Nguồn gốc của thước Lỗ Ban
Tên gọi Lỗ Ban xuất phát từ tên người chế tạo ra loại thước này. Lỗ Ban là người Trung Quốc, được coi là ông tổ của nghề mộc và xây dựng. Có rất nhiều lưu truyền về thân thế của ông, chẳng hạn như ông sinh vào khoảng năm 506 TCN, là người thợ giỏi, chuyên về các vật liệu như gỗ, đá và sắt. Lại có nơi khác kể, ông là thợ mộc tài giỏi tại nước Lỗ (thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay) trong thời kỳ Xuân Thu (770-476). Hoặc một ghi chép khác cho rằng ông sinh trong thời Chiến Quốc (475-221) tại Đôn Hoàng, Túc Châu (Cam Túc ngày nay) và là người chế tạo ra chiếc diều gỗ có thể đưa người lên không trung, giúp cho việc do thám kẻ địch dễ dàng hơn.
Ngoài ra, lưu truyền phổ biến hơn về Lỗ Ban cho rằng ông có tên đầy đủ là Công Thâu Ban, là người chế tạo ra nhiều loại máy móc, đặc biệt để phục vụ nhà binh có vân thê (thang mây) giúp công thành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông lại bại trước Mặc Tử (một nhân vật có tiếng khác trong lịch sử Trung Quốc) về sáng tạo kỹ thuật công thành. Sau thất bại đó, ông không sáng tạo thêm công cụ cho nhà binh nữa mà chuyển sang chế tạo các công cụ hỗ trợ cho lao động sản xuất và đời sống, trong đó có thước Lỗ Ban (còn được gọi là Môn xích, Bát tự xích, thước đo phong thủy,...). Công cụ này sau đó đã trở thành công cụ quan trọng trong chế tác và xây dựng.
Cấu tạo của thước Lỗ Ban
Thước Lỗ Ban có thể được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, dây, thép,... nhưng đều có chung một hình thức gồm 3 hoặc 4 hàng kéo dài dọc thân thước. Trong đó:
- Hàng đầu tiên và cuối cùng là thước đo độ dài, trong đó hàng đầu là kích thước riêng của khu vực Hồng Kông và Đài Loan, hàng cuối là hàng cm được sử dụng nhiều hơn nên những loại thước Lỗ Ban có ba hàng thường chỉ có 1 hàng đo độ dài, chính là hàng cm.
- Hàng hai và ba ở giữa là các dãy chữ đại diện cho các cung báo điềm lành (màu đỏ) hoặc điềm xấu (màu đen). Khi đo đạc một vật dụng nhất định, cần chọn những kích thước sao cho rơi vào cung lành (ô màu đỏ) ở cả hai hàng.
Trong đó, hàng hai đại diện cho thước Lỗ Ban 38,8cm và hàng ba là cho thước Lỗ Ban 42,9cm. Ngoài ra, còn có loại thước Lỗ Ban 52,2cm dùng để đo khoảng thông thủy trong nhà, hiểu đơn giản là đo các khoảng thông giữa các không gian như cửa ra vào, cửa sổ, các ô thoáng trong không gian nhà.
Ba loại thước Lỗ Ban
Như đã nêu trên, thước Lỗ Ban có ba loại, bao gồm thước Lỗ Ban 38,8cm, thước Lỗ Ban 42,9cm và thước Lỗ Ban 52,2cm. Mỗi loại thước lại được ứng dụng vào những mục đích khác nhau.
Thước Lỗ Ban 38,8 cm
Thước Lỗ Ban 38,8cm, hay còn gọi là thước Âm phần, dùng để đo đồ thờ mang yếu tố tâm linh như bàn thờ, cửa võng, hoành phi câu đối, mộ phần và các vật dụng liên quan,... Trên thân thước có 10 cung lớn, mỗi cung dài khoảng 39mm và bao gồm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 9,75mm. Khi đo bằng thước Lỗ Ban 38,8cm, bạn cần chọn cung tốt được bôi đỏ. 10 cung của thước Lỗ Ban 38,8cm bao gồm:
- Cung Đinh: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 0 đến 3,9, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Phúc Tinh, Cập Đệ, Tài Vượng, Đăng Khoa.
- Cung Hại: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 3,9 đến khoảng 7,78, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Khẩu Thiệt, Lâm Bệnh, Tử Tuyệt, Tai Chí.
- Cung Vượng: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 7,78 đến khoảng 11,64, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thiên Đức, Hỷ Sự, Tiến Bảo, Nạp Phúc.
- Cung Khổ: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 11,64 đến khoảng 15,5 bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thất Thoát, Quan Quỷ, Kiếp Tài, Vô Tự.
- Cung Nghĩa: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 15,5 đến khoảng 19,4, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Đại Cát, Tài Vượng, Ích Lợi, Thiên Khổ.
- Cung Quan: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 19,4 đến khoảng 23,3, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Phú Quý, Tiến Bảo, Hoạch Tài, Thuận Khoa.
- Cung Tử: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 23,3 đến khoảng 27,2 bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Ly Hương, Từ Biệt, Thoái Đinh, Thất Tài.
- Cung Hưng: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 27,2 đến khoảng 31, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Đông Khoa, Quý Tử, Thêm ĐInh, Hưng Vượng.
- Cung Thất: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 31 đến khoảng 34,9 bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Cô Quả, Lao Chấp, Công Sự, Thoái Tài.
- Cung Tài: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 34,9 đến khoảng 38,8, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Nghênh Phúc, Lục Hợp, Tiến Bảo, Tài Đức.
Sau đó các cung sẽ được lặp lại theo thứ tự nêu trên.
Thước Lỗ Ban 42,9 cm
Thước Lỗ Ban 42,9cm dùng để đo khối đặc (nên còn có tên gọi là thước đo kích thước đặc) và đo kích thước đồ nội thất như bàn ghế, tủ quần áo,... Chiều dài của thước là 42,9cm (492mm). Trên thân thước có 8 cung lớn, mỗi cung dài khoảng 53,625mm và bao gồm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13,4mm. Khi đo bằng thước Lỗ Ban 42,9cm, bạn cần chọn cung tốt được bôi đỏ. 8 cung của thước Lỗ Ban 42,9cm bao gồm:
- Cung Tài: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 0 đến 5,3625, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Tài Đức, Bảo Khố, Lục Hợp và Nghênh Phúc.
- Cung Bệnh: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 5,3625 đến khoảng 10,6, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thoái Tài, Công Sự, Lao Chấp, Cô Quả.
- Cung Ly: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 10,6 đến khoảng 16,1, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Trường Bệnh, Kiếp Tài, Quan Quỷ, Thất Thoát.
- Cung Nghĩa: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 16,1 đến khoảng 21,45, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thêm Đinh, Ích Lợi, Quý Tử, Đại Cát.
- Cung Quan: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 21,45 đến khoảng 26,8, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thuận Khoa, Hoạch Tài, Tấn Đức, Phú Quý.
- Cung Kiếp: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 26,8 đến khoảng 32,2, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Từ Biệt, Thoái Khẩu, Ly Hương, Thất Tài.
- Cung Hại: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 32,2 đến khoảng 37,51, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Tai Chí, Tử Tuyệt, Lâm Bệnh, Khẩu Thiệt.
- Cung Bàn: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 37,51 đến khoảng 42,9, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Tài Chí, Đăng Khoa, Tiến Bảo, Hưng Vượng.
Sau đó các cung sẽ được lặp lại theo thứ tự nêu trên.
Thước Lỗ Ban 52,2 cm
Như đã nêu trên, thước Lỗ Ban 52,2cm (còn được gọi là thước đo kích thước rỗng) dùng để đo các khoảng thông giữa các không gian (thông thủy) như giếng trời, cửa sổ, cửa ra vào,...Chiều dài của thước là 52,2cm (522mm).
Trên thân thước được chia vào thành 8 cung lớn, mỗi cung lớn dài khoảng 65mm và bao gồm 5 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13mm. Khi đo bằng thước Lỗ Ban 52,2cm, bạn cần lưu ý chọn các cung tốt được bôi đỏ. 8 cung trên thước Lỗ Ban 52,2cm lần lượt là:
- Cung Quý Nhân: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 0 đến 6,5, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Quyền lộc, Trung tín, Tác quan, Phát đạt, Thông minh.
- Cung Hiểm Họa: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 6,5 đến 13, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Án thành, Hỗ Nhân, Thất hiếu, Tai họa, Trường bệnh.
- Cung Thiên Tai: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 13 đến 19,6, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Hoàn Tử, Quan Tài, Thân Tàn, Thất Tài, Hệ Quả.
- Cung Thiên Tài: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 19,6 đến 26,1, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Thi Thơ, Văn Học, Thanh Quý, Tác Lộc, Thiên Lộc.
- Cung Nhân Lộc: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 26,1 đến 32,6, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Trí Tôn, Phú Quý, Tiến Bửu, Thập Thiện, Văn Chương.
- Cung Cô Độc: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 32,6 đến khoảng 39,1 bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Bạc Nghịch, Vô Vọng, Ly Tán, Tửu Thục, Dâm Dục.
- Cung Thiên Tặc: Là cung xấu, không nên chọn, nằm ở cm 39,1 đến khoảng 45,7, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Phong Bệnh, Chiêu Ôn, Ơn Tài, Ngục Tù, Quan Tài.
- Cung Tể Tướng: Là cung tốt, nên chọn, nằm ở cm 45,7 đến 52,2, bao gồm các cung nhỏ lần lượt là Đại Tài, Thi Thơ, Hoạch Tài, Hiếu Tử, Quý Nhân.
Sau đó các cung sẽ được lặp lại theo thứ tự nêu trên.