Nguồn gốc của Kỳ Lân trong văn hóa phương Đông
Kỳ Lân, hay còn gọi là Lân hoặc Ly, là một trong bốn linh vật của Tứ Linh trong tín ngưỡng dân gian Á Đông, bao gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Theo quan niệm văn hóa phương Đông, hình tượng Kỳ Lân chứa đựng nhiều giá trị tâm linh, biểu tượng cho sự thánh thiện, hòa bình và may mắn.
Theo truyền thuyết, Kỳ Lân ban đầu là loài vật gây hại cho mùa màng. Sau đó, Đức Phật Di Lặc đã hóa phép thành Thổ Địa và xuống trần thuần phục Lân. Từ đó, Lân trở thành một linh vật chuyên bảo vệ và mang lại may mắn cho người hiền lành, hiếu thảo và nhân hậu.
Theo dân gian truyền lại, Kỳ Lân luôn di chuyển một cách nhẹ nhàng, tránh giẫm lên các loài côn trùng hay cỏ mềm dưới chân mình. Điều này biểu trưng cho sự cẩn trọng và tôn trọng sự sống của muôn loài. Lân không ăn thịt hay làm hại bất kỳ sinh vật nào, nó chỉ uống nước sạch và ăn cỏ, vì thế được mệnh danh là "Nhân thú" – loài vật nhân từ.
Hình tượng Kỳ Lân trong văn hóa người Việt
Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa người Việt nói riêng, Kỳ Lân là linh vật mang tới điềm lành, những điều may mắn và sự phú quý.
Tạo hình của Kỳ Lân
Kỳ Lân có tạo hình độc đáo, kết hợp giữa các đặc điểm của nhiều loài vật. Đầu Lân nửa rồng nửa thú, thường có một sừng, chiếc sừng này biểu trưng cho lòng từ tâm và Kỳ Lân không bao giờ húc ai. Các bộ phận khác bao gồm tai chó, sừng nai, trán lạc đà, mắt quỷ, miệng rộng, mũi sư tử, thân ngựa, chân hươu và đuôi bò.
Đặc biệt, hình tượng Kỳ Lân của Việt Nam có nét khác so với Kỳ Lân của Trung Quốc với đôi mắt to, mũi lớn, mõm ngắn, đuôi xù hoặc rẽ quạt, tạo vẻ thân thiện, hoạt bát và dễ gần hơn, trong khi đó Kỳ Lân của Trung Hoa thường trông oai nghiêm, dọa nạt và dữ tợn hơn.
Vị trí và tư thế của Kỳ Lân
Kỳ Lân thường xuất hiện trong không gian kiến trúc tượng trưng cho sự bảo hộ và tôn nghiêm. Chúng thường được khắc họa trong tư thế đội tòa sen, làm linh vật cưỡi trong tượng Văn Thù Phổ Hiền Bồ Tát hoặc tượng Hộ pháp, thể hiện sự uy nghi và phò trợ cho các vị thần linh. Ngoài ra, Kỳ Lân cũng được khắc họa làm họa tiết trên cửa võng Tứ Linh, các bộ hoành phi câu đối, bàn thờ, án gian,...
Kỳ Lân cũng có thể được đặt trên đầu cột cổng hoặc trên mái nhà để trấn giữ và bảo vệ cho không gian mà nó đang ngự. Trong kiến trúc Việt, Kỳ Lân thường được bài trí thành từng cặp chầu trước cung điện của vua, đầu hướng vào cung, biểu trưng cho lòng trung thành. Khi được bài trí trong điện thờ, đền miếu, chúng thường quay mặt ra ngoài, thể hiện sự tôn kính và bảo vệ không gian linh thiêng.
Kỳ Lân đại diện cho quyền uy của hoàng tộc
Do Kỳ Lân là linh vật phò trợ cho thần linh, là biểu tượng cho sự tôn nghiêm và phú quý nên Kỳ Lân cũng đại diện cho quyền uy của hoàng tộc trong văn hóa Việt Nam. Trên ngai vàng của vua triều Nguyễn, đôi Kỳ Lân được dùng làm chỗ đặt chân cho nhà vua, thể hiện sự bảo vệ và quyền lực tối cao.
Bên cạnh đó, Kỳ Lân còn đại diện cho thái tử trong mối liên kết giữa các linh vật đại diện cho hoàng tộc: Rồng (vua),Kỳ Lân (thái tử) và Phượng Hoàng (hoàng hậu). Điều này khẳng định vị thế quan trọng và vai trò của Kỳ Lân trong việc duy trì quyền lực và sự kế vị của hoàng tộc.
Kỳ Lân trong hàng ngũ Tứ Linh
Như đã nêu ở trên, Kỳ Lân thuộc hàng Tứ Linh (Long - Lân - Quy - Phụng),4 linh vật này đại diện cho bốn yếu tố tạo nên vũ trụ, cũng đại diện cho 4 phương trong nhân gian. Khi đó, người dân thờ Tứ Linh hoặc khắc họa Tứ Linh lên đồ thờ như cửa võng, bàn thờ,... để mong ước sự bảo vệ của đất trời, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, đại cát đại lợi,...
Kỳ Lân và tục múa Lân
Kỳ Lân là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn, bình an và phú quý nên người xưa đã tạo nên tục múa Lân trong các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ Tết và các sự kiện quan trọng, như lễ khai trương, lễ cưới hay kỷ niệm,... để cầu may mắn, bình an và thành công. Từ đó, múa Lân đã trở thành nét văn hóa truyền thống quan trọng của người Việt.
Vào dịp Rằm Trung thu, múa Lân cũng trở thành niềm vui cho trẻ em, khi các em chạy theo đoàn múa Lân khắp xóm làng dưới ánh trăng. Theo truyền thuyết, mỗi mùa Trung thu, Ông Địa và Lân xuống trần gian để vui chơi và thăm hỏi người dân, mang lại niềm vui và phúc lành cho mọi nhà. Từ đó, Ông Địa và Lân trở thành biểu tượng của sự may mắn, bình an.
Con Nghê - Kỳ Lân của người Việt
Con Nghê là linh vật mang đậm dấu ấn bản địa của người Việt, được người xưa sáng tạo từ hình tượng của Kỳ Lân nhưng mang những đặc trưng riêng biệt. Nghê là hóa thân của sư tử được người Việt tạo ra với đường nét nhẹ nhàng, gần gũi hơn, khác với Kỳ Lân hay sư tử trong văn hóa Trung Hoa. Nghê là linh vật canh giữ về mặt tinh thần, có nhiệm vụ xua đuổi điềm xui, các thứ tà ma và ác quỷ.
Trong Phật giáo, Nghê còn được gọi là "Phật sư", tức sư tử của nhà Phật. Khác với hình ảnh mãnh thú hung dữ của Kỳ Lân, con Nghê đã được giản lược những yếu tố dữ tợn, trở thành linh sủng của Phật, tượng trưng cho sự bảo hộ và hòa bình.
Kỳ Lân trong văn hóa thờ cúng Việt Nam
Trong văn hóa phương Đông, Kỳ Lân là một biểu tượng của lòng nhân từ và sự bảo hộ, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Hình tượng Kỳ Lân thường xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống, những buổi lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Kỳ Lân là biểu tượng linh thiêng trong văn hóa thờ cúng Việt Nam, mang ý nghĩa bảo vệ và canh giữ cho ngôi nhà, đền miếu. Chiếc miệng há to của Kỳ Lân là biểu tượng thu hút tài lộc và trấn áp hung khí, mang đến điềm lành, sự thịnh vượng và hạnh phúc. Đôi Kỳ Lân biểu thị ước mơ của người dân về một cuộc sống thái bình, an yên và trường thọ.
Trong nghệ thuật thủ công mỹ nghệ, hình ảnh Kỳ Lân thường được chạm khắc tinh xảo trên các sản phẩm thờ cúng như lư hương, bàn thờ, tủ thờ, chân đèn, cửa võng, hoành phi câu đối và các bức tượng như tượng Văn Thù Phổ Hiền, tượng Địa Tạng,... không chỉ tạo sức hút mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Kỳ Lân cũng được thờ phụng trong miếu và đặt trên mái các công trình thờ cúng, biểu tượng cho sự bảo vệ và sự thánh thiện.