1. Mẫu Thượng Ngàn
Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Thượng Ngàn hoặc là một trong ba vị Thánh Mẫu quan trọng nhất trong hệ thống Đạo Mẫu Tứ phủ. Mẫu Thượng Ngàn là vị Thánh Mẫu cai quản miền Nhạc Phủ (vùng rừng núi).
Tương truyền rằng, Bà chính là La Bình Công chúa - con gái của Vua Cha Nhạc Phủ (Tản Viên Sơn Thánh) và nàng Mỵ Nương Ngọc Hoa (Con gái của Vua Hùng thứ 18). Sau khi Tản Viên Sơn Thánh được Vua Cha Ngọc Hoàng triệu gọi lên trời phong làm Vua Cha Nhạc Phủ thì La Bình Công Chúa được vua cha trao lại quyền cai quản miền Nhạc Phủ gồm 81 cửa rừng từ núi non hang động tới các miền trung du và muôn loài, La Bình Công Chúa chính thức trở thành Mẫu Thượng Ngàn.
Trong bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Mẫu Thượng Ngàn được tạc thành hình một người phụ nữ đẹp, phúc hậu, ngồi ở tư thế thiền, chân xếp bằng, hai tay chắp và mang trang phục màu xanh lá - tượng trưng cho cây cỏ và rừng núi, mang lại sự thịnh vượng và bình an cho con dân nước Nam. Ngoài ra, Bà còn gắn liền với việc hiển linh vệ quốc, phù hộ cho các tướng lĩnh bảo vệ bờ cõi.
2. Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Chầu Đề Nhị Thượng Ngàn Khâm Sai (hay Chầu Đệ Nhị, Chầu Bà Đệ Nhị),là vị Chầu Bà trong hàng Tứ phủ Thánh Chầu. Theo “Thần tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ dền và tế tự chép” có chép: Đông Quan Công chúa (Chầu Bà Đệ Nhị),tên húy là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều định giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi…
Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, Chầu Đệ Nhị là vị có quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang. Có thể nói gần như là vị có quyền cao nhất hàng Chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất. Tượng Chầu là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Chầu cũng vốn là Thiên Thai Tiên Nữ, con vua Đế Thích không chỉ cai quản 36 động Sơn trang, quyền hành khắp hết 81 cửa ngàn đất Nam Việt mà còn phù trợ cho những người sinh sống và làm việc quanh các vùng rừng núi. Với hình mẫu lý tưởng trên cõi thượng ngàn, Chầu Đệ Nhị biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên..
Chầu Bà Đệ Nhị là vị Chầu thường được thỉnh mời về ngự nhất trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà để ban phước, cầu may và bảo vệ bình an cho con nhang đệ tử. Khi ngự về, Chầu “khai quan và làm lễ bằng quạt múa song đăng, múa mồi, chứng vàng thoi núi, múa tay tiên… Ngài ngự đồng hiến thanh thủy hoặc chứng hoa quả lương thực lễ vật và ban phát cho bách gia". Tượng Chầu thường xuất hiện trong trang phục người của người dân tộc màu xanh dương hoặc xanh lá cây - biểu trưng cho sự gắn bó với núi với rừng. Trên đầu đội khăn buồm xanh, cổ đeo kiềng bạc hoa tai, thắt đai màu xanh hoặc mang theo dao quay, túi vóc.
3. Cô Đôi Thượng Ngàn
Cô Đôi Thượng Ngàn là Thánh Cô thứ hai trong hàng Tứ Phủ Thánh. Cô Đôi là người hầu cận của Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Đề Nhị.
… Hầu Vua hầu Mẫu bơ tòa
Tiếng tăm lừng lẫy Vua Bà yêu thương
Về đồng đánh phấn soi gương
Lược ngà chải chuốt, khăn xanh vấn đầu.
Theo truyền thuyết dân gian, Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là con của Vua Đế Thích, hiệu là Sơn Tinh Công Chúa, ra vào hầu cận bơ tòa Vua Mẫu trong điện ngọc. Được lệnh Vua cha, Cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình, làm con gái một vị quan lang họ Hà người dân tộc Mường. Tương truyền cô giỏi thơ văn, nên biết bao kẻ sĩ mến phục, ngưỡng mộ Cô.
Khi về ngự, Cô Đôi thường được miêu tả với hình ảnh là một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, thường mặc áo màu xanh ngắn đến hông, quần đen hoặc quần hoa. Đầu đội khăn voan kết thành hình đóa hoa hoặc khăn vấn, hai bên dắt hoa. Cô về đồng thường khai quan rồi múa mồi, múa tay tiên, hái tài hái lộc ban cho đệ tử.
4. Điểm chung và sự khác biệt
4.1. Điểm chung
Cả Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Đề Nhị Thượng Ngàn và Cô Đôi Thượng Ngàn đều là thần linh của Phủ Thượng Ngàn - đại diện cho sức mạnh và sự bảo trợ của miền rừng núi. Cả 3 đều có mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ. Tượng Mẫu, tượng Chầu Nhị và tượng Cô Đôi là những tượng thờ đền điện được nhân dân thờ phụng, để cầu mong được sự bảo vệ, bình an và thịnh vượng.
4.2. Sự khác biệt
Mẫu Thượng Ngàn là vị thần tối cao của Phủ Thượng Ngàn, là vị thánh cai quản toàn bộ vùng rừng núi, Mẫu Thượng Ngàn có quyền năng tối thượng trong việc bảo vệ thiên nhiên, mùa màng và muôn loài sinh linh. Mẫu được coi là Mẹ của tất cả các sinh linh trong rừng, có thể điều khiển thiên nhiên để bảo vệ con người khỏi thiên tai, vì thế tượng Mẫu được họa với nét mặt thể hiện sự uy nghiêm và quyền lực.
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị, đứng thứ hai trong hệ thống Chầu Bà. Chầu Nhị có quyền năng hỗ trợ Mẫu Thượng Ngàn trong việc cai quản vùng rừng núi, đặc biệt là bảo vệ cây cối, thú rừng và tài nguyên thiên nhiên. Chầu được coi như người hầu cận thân tín của Mẫu, phụ trách những nhiệm vụ mà Mẫu giao phó.
Cô Đôi Thượng Ngàn là một vị tiểu thánh linh hoạt, gần gũi với dân và là người hầu cận của Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Nhị. Cô Đôi phù trợ cho những vùng đất mới khai hoang, mang tới sự may mắn, thịnh vượng, phù trợ cho những người hoạn nạn, khó khăn. Cô cũng là người cai quản kho lộc núi rừng, người đời gửi gắm tâm thành, phụng thờ cô cũng sẽ được ban tài lộc. Tuy nhiên, vô phép vô thiên, có nợ không trả sẽ bị Cô quở và bắt đền nặng hơn.
Mặc dù, cả Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Cô Đôi Thượng Ngàn đều là những vị thánh linh thiêng của Phủ Thượng Ngàn, nhưng mỗi vị có vai trò, quyền năng và vị trí riêng biệt trong hệ thống thờ cúng. Việc hiểu rõ sự khác biệt này giúp người dân thực hiện các nghi lễ thờ cúng một cách chính xác và trang nghiêm, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu.