Nguồn gốc của nghi lễ tắm Phật
Lễ tắm Phật là lễ dâng nước cúng dường để tắm cho Phật, đây là một nghi thức truyền thống và có ý nghĩa thiêng liêng trong đạo Phật, thường được tổ chức thực hiện trong mùa Phật Đản.
Theo nhiều ghi chép, nghi lễ tắm Phật xuất phát từ Ấn Độ từ thời xa xưa và được truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình du nhập của đạo Phật. Theo kinh Đại bổn, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp và nghiên cứu của tác giả Thích Đồng Thanh, nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đức Phật Đản Sinh, khi đó là thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni.
Khi hoàng hậu Ma Da sinh hạ thái tử, trên không trung có dòng nước ấm và mát chảy xuống tắm cho thái tử. Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi đó có hai dòng nước ấm và mát được hai vị Long vương Nan Đà và Ưu Ba Na Đà từ trên không làm phép tạo ra để tắm cho thái tử. Trong khi đó, trong kinh Phổ Diệu có ghi rằng có 9 dòng nước chảy xuống do 9 con rồng phun ra để tắm cho thái tử, sự tích này cũng là nguồn gốc dân gian tạo nên tòa Cửu Long thờ trên tam bảo để đánh dấu sự kiện Đức Phật Đản Sinh.
Từ những sự tích và ghi chép này, có thể thấy chư vị thần tiên rất coi trọng và tôn vinh khoảnh khắc Đức Phật chào đời, đây cũng là lý do mà người đời sau thực hiện nghi lễ tắm Phật để tái hiện lại sự kiện Đức Phật Đản Sinh, cầu mong những điều tốt đẹp, khởi đầu thuận lợi, mùa mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghi thức lễ tắm Phật
Lễ tắm Phật có thể tổ chức tại chùa và tại gia đình. Khi đó, cần chuẩn bị:
- Tượng Phật Đản Sinh sơn son thếp vàng hoặc sơn màu thông thường đều được.
- Bồn hoặc thau và gáo sạch sẽ, trang trọng để đựng nước.
- Nước tắm Phật cũng phải là nước sạch, nóng, được ướp các loại hoa thơm, ngoài ra cần chuẩn bị cả nước sạch tinh khiết.
- Khăn mới và có sợi mềm mịn để lau tượng sau khi tắm.
- Hương trầm để xông tượng.
Khi thực hiện nghi thức tắm Phật, cần chọn không gian trang nghiêm và linh thiêng, thường là trong các điện thờ hoặc phòng thờ.
Nghi thức được thực hiện theo các bước như sau:
- Tôn trí tượng Phật Đản Sinh trong bồn hoặc thau đã chuẩn bị, múc nước sạch được ướp hoa bằng gáo và rưới từ từ từ hai vai của Phật xuống dưới. Tại bước này, gia chủ có thể tung thêm hoa để cúng dường tôn tượng Phật.
- Sau đó dùng nước sạch tinh khiết để tắm lại cho Phật, thực hiện tương tự như với nước ướp hoa. Hai lần nước này tượng trưng cho hai dòng nước ấm và mát đã tắm cho Đức Phật khi ngài mới chào đời.
- Sau khi đã tắm xong, dùng khăn lau khô tượng, bước này cần thực hiện nhẹ nhàng với sự tôn kính để tránh mạo phạm.
- Xông tượng bằng hương trầm.
- Cuối cùng là an vị tượng về chỗ cũ.
Với những gia chủ không có tòa Cửu Long hoặc tượng Phật Đản Sinh riêng tại nhà, có thể thực hiện các bước theo nghi thức sau:
- Vẫn chuẩn bị bồn hoặc thau nước với cánh hoa, trước bàn thờ Phật chắp tay thành tâm hướng đến ngài.
- Dâng nước tắm Phật đã chuẩn bị để cúng dường, chắp tay cầu nguyện những điều tốt đẹp, an lành.
Điều quan trọng nhất trong nghi lễ tắm Phật chính là lòng thành tâm và hướng thiện, dùng tâm của mình để cảm nhận dòng nước tẩy sạch phiền não, giữ tâm thanh tịnh, an nhiên và thanh thản trước những phải-trái, đúng-sai, thuận-nghịch của cuộc sống (giống như hai dòng nước ấm-mát).
Dù có tắm tượng trực tiếp hay không, chỉ cần trong tâm thanh tịnh, một lòng thành tâm, bạn chắc chắn sẽ nhận được phước lành và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ý nghĩa nghi thức tắm Phật
Nghi thức tắm Phật là một lễ nghi đặc biệt và trang trọng trong Phật giáo, thể hiện lòng kính ngưỡng Đức Phật và mong muốn thanh lọc bản thân. Khi rưới nước lên tượng Phật, người Phật tử thực hiện một hành động biểu tượng, không chỉ để tẩy rửa thân Phật mà còn nhằm thanh tịnh tâm hồn, loại bỏ các cấu uế và phiền não. Nước, trong nghi thức này, được xem như biểu tượng của sự tẩy sạch, biến đổi từ dơ thành sạch, từ cấu uế thành thanh khiết.
Đức Phật ra đời là một sự kiện trọng đại của nhân loại, mang lại an lạc cho chư thiên và chúng sinh. Kinh Pháp Hoa nói rằng Đức Phật ra đời "vì một đại sự nhân duyên," với mục đích giúp chúng sinh khai mở trí tuệ, đạt được sự giác ngộ. Vì vậy, nghi thức tắm Phật còn là cơ hội để người Phật tử thực hành nếp sống chánh niệm, rèn luyện lòng khiêm cung, nuôi dưỡng lòng thành kính hướng đến những phẩm hạnh và trí tuệ mà Đức Phật tượng trưng.
Tham gia nghi thức tắm Phật, mỗi người đều có thể điều phục tâm, hướng đến sự an lạc nội tại và thăng hoa tâm thức. Nghi lễ này không chỉ là hình thức cúng dường tôn kính, mà còn là một cách để người Phật tử tiếp cận sự thanh tịnh, giác ngộ, tự hoàn thiện và hướng đến hạnh phúc trong tâm của chính mình.