Skip to content

Ý nghĩa thờ Động Sơn Trang trong văn hóa người Việt

Thờ Động Sơn Trang là một tín ngưỡng đã xuất hiện trong văn hóa tinh thần của người Việt từ hàng ngàn năm trước. Tín ngưỡng này sau đó giao thoa với tín ngưỡng thờ Tam Phủ và hình thành nên Tứ Phủ ngày nay. Thờ Động Sơn Trang thể hiện cho sự cung kính của con người đối với vùng rừng núi và sức mạnh tự nhiên, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nguồn gốc văn hóa thờ Động Sơn Trang

Thờ Động Sơn Trang là một nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, bắt nguồn từ thời kỳ Âu Lạc hơn 2.000 năm trước. Ban đầu, đây là tín ngưỡng thờ Mẹ, phản ánh niềm tin sâu sắc của người Việt cổ về sự che chở và bảo hộ từ Mẹ Thiên nhiên. 

Qua thời gian, tín ngưỡng này phát triển, đặc biệt từ khi tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện cách đây hơn 600 năm, thời kỳ nhà Lê. Theo truyền thuyết, triều đình nhà Lê đã phong Chúa Sơn Trang, vị thần cai quản miền núi non, là "Lê Mại Đại Vương". 

Sau này khi tục thờ Sơn Trang và Tam Phủ giao thoa với nhau, kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng thờ Sơn Trang và thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hình thành nên tục thờ Tứ phủ. Tứ phủ bao gồm bốn miền: Thiên phủ (trời),Địa phủ (đất),Thoải phủ (nước) và Nhạc phủ (núi rừng). 

Trong đó, Động Sơn Trang chính là miền Nhạc phủ. Tương ứng thì Chúa Sơn Trang được tôn lên thành Thánh Mẫu Thượng Ngàn, vị thần đứng thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu. Hình tượng của vị Thánh Mẫu này không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh của cư dân miền núi mà còn trở thành biểu tượng của sự bảo hộ và phồn thịnh cho cộng đồng.

Tại các đền, phủ thuộc tín ngưỡng Tứ phủ, Động Sơn Trang thường được phối thờ cùng tượng Tam tòa Thánh Mẫu, thể hiện sự gắn kết giữa các tín ngưỡng. Dong-Son-Trang.jpg (137 KB)

Động Sơn Trang tại các đền phủ gồm những ai?

Chúa Sơn Trang

Chúa Sơn Trang chính là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, là vị thần cai quản núi rừng và mang lại phúc lành cho dân chúng. Tại các đền, phủ thờ Tứ phủ, Chúa Sơn Trang ngự giữa Động Sơn Trang, mặc y phục màu xanh lá cây như màu của núi rừng, xung quanh là 12 Cô Sơn Trang ngự trên các động phủ vây quanh Chúa Sơn Trang.

Theo quan niệm dân gian, Mẫu Thượng Ngàn có hiện thân là Tam tòa Sơn Trang, bao gồm 3 vị Chúa Sơn Trang, mỗi vị cai quản một phương:

  • Sơn Trang Đệ Nhất: Thanh Sơn Đại Vương Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công chúa Lê Mại Đại Vương tại đền Đông Cuông (Yên Bái).
  • Sơn Trang Đệ Nhị: Diệu Tín Thiền Sư La Bình Công chúa tại đền Bắc Lệ (Lạng Sơn).
  • Sơn Trang Đệ Tam: Diệu Nghĩa Thiền Sư Quế Hoa Công chúa tại đền Suối Mỡ (Bắc Giang).

Các vị Chúa Sơn Trang quản lý tam thập lục động (36 động thiêng) cùng thập nhị tiên nàng và bát bộ sơn trang, thể hiện sự đa dạng và kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên và đời sống tâm linh của người Việt.

12 Cô Sơn Trang

12 Cô Sơn Trang là những vị thần quan trọng trong tín ngưỡng thờ Động Sơn Trang. Các Cô là người hầu cận, phò tá Mẫu Thượng Ngàn, đồng thời là những vị tiên cô bảo vệ con người, đem lại bình an và may mắn trong cuộc sống.

12 Cô Sơn Trang bao gồm: Cô Cả Núi Dùm, Cô Đôi Bắc Lệ, Cô Bơ Thượng Ngàn, Cô Tư Ỷ La, Cô Năm Đồng Tiền, Cô Sáu Đồi Ngang, Cô Tám Thượng Ngàn, Cô Chín Thượng Ngàn, Cô Mười Suối Ngang, Cô Mười Một Đồng Nhân và Cô Mười Hai Thượng Ngàn.

Mỗi Cô có vai trò, phép tiên và đặc điểm riêng, thể hiện cho câu chuyện của mỗi người. Các Cô Sơn Trang không chỉ hầu cận Thánh Mẫu Thượng Ngàn mà còn là những vị thần gần gũi, chăm sóc, bảo hộ và hỗ trợ con người trong các khía cạnh đời sống.

Lưu ý quan trọng: Nhiều người thường nhầm lẫn 12 Cô Sơn Trang và 12 vị Tứ Phủ Thánh Cô là một nhưng thực chất, đây là các vị tiên cô khác nhau, có vai trò khác nhau trong đạo Mẫu. Tương tự, cũng có những người nhầm Tam tòa Thánh Mẫu là Tam tòa Sơn Trang nhưng thực thế, Tam tòa Sơn Trang là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn - 1 vị trong Tam tòa Thánh Mẫu.

Hang động

Tượng Động Sơn Trang có phần khung chính với hình dạng một chiếc động - đại diện cho vùng núi non. Ngồi giữa động là tượng Chúa Sơn Trang, dọc theo thành động là khối thạch nhũ được tạo tác chủ yếu bằng xi măng. Trên các khối thạch nhũ này là 12 Cô Sơn Trang ngự dọc theo thành động, vây xung quanh Chúa Sơn Trang ở giữa.Cac-phan-Dong-Son-Trang.jpg (67 KB)

Ý nghĩa thờ Động Sơn Trang trong văn hóa người Việt

Thờ Động Sơn Trang là một nét văn hóa tâm linh độc đáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với tục thờ Mẫu và thờ Tứ phủ. Tín ngưỡng này phản ánh niềm tin sâu sắc của người Việt vào sự che chở và bảo hộ từ thiên nhiên, đặc biệt là từ vùng núi rừng – nơi được xem là cội nguồn của sức mạnh và sự sống.

Động Sơn Trang không chỉ đại diện cho miền sơn cước mà còn là biểu tượng của sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Thờ Động Sơn Trang thể hiện lòng biết ơn của con nhang đệ tử đối với Mẫu Thượng Ngàn và các vị thần Sơn Trang, đồng thời thể hiện cho mong ước của nhân dân về mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào và cuộc sống bình an.

Hệ thống thần linh trong Động Sơn Trang, từ Chúa Sơn Trang đến các Cô Sơn Trang, biểu thị sự hài hòa giữa sức mạnh thiên nhiên và quyền năng siêu nhiên. Đồng thời, vị thần của Động Sơn Trang lại có những câu chuyện khác nhau, thể hiện cho nhiều khía cạnh trong đời sống tinh thần của người Việt xưa. Duy trì nét văn hóa này không chỉ để bảo tồn giá trị tín ngưỡng tâm linh qua hàng ngàn năm lịch sử, mà còn giúp gắn kết cộng đồng, giữ vững bản sắc dân tộc qua nhiều thế hệ.

5/5 (1 bầu chọn)