Skip to content

Nghi thức cúng gia tiên cần thực hiện vào ngày Mùng Một và ngày Rằm

Theo phong tục người Việt, cứ vào ngày Mùng Một (Âm lịch) và ngày Rằm (15 Âm lịch) hàng tháng, việc sắm sửa và chuẩn bị đồ cúng để thắp hương cho tổ tiên đã trở thành tục lệ không thể thiếu. Điều này không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và các vị thần, mà còn giúp duy trì sự hài hòa trong cuộc sống gia đình và cá nhân…

Thế nhưng, có rất ít người hiểu biết rõ ý nghĩa của việc thắp hương cúng lễ hay không biết nên làm gì, chuẩn bị vật lễ như thế nào hay cần phải lưu ý những gì trong hai ngày này. Bởi đa phần mọi người thực hiện một cách vô thức, do thói quen, do truyền thống được lưu giữ đến nay mà chưa có thực sự hiểu sâu xa về chúng.

Sự ra đời ngày Mùng Một và ngày Rằm

  • Lý giải theo chu kỳ mặt trăng:

Khi xưa, con người đã xác định thời gian bằng việc theo dõi chu kỳ của thiên nhiên. Chu kỳ mọc - lặn của mặt trời chỉ có 1 ngày thì lại quá ngắn, còn chu kỳ theo mùa là 1 năm thì lại quá dài để con người nhận biết. Duy nhất chu kỳ tròn - khuyết của mặt trăng là hợp lý nhất giúp con người nhận biết thời gian.

Vì vậy, người ta dựa theo lịch mặt trăng - tức ngày trăng non (Mùng Một) và ngày trăng tròn (ngày 15) sẽ là mốc thời gian chuẩn để tính. Từ Lịch La Mã, Lịch Trung Quốc, Lịch Hồi Giáo… đều dựa trên chu kỳ tròn - khuyết của mặt trăng làm chuẩn. 

Tính ngày Mùng Một và ngày Rằm theo chu kỳ mặt trăng
Tính ngày Mùng Một và ngày Rằm theo chu kỳ mặt trăng

  • Lý giải theo góc độ tâm linh

Từ xưa, dân gian có quan niệm “trần sao âm vậy”. Nếu như vào ngày Lễ, Tết cõi dương mọi người được nghỉ lễ, thì ở cõi âm, vào Mùng Một và ngày Rằm hàng tháng theo luật giới quy định: Cho phép các vong linh được hồi gia - tức về thăm người thân.

Theo truyền thống, cứ đến hai ngày này, người cõi trần lại dâng hương, sắm lễ để cung cung kính, đón mời vong linh của tổ tiên về, cầu mong hương linh người quá cố siêu thoát, phù hộ độ trì cho con cháu.

Ý nghĩa của ngày Mùng Một và Ngày Rằm hàng tháng

Ngày Mùng Một (Âm Lịch) là còn gọi là ngày Sóc - là ngày đầu tiên của một tháng âm lịch. Đây là ngày khởi đầu cho một tháng mới, mang ý nghĩa tốt lành tới gia đình gia chủ trong cả tháng. Người Việt thường hay quan niệm rằng nếu khởi đầu diễn ra tốt đẹp thì cả tháng sẽ suôn sẻ.

Ngày Rằm, hay ngày Vọng, là ngày giữa tháng âm lịch - thể hiện sự viên mãn, trọn vẹn. Trong ngày này, mặt trăng sẽ tròn đầy, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương, giữa con người với trời đất. Vì thế người  ta tin rằng, chỉ cần thành tâm cầu nguyện, các vị thần linh và tổ tiên sẽ dễ dàng lắng nghe thấu những lời mong ước của con cháu. Hơn nữa, lễ cúng ngày Rằm còn thể hiện mong muốn con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi những tà niệm trong tâm.

Người Việt coi hai ngày này là ngày để tưởng nhớ tổ tiên, cúng ông bà, ông vải. Chính vì thế đây là thời điểm thuận lợi để khấn văn khấn gia tiên, giúp thần thức của người đã khuất buông bỏ được những phiền não, tự do đến với cảnh giới an lạc, dễ dàng đón nhận được tình cảm, lời cầu nguyện của con cháu. Từ đó, gia tiên sẽ phù hộ, độ trì cho gia đình an lành, an vui, khỏe mạnh và thành đạt, 

Chuẩn bị trước ngày Mùng Một và ngày Rằm hàng tháng

  • Dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị không gian thờ cúng

Một trong những bước quan trọng trước khi thực hiện các nghi thức đó là dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là không gian thờ cúng như lau dọn bàn thờ tổ tiên, bộ hoành phi câu đối, cửa võng,... Việc này không chỉ giúp làm sạch không gian sống của gia chủ mà còn tạo ra một không gian thanh tịnh, trong lành, thể hiện sự tôn kính dành cho các vị thần linh và tổ tiên.

Ngoài ra, phải sắp xếp bàn thờ sao cho gọn gàng, ngăn nắp với các đồ thờ tâm linh, lễ vật kể đến như: nhang, đèn, hoa... Lễ vật phải được bố trí trang trọng tạo nên không gian thiêng liêng, phù hợp để thực hiện các nghi thức cúng lễ. Đó không chỉ thể hiện lòng thành của gia chủ mà còn góp phần mang lại sự hài hòa cho cả gia đình. 

Cần dọn dẹp bàn thờ và chuẩn bị đầy đủ đồ thờ tâm linh
Cần dọn dẹp bàn thờ và chuẩn bị đầy đủ đồ thờ tâm linh

  • Sắm sửa lễ vật 

Với ý nghĩa là ngày tốt lành nhất trong một tháng nên vào hai ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật dâng cúng các vị thần linh và tổ tiên để cầu mong bình an, may mắn cho cả gia đình. Tuy nhiên lễ vật mà người Việt chuẩn bị không quá cầu kỳ, bên cạnh các đồ thờ tâm linh, lễ vật thường là các món như: hương, hoa, quả, trầu cau, nhang đèn, tiền vàng… Ngoài các món lễ chay như trên, có nhiều gia đình cũng có chuẩn bị thêm lễ mặn khác gồm rượu, thịt gà luộc và các món mặn khác.

Các nghi thức cần thực hiện vào ngày Mùng Một và ngày Rằm hàng tháng

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, gia chủ sẽ tiến hành các nghi thức cúng lễ theo một trình tự. Khi tiến hành cúng gia tiên cần phải coi trọng tâm cúng thần thức của người đã khuất khi trở về cảnh giới an lạc - hay “âm siêu dương thái”. Để các nghi thức cúng gia tiên đạt được kết quả viên mãn, gia chủ cần lưu ý các điểm sau:

Cúng Gia Tiên

Đây là nghi thức quan trọng, nhằm bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên. Gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ đồ thờ tâm linh và dâng lễ vật lên bàn thờ gia tiên, thắp nhang và thực hiện lễ bái. Sau khi thắp nhang, gia chủ sẽ khấn vái để xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình được khỏe mạnh, gặp nhiều phước lành.

Và không thể thiếu trong khi thực hiện các nghi thức đó là văn khấn gia tiên. Tùy vào từng văn hóa của mỗi vùng miền khác nhau, có nơi cúng vào ngày Mùng Một và ngày 15, nhưng cũng nhiều nơi lại cúng vào chiều ngày 30 và ngày 14 (Âm lịch). Cho dù, có sự khác biệt trong thời điểm thờ cúng song trước khi cúng gia tiên, ta cần phải cúng ông Thần Thổ Công trước; như vậy mọi điều ta cầu nguyện mới phải phép và đến được với ông bà tổ tiên.

Cúng Thổ Công

Theo như truyền thuyết Trung Hoa, Thổ Công là vị thần đảm nhận việc trông coi nhà cửa và đất đai trong gia đình. Việc cúng Thổ Công vào hai ngày này với mong muốn cầu chúc cho gia đình nhận được sự che chở, bảo vệ của Ngài, gặp được nhiều thuận lợi, cuộc sống viên mãn và làm ăn phát đạt. Mâm cúng Ngài được bài trí đơn giản nhưng đầy đủ với nhang, đèn, rượu và trầu cau. Tuy nhiên, gia chủ cần phải cúng Thổ Công trước rồi sau đó mới đến chân linh gia tiên, ngoài ra cũng cần phải khấn đầy đủ tên của các vị thần linh.

Cúng Phật

Ở Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tâm linh của người dân. Do đó, vào hai ngày này, với nhiều gia đình theo Phật Giáo, việc cúng Phật là không thể thiếu. Các gia đình thờ Phật thường chuẩn bị đầy đủ đồ thờ tâm linh, quan trọng nhất là tượng phật hoặc tượng Quan Âm. Mâm cúng Phật thường là các món chay, hoa quả và nước sạch. Gia chủ cũng sẽ thắp nhang, đọc kinh Phật và cầu nguyện bình an, may mắn và giác ngộ cho cả gia đình. 

Cúng tượng Quan Âm
Cúng tượng Quan Âm

Cúng Thần Tài, Thổ Địa

Cũng như cúng Phật, vào ngày Rằm, nhiều gia đình cũng thực hiện nghi thức cúng ông Thần Tài, Thổ Địa, nhất là những gia đình làm kinh doanh. Mâm cúng cũng gồm trái cây, bánh kẹo, thuốc lá, rượu… nhằm xin sự phù trợ cho công việc kinh doanh thuận lợi, phát tài phát lộc. 

Cúng Thần Tài, Thổ Địa
Cúng Thần Tài, Thổ Địa

Cúng Sao Giải Hạn

Vào ngày Rằm hàng tháng, một số gia đình còn thực hiện lễ cúng sao giải hạn. Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm sẽ có một ngôi sao chiếu mệnh, có sao tốt và sao xấu. Nếu gặp sao xấu thì gia đình phải cúng sao giải hạn để phần nào hạn chế được tai ương, vận hạn, những điềm xấu mà sao chiếu mạng gây nên cho người đó, cũng như để giúp mỗi gia đình sẽ được bình an, may mắn, phát tài. Lễ cúng sao giải hạn thường được thực hiện vào buổi tối với lễ vật gồm nhang, đèn, nước và giấy vàng mã. 

Một vài lưu ý trong ngày Mùng Một và ngày Rằm

Việc thắp hương vào Mùng Một và ngày Rằm hàng tháng là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt, đây là thời điểm để thắp hương cúng tổ tiên và Thổ Địa để xin sức khỏe, thành đạt, tài lộc… do đó gia chủ cần phải tuân thủ một số lưu ý sau để đảm bảo tính trạng trọng cũng như sự an toàn khi thực hiện các nghi thức:

  • Giữ tâm được thanh tịnh

Vào ngày Mùng Một và ngày Rằm, gia chủ nên giữ tâm thanh tịnh, tránh những hành động và lời nói tiêu cực. Việc giữ tâm thanh tịnh không chỉ giúp thu hút năng lượng tích cực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các nghi thức cúng lễ được thực hiện suôn sẻ. 

Gia chủ cần giữ tâm thanh tịnh trước bàn thờ
Gia chủ cần giữ tâm thanh tịnh trước bàn thờ

  • Tránh những điều kiêng kỵ

Trong những ngày bày, người ta thường kiêng một số đại kỵ như: Kiêng cắt tóc, kiêng vay mượn tiền bạc, kiêng làm đổ vỡ đồ dùng, kiêng quan hệ nam nữ,… Những điều kiêng kỵ trên không chỉ là biểu hiện của sự tôn trọng truyền thống mà còn là cách thể hiện sự quan tâm tới hạnh phúc, sự may mắn, thịnh vượng của bản thân và gia đình gia chủ.

  • Ăn chay

Việc ăn chay theo Phật Giáo là tùy duyên, xuất phát từ chánh niệm, nuôi dưỡng lòng từ bi với chúng sanh của mỗi người. Trong ngày Mùng Một và ngày Rằm, khi con người chịu sự tác động, chi phối của từ trường trong vũ trị nên tâm tính họ thường hung hăng, khó tự chủ và dễ gây ra nhiều tội lỗi. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau đưa ra trong việc “nên - không nên” ăn chay, tuy nhiên thực hiện ăn chay vào 2 ngày này sẽ giúp con người tự nhắc nhở mình làm chủ bản thân, tỉnh giác hơn, duyên tích cực hóa thân tâm; trên phương diện khoa học, ăn chay cũng giúp con người điều hòa huyết dịch và ngăn ngừa các bệnh lý tái phát…

5/5 (1 bầu chọn)