Đôi nét về Tứ Phủ Thánh Cô và các Cô Sơn Trang
12 vị Tứ Phủ Thánh Cô
Tứ Phủ Thánh Cô là một nhóm các vị thánh trong tín ngưỡng Tứ Phủ của người Việt, đặc biệt gắn liền với việc phụng sự và hầu cận các vị Thánh Mẫu và Thánh Chầu trong các nghi lễ thờ cúng và hầu bóng. Các Thánh Cô sẽ là người lắng nghe lời cầu khấn của con nhang đệ tử rồi vào kêu thay lạy hộ trước các Mẫu, các Chầu.
Khi đó, vai trò của tượng Thánh Cô không chỉ dừng lại ở việc hầu cận bên tượng Tam tòa Thánh Mẫu và các Thánh Chầu, mà còn là biểu tượng cho sự che chở, đại diện và bảo vệ cho các tín đồ.
Tứ Phủ Thánh Cô bao gồm 12 cô:
- Cô Đệ Nhất Thượng Thiên thuộc Thiên Phủ
- Cô Đôi Thượng Ngàn thuộc Nhạc Phủ
- Cô Bơ Thoải thuộc Thoải Phủ
- Cô Tư Địa Phủ thuộc Địa Phủ
- Cô Năm Suối Lân thuộc Nhạc Phủ
- Cô Sáu Sơn Trang thuộc Nhạc Phủ
- Cô Bảy Kim Giao thuộc Nhạc Phủ
- Cô Tám Đồi Chè thuộc Nhạc Phủ hoặc Địa Phủ
- Cô Chín Sòng Sơn thuộc Thiên Phủ
- Cô Mười Đồng Mỏ thuộc Địa Phủ
- Cô Bé Thượng Ngàn thuộc Nhạc Phủ
- Cô Bé Thoải thuộc Thoải Phủ
Về trang phục của các Thánh Cô được chia theo từng miền, miền xuôi và miền thượng, mỗi vùng có đặc trưng trang phục khác nhau khi ngự đồng trong các vấn hầu bóng nhưng nhìn chung, đều thể hiện nét uyển chuyển và trang nhã.
Thánh Cô miền xuôi thường mặc áo dài, đôi khi trong giá hầu lại ngự với áo tứ thân ba màu, quầy đen, và áo cánh cùng yếm đào. Các Cô thường đeo chuỗi hạt, tóc cài lược đồi mồi hoặc lược ngà, tai cài nhành hoa trắng, đầu vấn khăn đuôi gà chít nét ngang ba màu.
Đối với Thánh Cô miền thượng, trang phục đặc trưng là áo cõn và quầy hoa, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn bông hoa hoặc khăn củ ấu, tóc cài hoa.
Trong Thần Điện Tứ Phủ, các Thánh Cô ở vị trí sau hàng vị Tứ Phủ Quan Hoàng và trước hàng Tứ Phủ Thánh Cậu. Mỗi Thánh Cô đều có những phẩm chất tốt, phép thần thông và có câu chuyện riêng của mình nhưng nhìn chung thì mục tiêu của họ đều là giúp dân, giúp nước, mang tới cuộc sống bình yên, thịnh thái cho trần thế.
12 Cô Sơn Trang
12 Cô Sơn Trang, còn được gọi là Thập Nhị Bộ Tiên Nàng, là những vị thánh nữ trong tín ngưỡng thờ Sơn Trang của người Việt. Đây là một tập tục thờ cúng cổ xưa, có nguồn gốc từ thời Âu Lạc, khoảng 2000 năm trước. Trong hệ thống tín ngưỡng này, các Cô Sơn Trang đóng vai trò là những thị nữ hầu cận Mẫu Thượng Ngàn, vị thần cai quản núi rừng, cây cỏ và muông thú.
12 Cô Sơn Trang bao gồm:
- Cô Cả Núi Dùm
- Cô Đôi Bắc Lệ
- Cô Bơ Thượng Ngàn
- Cô Tư Ỷ La
- Cô Năm Đồng Tiền
- Cô Sáu Đồi Ngang
- Cô Bảy Thượng Ngàn
- Cô Tám Thượng Ngàn
- Cô Chín Thượng Ngàn
- Cô Mười Suối Ngang
- Cô Mười Một Đồng Nhân
- Cô Mười Hai Thượng Ngàn
Các Cô Sơn Trang đều là các cô gái xinh đẹp, tài giỏi, “môi son, mắt phượng”, “nhu mì, yểu điệu, nết na”, “nhiều bề sắc sảo”,... Các Cô luôn dốc lòng giúp dân giúp nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
12 vị Tứ Phủ Thánh Cô và 12 Cô Sơn Trang có phải là một không?
Thông thường, do trong hàng vị đều có 12 tiên cô nên người ta thường hay nhầm Tứ Phủ Thánh Cô và các Cô Sơn Trang là một, nhưng thực tế Tứ Phủ Thánh Cô và 12 Cô Sơn Trang là các nàng tiên khác nhau.
Đơn giản và dễ nhận thấy nhất là tên của các Cô ở hai tín ngưỡng có sự khác biệt. Bên cạnh đó, như đã nêu ở phần trên, 12 Cô Sơn Trang đều chỉ phụng sự Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu đứng đầu Nhạc Phủ. Trong khi 12 vị Tứ Phủ Thánh Cô của hệ thống Tứ Phủ thuộc các phủ khác nhau: Thiên Phủ (Trời),Địa Phủ (Đất),Thoải Phủ (Nước) và Nhạc Phủ (Rừng).
Tứ Phủ Thánh Cô được con nhang đệ tử cầu khấn và mời về trong các nghi lễ hầu đồng, với vai trò bảo vệ, ban phước lành và may mắn. Các Cô thường về trong trang phục khác nhau, đại diện cho các phủ.
Trong khi đó, các Cô Sơn Trang được thờ phụng để cầu cho mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào và được thiên nhiên phù trợ, mưa thuận gió hòa. Họ thường được miêu tả với vẻ mạnh mẽ, gần gũi với thiên nhiên, và có vai trò quan trọng trong các nghi lễ tại các vùng núi.
Thêm vào đó, trên ban thờ, Tứ Phủ Thánh Cô được đặt hai bên Ban Công Đồng hoặc đặt một bên khi gia chủ thỉnh bộ tượng Cô, tượng Cậu. Còn 12 Cô Sơn Trang sẽ được bài trí xung quanh Động Sơn Trang theo hình vòng cung để hầu cận Chúa Sơn Trang.