổ. Tuy nhiên, ẩn trong ánh mắt xa xăm và tĩnh lặng của ngài, ta vẫn cảm nhận được sự thanh thản và những suy nghĩ sâu sắc, biểu trưng cho sức mạnh tinh thần vượt qua gian khổ trên con đường tu hành.
Lớp thứ năm - Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh
Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh thuộc tượng thờ Tam Bảo là thuộc bộ nhất Phật nhị Bồ Tát (một Phật và hai Bồ Tát),tuy nhiên hình tượng cụ thể có thể khác nhau giữa các chùa. Phổ biến nhất bộ tượng gồm tượng Phật Thích Ca và tượng Văn Thù Phổ Hiền Bồ Tát. Hai vị Bồ Tát thường được khắc họa dưới dạng nữ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thường cưỡi Sư Tử Xanh và ngự ở bên trái Đức Phật, trong khi đó, Phổ Hiền Bồ Tát thường cưỡi Voi Trắng sáu ngà ngự bên phải Đức Phật.
Ngoài ra, lớp thứ năm còn có thể thỉnh những bộ tượng khác, chẳng hạn tại chùa Tây Phương, tượng Di Lặc ngồi ở trung tâm, hai bên là Đại Diệu Tường Bồ Tát và Pháp Hoa Lâm Bồ Tát.
Lớp thứ sáu - Tòa Cửu Long
Tòa Cửu Long tái hiện sự kiện Phật Thích Ca đản sinh. Đây là một trong bốn sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, từ đản sinh, xuất gia đến thành đạo và cuối cùng là viên tịch. Ở trung tâm của Tòa Cửu Long là tượng Thái tử Tất Đạt Đa dưới hình dạng một cậu bé, với khuôn mặt nghiêm trang, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất. Theo truyền thuyết kể lại, đây là khi Đức Phật vừa đản sinh, mỗi bước chân ngài đi lại nở ra một đóa sen, ngài chỉ một tay lên trời và một tay xuống dưới đất, nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Xung quanh Đức Phật là chín con rồng uốn lượn, kết nối với nhau tạo thành một vòm khum hướng ra ngoài, tượng trưng cho các tầng trời, xen kẽ là các vị thánh thần đứng chào mừng Đức Phật, thể hiện sự che chở và uy lực của vũ trụ.
Các lưu ý khi thỉnh lập bàn thờ Tam Bảo
Ai có thể lập bàn thờ Tam Bảo?
Không chỉ các vị sư hay những người làm về phong thủy, bất kỳ ai, chỉ cần có lòng chân thành, tin tưởng vào Đức Phật và thực hiện đúng nghi thức thờ cúng, đều có thể lập bàn thờ để tôn kính Tam Bảo.
Hướng đặt bàn thờ Tam Bảo
Bàn thờ Tam Bảo thường hướng về phía Đông hoặc Tây – đây là những hướng thể hiện sự tôn kính trong văn hóa Phật giáo. Nếu không thể đặt theo hai hướng này, gia chủ có thể chọn các hướng khác như Đông Nam hay Tây Nam, sao cho phù hợp với bài trí và phong thủy của ngôi nhà.
Vị trí đặt bàn thờ Tam Bảo tại gia
Gia chủ cần chọn nơi có không gian yên tĩnh, trang nghiêm, không có nhiều người qua lại, xô bồ. Điều này giúp tạo sự linh thiêng cho không gian thờ, giúp gia chủ dễ tịnh tâm và cũng thể hiện cho sự tôn kính đối với các vị thần thánh. Nơi đặt bàn thờ Tam Bảo thường là vị trí trung tâm của ngôi nhà, ở phía trước hoặc tầng cao nhất.
Những điều cần tránh khi đặt bàn thờ
Tránh đặt bàn thờ ở vị trí chéo so với cửa ra vào hoặc cửa sổ, vì điều này có thể gây xao lạc tính linh thiêng. Bên cạnh đó, bàn thờ cần được đặt cao hơn mặt sàn và cao hơn tầm mắt người để tránh phạm điều kiêng kỵ, nhưng cũng không nên đặt quá cao để thuận tiện cho việc thờ cúng và đảm bảo tính tôn nghiêm. Nếu không gian hẹp, có thể sử dụng kệ hoặc bệ đỡ để tạo độ cao thích hợp.
Tuyệt đối tránh đặt bàn thờ ở nhà vệ sinh, nhà tắm hoặc những khu vực u tối, có năng lượng tiêu cực như chỗ để rác, chỗ chứa đồ bẩn, gầm cầu thang hoặc những góc tối khác trong nhà.