Ông Ngựa trong văn hóa tâm linh của người người Việt Nam
Ngựa là một trong những loại vật được con người thuần hóa từ sớm để hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày như đi lại hoặc thồ hàng và sau này trở thành chiến mã sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Đây là loài vật xuất hiện trong nhiều khía cạnh cuộc sống của con người Việt Nam từ xa xưa, gắn liền với hình ảnh của người dân chân chất, cũng như các vị vua chúa, mãnh tướng, danh nhân,...
Ngựa là loài vật có linh tính, trung thành, tình nghĩa, thông minh và nhanh nhạy. Bên cạnh đó, chúng cũng có vẻ ngoài vừa mạnh mẽ, sung mãn, vừa thanh lịch, hiền lành nên được con người rất chân trọng. Thời xưa, chỉ những gia đình khá giả hoặc thuộc hoàng tộc mới có ngựa để cưỡi.
Hình tượng con ngựa đại diện cho sự trung thành và tận tụy, đồng thời cũng thể hiện cho sự phát triển, tài lộc và thành công. Hình ảnh con ngựa phi nước đại trên thảo nguyên, tung vó hý vang là biểu tượng của sự tự do, dũng mãnh và niềm kiêu hãnh. Từ đó, hình ảnh con ngựa cũng được đưa vào nghệ thuật, văn thơ và ca dao tục ngữ.
Một số câu ca dao tục ngữ của người Việt sử dụng hình ảnh con ngựa bao gồm:
- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ
- Mã đáo thành công
- Cưỡi ngựa xem hoa
- Đơn thương, độc mã
- Ngưu tầm ngưu mã tầm mã
Theo phong thủy, do bản tính xông pha, dũng mãnh nên ngựa được xếp vào nguyên lý Dương, đại diện cho yếu tố hỏa. Trong văn hóa phương Đông, ngựa cũng thuộc hàng vị 12 con giáp (Ngọ),hộ trì một năm trong chu kỳ 12 năm.
Trong đạo Phật, ngựa thể hiện cho tinh thần chăm chỉ, nỗ lực trong tu tập và hành pháp, trong đó hình ảnh Ông Ngựa màu trắng đại diện cho phổ hóa Phật pháp. Tiếng hí vang của ngựa cũng là một biểu tượng trong nhà Phật, dùng để đánh thức con người, xua tan cơn buồn ngủ khi nghe thuyết kinh và hành pháp.
Trong quan niệm văn hóa tâm linh, ngựa là vật cưỡi của nhiều vị thánh thần khi đi chu du trong nhân gian, chẳng hạn như câu chuyện về Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh tan quân xâm lược. Do đó, trong các đền thờ, đình chùa hoặc nhà thờ họ thường đặt tượng ngựa gỗ thờ ở hai bên, thường là một ngựa đỏ, một ngựa trắng, tạo nên sự cân xứng, uy linh. Đây cũng là cách để gia chủ và đệ tử thể hiện sự tôn kính đối với các bậc thánh thần. Đặc biệt trong đền thờ của các vị tướng quân, danh sĩ đều có thờ tượng Ông Ngựa
Vị trí đặt tượng Ông Ngựa hợp phong thủy
Như đã nêu ở phần trên, trong các đình chùa, đền thờ thường có đặt tượng Ông Ngựa để phù trợ cho các vị thần linh, danh sĩ thờ trong đền chùa. Người ta thường thờ một cặp ngựa một đỏ, một trắng đứng trên bốn bánh xe ở hai bên gian thờ. Một số ngôi đình còn đặt tượng đá khắc họa Ông Ngựa ở giữa sân tạo nên khung cảnh oai nghiêm và linh thiêng.
Ngoài ra, nếu gia chủ muốn đặt tượng ngựa gỗ thờ tại những vị trí khác như trong không gian sống hoặc nơi làm việc hoặc những vị trí tài vị khác trong nhà, cần lưu ý đặt tượng hướng ra không gian thoáng đãng, rộng rãi để thu hút được vận khí tốt.
Bên cạnh đó, cũng nên đặt tượng ngựa gỗ theo hướng chính Nam hoặc hướng tương sinh với mệnh của gia chủ theo Ngũ hành. Ngoài ra, theo dân gian, giống ngựa tốt thường có nguồn gốc từ Tân Cương và Mông Cổ nên tượng ngựa gỗ có thể đặt theo hướng Tây Bắc để mang lại sinh khí mạnh mẽ, cuộc sống gia đình và sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng.
Trong không gian làm việc như văn phòng, bạn không nên đặt tượng ngựa gỗ thờ thẳng ra cửa mà nên đặt chếch đi một chút để tránh đẩy tài lộc và phú quý đi mất. Đặc biệt với người tuổi Tý không nên đặt tượng ngựa gỗ ở hướng Nam vì đây là hướng xung khắc với tuổi của mình, đặt tượng ở đây có thể thu hút những điều xui rủi.
Ngoài ra, khi thỉnh tượng Ông Ngựa, gia chủ không nên chỉ đặt 1 vị mà ít nhất nên đặt một đôi để đảm bảo hài hòa, cân đối phong thủy. Nếu chỉ đặt 1 Ông Ngựa, gia chủ nên kết hợp thêm một số vật dụng phong thủy khác và để ngựa hướng vào trong để dẫn tài lộc vào nhà.
Một số lưu ý trong khi thờ Ông Ngựa
Giữ cho tượng và khu vực xung quanh sạch sẽ
Khi bài trí tượng ngựa gỗ thờ, cần đảm bảo tượng không bị xây xát hoặc hư hỏng. Dù chỉ là vết trầy xước nhỏ cũng là điềm xấu, ảnh hưởng đến vận may của người thờ cúng. Do đó, nên chọn vị trí thoáng đãng để bài trí và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng tượng để giữ cho tượng sạch sẽ, nguyên vẹn.
Khu vực thờ cúng Ông Ngựa cần được lâu dọn thường xuyên để tránh bụi bẩn, ảnh hưởng đến phong thủy của không gian thờ, làm hao tổn may mắn và phúc đức mà vị thần linh được thờ chính và Ông Ngựa mang lại. Việc thường xuyên lau dọn không gian thờ không chỉ thể hiện sự kính trọng đối với thần linh mà còn duy trì năng lượng tích cực trong không gian sống.
Đặt ngựa ở khu vực thoáng đãng, không che khuất tầm nhìn
Trong nội thất đình chùa, tượng ngựa gỗ thờ cần được đặt ở nơi dễ quan sát, tránh để ở những khu vực có nhiều đồ đạc cản trở hoặc có thể gây trầy xước cho tượng. Đặt tượng Ông Ngựa ở vị trí tôn nghiêm và thoải mái cũng giúp gia chủ luôn thuận lợi, gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống.
Tránh di chuyển tượng Ông Ngựa quá thường xuyên
Dù tượng Ông Ngựa được lắp bánh xe để hỗ trợ việc di chuyển nhưng cũng cần hạn chế việc xê dịch tượng quá nhiều. Việc thay đổi vị trí bài trí Ông Ngựa nhiều lần có thể làm mất đi sự ổn định và bình an cho gia đình. Hãy chọn một vị trí phù hợp ngay từ đầu để Ông Ngựa tạo sự cân bằng và ổn định cho không gian thờ.