Skip to content

Thông tin sơ lược về 18 vị La hán của đạo Phật

Thập bát La hán bao gồm các đệ tử của Đức Phật đã nhập Niết Bàn. Mỗi vị lại có những con đường khác nhau để đi đến giác ngộ, thể hiện nhiều khía trong con đường tu tập của nhà Phật.

Thập bát La hán của đạo Phật

Thập bát La hán là 18 vị A-la-hán của Phật giáo Đại Thừa. Các A-la-hán là những vị đã hoàn toàn giác ngộ và nhập Niết Bàn, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Khác với các vị thần phật khác, 18 vị La Hán dù đã nhập Niết Bàn nhưng theo lời Đức Phật, các vị vẫn ở lại trần thế để cứu rỗi chúng sinh, bảo vệ và truyền bá Phật pháp đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời.

Tượng gỗ Thập bát La hán
Tượng gỗ Thập bát La hán

Khi còn trong Hữu dư Niết Bàn, mỗi vị lại có một thân thế và câu chuyện khác nhau nhưng đều có chung một điểm là đạt được giác ngộ, từ đó truyền tải đến các Phật tử những thông điệp tích cực và bài học trong cuộc sống, thể hiện cho những khía cạnh khác nhau trong con đường tu tập để đạt đến giác ngộ. 

Hình tượng của họ được khắc họa mỗi người một vẻ, làm nổi bật những đặc điểm riêng của mỗi người, chẳng hạn như tượng La hán Tọa Lộc thường cưỡi trên lưng hươu hoặc Cử Bát La hán luôn mang theo chiếc bát sắt bên mình.

Tượng Thập bát La hán 
Tượng Thập bát La hán 

Thân thế của 18 vị La hán

1. Tọa Lộc La hán

Ngài Tọa Lộc tên thật là Tân-đầu-lô-phả-đọa (Pindolabharadvaja),có xuất thân từ dòng Bà-la-môn. Ngài là một đại thần dưới triều đại vua Ưu Điền, rất có tiếng tăm và được trọng vọng. Sau này, ngài quyết định xuất gia và rời bỏ triều đình, vào rừng tìm nơi yên tĩnh tận lực tu tập. Sau khi chứng Thánh quả, ngài cưỡi hươu về triều khuyến hóa nhà vua, từ đó mà có danh hiệu La hán Tọa Lộc (cưỡi hươu).

2. Khánh Hỷ La hán

Khánh Hỷ La hán có tên thật là Ca-nặc-ca-phạt-tha (Kanakavatsa). Ngài thường được Đức Phật khen là người thành thật, biết phân biệt thị phi rõ ràng. Ngay cả khi chưa xuất gia, ngài cùng là người nổi tiếng quy củ, biết giữ khuôn phép, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ tâm trong sáng, chưa từng sinh tà niệm. Sau khi đã vào cửa Phật, ngài càng nỗ lực thành tâm tu tập, khi đó Ngài đã đạt chứng quả rất nhanh nhờ lòng ngài vốn đã luôn hướng thiện, tâm tính vẫn luôn ngay thẳng, vững vàng và giữ khuôn phép.

Sau khi đã đạt được giác ngộ, ngài đi du hóa khắp nơi với nụ cười trên môi, lan tỏa niềm vui đến những nơi ngài tới nên được nhân dân gọi là Lan hán Khánh Hỷ (Vui mừng). Ngài đã dùng tài thuyết pháp để cứu rỗi chúng sinh, giúp họ thoát khỏi những khổ đau, muộn phiền trong cuộc sống.

3. Cử Bát La hán

Cử Bát La hán có tên là Ca-nặc-ca-bạt-ly-đọa-xà (Kanakabharadvaja),là Đại đệ tử được giao trọng trách giáo hóa vùng Đông Thắng Thần Châu.  Ngài thường mang theo một chiếc bát sắt bên mình để khất thực dọc đường nên có tên gọi Cử Bát (bát sắt). Theo Pháp Trụ Ký, ngài thường cùng 600 vị A-la-hán khác trú tại Đông Thắng Thần Châu.

4. Thác Tháp La hán

Thác Tháp La hán tên thật là Tô-tần-đà (Subinda). Ngài là người nghiêm túc, thích sự yên tĩnh, ít nói chuyện nhưng luôn giúp đỡ mọi người rất nhiệt tình. Ngài thường chỉ ở trong tịnh xá quét sân hoặc đọc sách, ít khi theo Đức Phật ra ngoài. Ngài là người nâng bảo tháp Xá Lợi Phật và luôn giữ tháp bên mình như giữ mạng mạch Phật pháp, khi đó ngài được gọi là La hán Thác Tháp (nâng tháp).

5. Tĩnh Tọa La hán

Tĩnh Tọa La hán tên thật là Nặc-cù-la (Nakula). Treo truyền thuyết kể lại, Nặc-cù-la thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, là người có sức mạnh vô song. Trước khi đi theo cửa Phật, ngài là người chạy theo chiến tranh, chỉ biết tới chém giết. Sau khi đã xuất gia, ngài tập trung tu tập và đạt được giác ngộ, nhận quả A-la-hán trong tư thế tĩnh tọa, nên ngài được gọi là Tĩnh Tọa La hán.

6. Quá Giang La hán

Quá Giang La hán tên thật là Bạt-đà-la (Bhadra),Bạt-đà-la còn được hiểu là Hiền do mẹ ngài sinh ngài dưới cây Hiền (cây Bạt-đà). Sinh thời, ngài là người thích tắm rửa nhưng ngài thường tắm nhiều lần trong ngày và thường tắm khá lâu nên gây nhiều bất tiện. Khi đó, Đức Phật đã khuyên và chỉ dạy Bạt-đà-la cách tắm rửa đúng cách. Khi đó, ngài đã nhận thức được ý nghĩa chân chính của việc hành trì, dùng nó để gột rửa tâm hồn, mang lại sự tịnh tâm và thư thái. Sau đó chẳng bao lâu thì ngài đã đạt được chứng quả, gia nhập hàng vị các A-la-hán.

Tên gọi Quá Giang La hán xuất phát từ việc ngài thường dong thuyền đi khắp các đảo ở miền Đông Ấn Độ như Chà Và để độ hóa chúng sinh.

Quá Giang La hán
Tượng Quá Giang La hán

7. Kỵ Tượng La hán hay Phất Trần La hán

Kỵ Tượng La hán có tên thật là Ca-lý-ca (Kalika) quê ở Tích Lan, từng làm quản tượng (người huấn luyện voi) trước khi đi theo cửa Phật. Khi ngài đạt chứng quả, Đức Phật đã khuyên ngài nên ở lại quê hương của mình để truyền bá Phật pháp. Ngài cũng sẽ đi theo Đức Phật khi Đức Phật đến Tích Lan để thuyết kinh Lăng Già.

8. Tiếu Sư La hán

Tiếu Sư La hán tên thật là Phạt-xà-la-phất-đa-la (Vajraputra). Ngài từng làm nghề thợ săn trước khi xuất gia nhờ thân thể tráng kiện, thể lực lớn có thể dùng một tay nâng một con voi hoặc ném con sư tử ra xa hơn 10 mét. Khi đó, ngài đi đến đâu, muông thú hoảng loạn và bỏ chạy đến đó. 

Đến sau này khi đã xuất gia, ngài tận lực tu tập, thành tâm hướng Phật và chứng quả A-la-hán. Khi đó, có một con sư tử thường quấn quýt, trêu đùa bên ngài, từ đó mà có tên gọi La hán Tiếu Sư (đùa sư tử).

9. Khai Tâm La hán

Ngài Khai Tâm có tên thật là Thú-bác-ca (Jivaka). Tên gọi Khai Tâm xuất phát từ thế vạch áo để lộ tâm Phật trên ngực của ngài. Trong thời Hữu dư Niết Bàn, ngài thuộc Bà-la-môn, là người có địa vị. Sau này khi đã xuất gia, ngài trải qua 7 năm khổ hạnh và nhận được chứng quả, trở thành A-la-hán.

10. Thám Thủ La hán

Sinh thời, Thám Thủ La hán có tên là Bán-thác-ca (Panthaka). Tên gọi Thám Thủ xuất phát từ câu chuyện ngài đưa hai tay lên trời một cách sảng khoái sau cơn thiền định. Bán-thác-ca là anh trai của Châu-lợi-bàn-đặc (vị La hán thứ 16 sẽ nêu dưới đây),ngài lớn lên là người trí thức, có am hiểu. Sau những lần theo ông ngoại đi nghe thuyết pháp, ngài dần nảy sinh sự yêu mến và quyết định xuất gia. Sau khi bước vào cửa Phật, ngài nhanh chóng trở thành một vị Tỳ-kheo tinh tấn, quảng đạt và được chứng quả, trở thành A-la-hán.

11. Trầm Tư La hán

Trầm Tư La hán là con trai của Thái tử Tất Đạt Đa, tên thật là La-hầu-la (Rāhula). Do xuất thân từ hoàng tộc nên từ khi còn nhỏ, ngài đã có tính cách của bậc vương giả và thói xấu hay trêu ghẹo người. Sau này khi xuất gia, ngài dần bỏ đi các tính xấu nhờ sự dạy dỗ của Thế Tôn, luôn nỗ lực và kiên nhẫn, không thích hơn thua, từ đó mà có tên Trầm Tư La hán sau khi ngài chứng quả.

Tượng Trầm Tư La hán
Tượng Trầm Tư La hán

12. Khoái Nhĩ La hán

Khoái Nhĩ La Hán có tên thật là Na-già-tê-na (Nagasena) hay còn gọi là Na Tiên, hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là đội quân rồng, thể hiện cho sức mạnh của thiên nhiên. Ngài nổi tiếng là người có tài biện luận. Trong khi tu tập, ngài chuyên tu về nhĩ căn (tai),khi nhĩ căn của ngài đã viên thông sẽ giúp thiệt căn (lưỡi) cũng viên thông. Khi đó, ngài dùng những gì mình nghe được, chuyển thành lời nói, giúp đưa thuyết pháp đến gần hơn với chúng sinh.

Tượng Khoái Nhĩ La Hán
Tượng Khoái Nhĩ La Hán

13. Bố Đại La hán

Bố Đại La hán sinh thời có tên Nhân-yết-đà hoặc Nhân-kiệt-đà (Angada). Khi đó ở xứ Ấn Độ có nhiều rắn độc thường cắn chết người, ngài là người chuyên bắt rắn ở khắp xứ này. Tuy nhiên khi bắt được rắn độc, ngài chỉ bẻ đi nanh độc của chúng rồi phòng thích. Sau này khi đã xuất gia và giác ngộ, ngài vẫn thường mang theo một chiếc túi vải to (Bố Đại) bên mình để đựng rắn. Ngài được nhân dân khắc họa có hình tượng gần giống như Bồ Tát Di Lặc với chiếc bụng to, thân hình mập mạp và mang túi vải lớn bên người.

Tượng Bố Đại La hán
Tượng Bố Đại La hán

14. Ba Tiêu La hán

Ngài Ba Tiêu có tên thật là Phạt-na-bà-tư (Vanavàsin). Pháp danh Ba Tiêu xuất phát từ việc trước đây, mẹ ngài khi vào rừng gặp phải mưa to rữ rội đã hạ sinh ngài trong lúc ấy. Sau này khi lớn lên và theo con đường tu tập, ngài vẫn thường vào rừng để tịnh thiền và thường đứng dưới những cây chuối nên được ban tên gọi Ba Tiêu La hán.

15. Trường Mi La hán

Trường Mi La hán tên thật là A-thị-đa (Ajita),có xuất thân từ dòng Bà-la-môn của nước Xá-vệ. Khi mới sinh, ngài đã có lông mày dài và rủ xuống (Trường Mi) - đây thường là dấu hiệu của nhà sư ở tiền kiếp. Sau này khi lớn lên, ngài đi theo con đường tu tập và mở thiền quán, giúp lan tỏa Phật pháp và được chứng A-la-hán. Sau khi được chứng quả, ngài vẫn đi du hóa trong nhân gian để độ hóa chúng sinh.

16. Kháng Môn La hán

Ngài Kháng Môn có tên thật là Chú-trà-bán-thác-ca hay Châu-lợi-bàn-đặc (Cullapatka). Ngài là em trai của Thám Thủ La hán nhưng vì không thông minh được như anh trai nên dù đã xuất gia, ngài vẫn không thể tiếp thu được Phật pháp. Nhưng nhờ có tính cần cù, nhẫn nại, cộng thêm sự dạy dỗ của Thế Tôn, ngài thực hành pháp môn quét rác bằng cây chổi.

Sau một thời gian, nhờ tính kiên trì và tận tâm thực hiện theo lời Phật dạy, ngài đã quét sạch cấu uế từ trong lẫn ngoài và được chứng A-la-hán.

Sau này khi đi khất thực, ngài gõ cửa một nhà nhưng do cánh cửa đã cũ nên ngài vô tình là hỏng cánh của đó. Sau này, Đức Phật đã trao cho ngài một cây gậy gắn những chiếc chuông để ngài chỉ cần gõ nhẹ khi đi khất thực.

17. Hàng Long La hán

Hàng Long La hán là vị La hán thần thông quảng đại, tên thật của ngài là Nan-đề-mật-đa-la (Nandimitra). Pháp danh Hàng Long bắt nguồn từ truyền thuyết ngài hàng phục Long Vương, năm đó xứ Sư Tử bị Long Vương dâng nước gây ngập lụt khắp nơi, khi đó ngài Nan-đề-mật-đa-la đã ra tay thu phục và được nhân dân gọi với danh hiệu Hàng Long La Hán. Khi ngài đã nhập Niết Bàn, người ta vẫn thấy ngài xuất hiện trong nhân gian, khi thì đi trì bát, khi thì đi thuyết kinh,...

Tượng Hàng Long La hán
Tượng Hàng Long La hán

18. Phục Hổ La hán

Phục Hổ La hán tên thật là Đạt-ma-đa-la (Dharmatrata). Từ khi còn nhỏ, ngài đã hay đến chùa tại quê nhà (núi Hạ Lan, tỉnh Cam Túc) để ngắm nhìn tượng La hán, từ đó trong tâm hồn trẻ thơ dần dần hình thành nên sự ngưỡng mộ đối với các vị. Sau này, Đạt-ma-đa-la đã gặp được một vị La hán và hỏi cách tu tập. Vị La hán đó dạy cậu nên tọa thiền, xem kinh, làm việc thiện. Cậu bé sau đó đã siêng năng làm theo lời chỉ dạy và đạt được chứng quả.

Sau khi thành A-la-hán, ngài vẫn thường du hóa trong nhân gian cứu giúp chúng sinh. Trong đó, ngài có ba lần thu phục một con hổ dữ, dẫn nó theo về núi để tu tập, từ đó mà có pháp danh Phục Hổ.

5/5 (1 bầu chọn)