Skip to content

Ý nghĩa ngày vía Đức Phật A Di Đà và các nghi lễ cần thực hiện

Ngày vía Phật A Di Đà diễn ra vào ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Đây là ngày chúng phật tử và người mộ đạo hành thiện, ăn chay niệm phật, dâng hương lễ phật,... để kính mừng ngày Phật Đản sinh và cầu mong cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Ý nghĩa ngày vía Đức Phật A Di Đà

Ngày vía Phật A Di Đà được lấy theo ngày Phật Đản sinh hoặc ngày Phật Thành đạo. Theo ghi chép của kinh Đại A Di Đà, trong thời Đức Phật Tự Tại Vương, có vị quốc vương tên Dharmakara (Kiều Thi Ca, mang nghĩa “Kho Chứa Pháp”). Sau một lần nghe thuyết pháp, ngài đã quyết đi theo cửa Phật, từ bỏ vương vị và cuộc sống xa hoa phú quý để xuất gia, lấy hiệu là Pháp Tạng. Đến ngày hôm đó, khi đảnh lễ Phật và chắp tay cầu khấn, ngài đã phát 48 lời nguyện và về sau, các lời nguyện đã trở thành Phật hiệu A Di Đà.

Phật hiệu Đức Phật A Di Đà có 3 ý nghĩa chính:

  • Vô Lượng Quang: Vầng hào quang trí tuệ vô biên vô lượng, chiếu khắp mười phương trong vũ trụ.
  • Vô Lượng Thọ: Thọ mạng kéo dài vô lượng, không thể đo đếm.
  • Vô Lượng Công Đức: Công đức to lớn, nhiều không kể xiết

Tương truyền, có vị Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là Tổ sư đời thứ sáu trong hàng vị các vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc. Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904 - 975) là người thời Tống ở Trung Quốc, họ Vương, tự là Xung Huyền. Ngài làm trụ trì chùa Vĩnh Minh vào năm Kiến Long thứ hai, lấy hiệu là Trí Giác Thiền Sư.  Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ

Trong suốt quãng thời gian tu tập và làm trụ trì của mình, ngài đã cứu rỗi được nhiều số mệnh đau khổ, éo le, độ được hơn 1700 vị tăng sư. Mỗi ngày, ngài đều niệm 10000 câu Phật hiệu và tụng hết một bộ kinh Pháp Hoa. Khi đến những giây phút cuối đời, ngài mới cho mọi người biết rằng ngài là Phật A Di Đà chuyển thế để cứu rỗi chúng sinh, lan tỏa giáo pháp, phát tâm hướng thiện và dẫn dắt chúng sinh đi đúng hướng để được về cõi Tây Phương Cực Lạc. Từ đó, các tăng ni phật tử và nhân dân đã lấy ngày sinh của Đại sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm làm ngày vía Đức Phật A Di Đà.

Ngày lễ vía Phật là dịp để các phật tử và nhân dân tưởng nhớ công đức vô lượng vô biên của Phật. Đây cũng là ngày lễ mang tính tâm linh, nhắc nhở con người nên sống ngay thẳng, tích cực làm việc thiện, giữ gìn tâm đức, rèn luyện những đức tính tốt đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ và cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Đây cũng là dịp để chúng phật tử đến trước tượng A Di Đà để sám hối về những việc làm sai trái, cầu nguyện được cuộc sống bình an, hạnh phúc và viên mãn.

Các lễ tổ chức nhân dịp vía Phật A Di Đà quan trọng nhất là lòng thành tâm, không nên quá cầu kỳ, lãng phí. Dù dâng lên lễ xa hoa đến đâu nhưng trong lòng không thành thật, tham lam những điều vô bổ thì cũng sẽ chỉ là lãng phí, thậm chí không nhận được kết cục tốt đẹp.

Thành tâm thờ trước tượng A Di Đà
Thành tâm thờ trước tượng A Di Đà

Các nghi lễ cần thực hiện trong ngày vía Đức Phật

Thông thường, vào những ngày vía Phật, người ta thường ăn chay, phóng sinh, làm việc thiện, dâng hương thắp đèn, tụng kinh niệm phật tại nhà, đặc biệt là 48 đại nguyện của Phật A Di Đà để tưởng nhớ công lao của ngài, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và người thân. Đây cũng là dịp để mỗi người bồi đắp Phật niệm trong tâm, lĩnh ngộ và tu tập những giáo lý thâm sâu của đạo Phật.

Nếu có điều kiện hơn, bạn có thể đến chùa hoặc các đàn lễ lớn của Phật giáo để nghe thuyết pháp, giảng kinh trước tượng A Di Đà và tham gia các hoạt động đa dạng hơn mang tính tưởng nhớ hoặc văn hóa nghệ thuật để kính mừng ngày vía Phật, hiểu thêm về Phật A Di Đà và các chân lý của đạo Phật, giúp lan tỏa văn hóa tâm linh tới các du khách và những người chưa hiểu về đạo. Trong đó, vào dịp này, nhiều nơi tổ chức lễ cầu siêu để giúp các vong linh đạt được tâm nguyện, không còn vấn vương chốn trần thế, được giải thoát và siêu độ, đi vào cõi luân hồi chuyển kiếp. 

Đến chùa dâng lễ và thành tâm khấn bái trong ngày vía Phật A Di Đà
Đến chùa dâng lễ và thành tâm khấn bái trong ngày vía Phật A Di Đà

Khi dâng lễ trong ngày vía Phật A Di Đà, cần thực hiện các nghi thức theo thứ tự sau:

  1. Niệm hương
  2. Cúng hương
  3. Kỳ nguyệt
  4. Tán Phật
  5. Quán tưởng Phật
  6. Đảnh lễ
  7. Tán hương cúng Phật
  8. Niệm Chú Đại Bi
  9. Khai Kinh kệ
  10. Tán Phật A Di Đà
  11. Trì tụng 48 đại nguyện của Phật A Di Đà
  12. Niệm Kinh Bát Nhã Ba La Mật
  13. Niệm Chú Vãng Sinh
  14. Niệm Phật, sám Di Đà
  15. Hồi hướng, Tam quy y

Khi thực hiện các nghi lễ trên, gia chủ có thể không cần sắm lễ xa hoa, cầu kỳ, chỉ cần thực hiện bằng lòng thành kính cũng sẽ được Phật chứng giám lòng thành và mang tới những điều may mắn.

5/5 (2 bầu chọn)