Skip to content

Phật Tổ Như Lai và Phật A Di Đà có phải là một không?

Phật Tổ Như Lai và Phật A Di Đà là hai pháp danh được nhắc đến nhiều nhất trong đạo Phật. Cả hai vị đều là giáo chủ một cõi, giáo hóa chúng sinh bằng lòng từ bi và những triết lý hướng con người đến chân thiện mỹ.

Phật Tổ Như Lai và Phật A Di Đà có phải là một không?

Theo các ghi chép và giảng giải của kinh Phật, Phật Tổ Như Lai và Phật A Di Đà là hai vị Phật khác nhau, có thân thế và cai quản những cõi khác nhau. Có thể dựa vào những điểm sau để phân biệt hai vị Phật:

Phật Tổ Như Lai và Phật A Di Đà có thật không?

Phật Tổ Như Lai (hay có tên gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) là nhân vật có thật trong lịch sử, ngài sinh năm 624 trước Công Nguyên. Phật Tổ Như Lai sinh thời là hoàng tộc Cổ Đàm tại miền Bắc Ấn Độ và là người sáng lập ra Phật giáo. Còn Phật A Di Đà chỉ được nhắc đến trong kinh Phật, ngài được Phật Tổ Như Lai giới thiệu đến chúng tăng đệ tử trong quá trình thuyết kinh thuyết pháp.

Hình dáng bên ngoài của Phật

Tượng A Di Đà có tóc búi thành các cụm xoắn ốc, miệng ngài thoáng cười, mắt nhìn xuống đầy vẻ hiền từ, trên người khoác áo cà sa đỏ tượng trưng cho ánh sáng mặt trời khi lặn về phương Tây. Áo của ngài có thể khoát vuông trên cổ để lộ chữ “vạn” (卍). Tượng A Di Đà thường được khắc họa trong tư thế đứng hoặc ngồi kiết già trên đài sen, tay kết ấn giáo hóa.

Tượng gỗ A Di Đà
Tượng gỗ A Di Đà

Trong khi đó, Phật Tổ Như Lai thường là tóc búi lớn hoặc từng cụm hình xoắn ốc, phần này gọi là nhục kế ở trên đỉnh đầu của Phật, mắt ngài khép hờ, mở ba phần tư. Trên người ngài khoác áo cà sa hoặc áo choàng màu vàng hoặc nâu, trên ngực không có chữ “vạn”. Trên tay ngài có thể cầm chiếc bát màu xanh đen hoặc màu đen hoặc tay kết ấn, thường là ấn thiền hoặc ấn chuyển pháp luân.

Tượng Phật Tổ Như Lai
Tượng Phật Tổ Như Lai

Hai vị cai quản cõi nào?

Đức Phật Như Lai là người cai quản cõi Ta Bà, chính là nhân thế mà ngài từng sinh sống và lập ra Phật giáo. Còn Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc. 

Vị thần phù trợ bên cạnh Phật

Dễ thấy nhất là trên ban thờ Tam Bảo, bạn có thể thấy bên cạnh tượng A Di Đà là tượng Quan Âm Bồ Tát cầm bình cam lộ và nhành dương liễu đứng ở bên trái, bên cạnh đó là tượng Quan Âm Thế Chí (hay còn gọi là Bồ Tát Đại Thế Chí) tay nâng bông sen xanh đứng bên phải. 

Tượng gỗ Quan Âm Thế Chí và Quan Âm Bồ Tát
Tượng gỗ Quan Âm Thế Chí và Quan Âm Bồ Tát

Tượng Phật Thích Ca được thỉnh ở giữa, hai bên là tượng A Nan Ca Diếp. Ngài A nan được khắc họa có khuôn mặt hiền hòa, hay tay để hợp thập (ấn liên hoa) trước ngực. Ngài Ca Diệp có khuôn mặt và thân hình khắc khổ hơn, hay tay nắm lại trước ngực. 

Tượng hai vị Tôn giả A Nan Ca Diếp
Tượng hai vị Tôn giả A Nan Ca Diếp

Câu chuyện về hai vị Phật hàng đầu của Phật giáo

Phật Tổ Như Lai

Phật Tổ Như Lai tiền thân là thái tử tên Tất Đạt Đa của hoàng tộc Cổ Đàm, nay là miền Bắc Ấn Độ. Ngài sinh năm 624 trước Công nguyên và viên tịch năm 544 khi ngài 80 tuổi. Ngài sinh ra đã biết đi, khi đó mỗi bước đi của ngài lại nở ra một bông sen trắng. Từ nhỏ ngài đã sống trong phú quý và nhung lụa nhưng khi trưởng thành, ngài đã nhận ra vòng tròn sinh - lão - bệnh - tử, những điều phiền não, vô thường của đời người. 

Năm đó, khi ngài 29 tuổi, ngài đã quyết định để lại gia đình, từ bỏ cuộc sống giàu có vinh hoa để đi theo con đường tu hành. Sau 6 năm chuyên tâm tu hành, ngài đã đạt được giác ngộ, giải thoát bản thân khỏi vòng luân hồi dưới gốc cây bồ đề trong ánh bình minh. 

Sau đó, ngài đã dành nốt phần đời còn lại của mình dưới hình hài xác thịt để truyền bá và giảng dạy giáo lý Phật pháp trên khắp Ấn Độ, lập nên Phật giáo, giúp giác ngộ chúng sinh và giải thoát họ khỏi những u sầu, lo toan. Sau khi ngài nhập Niết Bàn, các đệ tử Đức Phật vẫn tiếp tục con đường hoằng hóa chúng sinh.

Phật A Di Đà

Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, mang nghĩa là thọ mệnh vô lượng và ánh sáng vô lượng. Ngài cũng là vị Phật được thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Ngài là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc, được Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu đến các phật tử trong các bộ Kinh và cả trong quá trình hoằng đạo, giáo hóa chúng sinh. 

Theo Đức Phật, cõi Ta Bà, tức là nhân thế nơi chúng ta đang sinh sống, là cõi có nhiều khổ đau, tà niệm, còn cõi Tây Phương Cực Lạc là nơi có những điều an vui và hạnh phúc viên mãn nên khi giáo hóa chúng sinh, ngài thường chỉ dạy con người nên làm điều thiện, tránh làm điều ác, chăm chỉ tu tâm tích đức để khi rời khỏi nhân thế, họ được dẫn về miền Tây Phương Cực Lạc.

Tượng Phật A Di Đà
Tượng Phật A Di Đà

Chữ “vạn” (卍) trước ngực Phật A Di Đà

Chữ “vạn” (卍) trên ngực Phật A Di Đà là biểu tượng cho lòng từ bi, trí tuệ và sức mạnh công đức của Phật và chư vị Bồ Tát, giúp hóa giải tà khí, mang lại bình an và những điều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dấu hiệu phân biệt Phật A Di Đà và Phật Tổ Như Lai cho chúng tăng đệ tử.

Hiện nay, vẫn còn có những tranh cãi về cách viết chữ “vạn” sao cho đúng: 卍 hoặc 卐. Tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt),khi các phật tử và khách đến thăm đi vào chùa sẽ thấy chữ “vạn” được viết 卐, tuy nhiên khi đi ra, chúng ta sẽ thấy chữ “vạn” được viết 卍. Từ đó ta có thể hiểu rằng, dù chữ “vạn” được viết theo chiều nào thì đó cũng chỉ là chữ “vạn” với hai cách nhìn từ hai hướng khác nhau, sau cùng thì trong thâm tâm ta vẫn biết đó là chữ “vạn” của đạo Phật, mang những ý nghĩa thâm sâu và cũng là bài học về cuộc sống.

5/5 (1 bầu chọn)