Skip to content

Các Phủ, Đền thờ Mẫu nổi tiếng liêng thiêng tại Việt Nam

Theo sự phát triển của đạo Mẫu và tín ngưỡng Tứ Phủ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống đền, phủ thờ các Thánh Mẫu và các vị thánh thần khác thuộc Tứ Phủ cũng phát triển và trong đó có những ngôi đền, phủ linh thiêng và thu hút đông đảo người dân đến thờ cúng, cầu khấn.

1. Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ là một trong những địa điểm linh thiêng và nổi tiếng ở Hà Nội. Theo dân gian truyền lại, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Phủ thờ Chúa Liễu Hạnh, Ngài được triều đại nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ” và là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Chúa Liễu Hạnh là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì làm vỡ ly ngọc quý, bà bị giáng xuống hạ giới. Sau khi ngao du khắp nơi dưới trần gian, bà yêu thích vẻ đẹp của Hồ Tây nên quyết định dừng chân tại đây, giúp dân diệt yêu trừ ma và bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân. Nhân dân lấy ngày 3/3 âm lịch là ngày giỗ của Mẫu Liễu Hạnh, khi đó người dân tổ chức lễ rước kiệu các Mẫu để tưởng nhớ Ngài.

Phủ Tây Hồ bao gồm Phủ chính, Điện Sơn Trang và lầu Cậu, lầu Cô. Phủ chính gồm có ba nếp tương ứng với ba gian lễ. Lớp thứ ba là nơi thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu. Điện Sơn Trang là nơi thờ tượng Mẫu Thượng Ngàn cùng 12 Cô Sơn Trang theo hầu. Lầu Cô và lầu Cậu ở trong sân, hai lầu được đặt ở 2 bên theo hai hướng tả và hữu.

Địa chỉ: số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội 

Phủ Tây Hồ (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)
Phủ Tây Hồ (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)

2. Quần thể di tích Phủ Dầy

Quần thể di tích Phủ Dầy là một địa danh nổi tiếng và linh thiêng thuộc tỉnh Nam Định. Quần thể này bao gồm nhiều đền nhỏ tập trung và là nơi thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh, một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Quần thể di tích Phủ Dầy là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bao gồm Thiên phủ (miền trời),Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Hơn 20 công trình kiến trúc đặc sắc tại Phủ Dầy được lấy nguồn cảm hứng từ hình tượng Mẫu Liễu Hạnh, tạo nên một quần thể kiến trúc, thiết kế đền thờ độc đáo và giàu giá trị văn hóa, lịch sử.

Lễ hội Phủ Dầy diễn ra hàng năm vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, với chính hội vào ngày 3/3 âm lịch. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương tụ họp, tham gia các nghi lễ, hoạt động văn hóa và tôn vinh Mẫu Liễu Hạnh.

Địa chỉ: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định 

Phủ Dầy (Nguồn ảnh: nhandan.vn)
Phủ Dầy (Nguồn ảnh: nhandan.vn)

3. Đền Dâu

Đền Dâu tại Ninh Bình là một trong những ngôi đền linh thiêng thờ cúng Liễu Hạnh Công Chúa. Đền Dâu không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là nơi gắn liền với truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh, người được coi là biểu tượng của lòng hiếu thảo và đức hạnh.

Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh Công Chúa đã dạy nhân dân trồng dâu, nuôi tằm, góp phần phát triển đời sống của người dân địa phương. Bà còn giúp nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, Đền Dâu trở thành nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử lớn, đồng thời là nơi để người dân địa phương thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với Thánh Mẫu.

Lễ hội Đền Dâu diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng và kéo dài đến hết mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương tụ họp, tham gia các nghi lễ, hoạt động văn hóa để tưởng nhớ Liễu Hạnh Công Chúa.

Địa chỉ: Phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình 

Đền Dâu (Nguồn ảnh: mia.vn)
Đền Dâu (Nguồn ảnh: mia.vn)

4. Đền Dầm

Đền Dầm là nơi thờ Mẫu Thoải, hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam - Thánh Mẫu cai quản vùng sông nước theo tín ngưỡng Tứ Phủ. Mẫu Thoải là một trong Tam Tòa Thánh Mẫu, bên cạnh Mẫu Thượng Thiên (cai quản vùng trời) và Mẫu Thượng Ngàn (cai quản vùng rừng, núi).

Đền Dầm nổi bật với kiến trúc mộc mạc và không gian thoải mái, giữ nguyên vẻ cổ kính qua năm tháng. Trong khuôn viên đền có hồ nước và nhiều cây cổ thụ, tạo nên một không gian thanh bình và yên tĩnh. Ngôi đền được phân thành các khu vực khác nhau, với khu vực chính là đền thờ Mẫu Đệ Tam. Ngoài ra, còn có các khu vực khác như cung Trần triều thờ Hưng Đạo Vương, động Sơn Trang, Lầu Cô và Lầu Cậu.

Lễ hội đền Dầm diễn ra vào mùa xuân, từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Địa chỉ: Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội 

Đền Dầm (Nguồn ảnh: vnexpress.net)
Đền Dầm (Nguồn ảnh: vnexpress.net)

5. Đến mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng là một địa điểm tâm linh nổi tiếng thờ Phật và Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thu hút nhiều du khách đến viếng thăm. Đền Mẫu Đồng Đăng được chia thành 5 gian, phía trong đền là nơi thờ Tam Bảo. Phía ngoài của đền là nơi thờ các Mẫu, gồm Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ và Mẫu Thượng Thiên. Các khu vực còn lại trong đền thờ Chúa Liễu, Chầu Lục và Chầu Bơ cùng nhiều vị thánh thần khác.

Lễ hội đền Mẫu diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương tụ họp, tham gia các nghi lễ tôn giáo, cầu nguyện và xin phúc lộc. 

Địa chỉ: thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn 

Đền mẫu Đồng Đăng (Nguồn ảnh: laodongthudo.vn)
Đền mẫu Đồng Đăng (Nguồn ảnh: laodongthudo.vn)

6. Đền Công Đồng Bắc Lệ

Đền Công Đồng Bắc Lệ là một trong những ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất ở Việt Nam. Nằm trên một ngọn đồi tại tỉnh Lạng Sơn, ngôi đền này thu hút đông đảo du khách và tín đồ đến chiêm bái và cầu nguyện. Đền được xây dựng từ thế kỷ 16-17, là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn của tín ngưỡng Tứ Phủ, Ngài là vị thần bảo hộ cho vùng rừng núi, mang lại bình an và may mắn cho người dân.

Đền Công Đồng Bắc Lệ được xây dựng theo phong cách chữ Đinh, với khu vực tiền tế và hậu cung được bài trí trang trọng, uy nghiêm. Các bức hoành phi và hàng cột bằng gỗ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo và tài năng của các nghệ nhân xưa. 

Địa chỉ: thôn Bắc Lệ, thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn 

Đền Công Đồng Bắc Lệ (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Đền Công Đồng Bắc Lệ (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

7. Đền mẫu Đông Cuông

Đền Mẫu Đông Cuông là một trong những ngôi đền nổi tiếng thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Ngôi đền này có ba khu thờ chính: Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông. Ngoài ra, đền còn thờ các vị anh hùng dân tộc thiểu số như Hà Chương, Hà Đặc và Hà Bổng và những người có công với đất nước được người dân tôn kính.

Lễ hội tại đền Mẫu Đông Cuông diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Phần lễ hội có nhiều nghi thức long trọng như đón ông Mo về đền, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ mổ trâu trắng tế thần và lễ dâng hương. Những nghi thức này không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần mà còn phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Năm 2009, đền Mẫu Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Địa chỉ: thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái 

Đền mẫu Đông Cuông (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Đền mẫu Đông Cuông (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
5/5 (1 bầu chọn)