Skip to content

Thờ Tòa Cửu Long và ý nghĩa trong văn hóa tâm linh

Tòa Cửu Long mô tả lại sự kiện Đức Phật Đản sinh, mang ý nghĩa về sự sinh sôi và phát triển, mưa thuận gió hòa và cuộc sống yên bình.

Đôi nét về Tòa Cửu Long

Tòa Cửu Long bắt nguồn từ truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca. Theo dân gian truyền lại, khi Đức Phật mới chào đời dưới bóng cây vô ưu, có 9 con rồng (Cửu Long) đã phun nước thơm xuống để tắm rửa cho Ngài. Ngài bước 7 bước, dưới mỗi bước đi của Ngài lại có những đóa hoa sen nở ra, tượng trưng cho việc Ngài là người dẫn đường của thế gian. Sau khi đi 7 bước, Đức Phật đã nâng tay trái lên chỉ trời, tay phải chỉ xuống đất và nói rằng: “Thiên Thượng Thiên Hạ, duy ngã độc tôn”.

Dựa trên câu chuyện này, người dân Việt Nam và các quốc gia thờ Phật đã sử dụng cảnh Đức Phật chỉ tay về trời và đất làm nguồn cảm hứng để chế tác nên Tòa Cửu Long thể hiện lại sự kiện Đức Phật đản sinh. Tượng được chế tác với hình ảnh của Đức Phật mới sinh đứng trên một đài sen đang nở, tay trái chỉ lên trời và tay phải chỉ xuống đất mang đầy vẻ uy nghiêm với 9 con rồng vây xung quanh Đức Phật, các vị thần ngự trên thân rồng vàng tầng cây vô ưu (Đế Thích, Đại Phạm Thiên và các vị thần phật khác) được chế tác một cách sinh động và tự nhiên. 

Tòa Cửu Long
Tòa Cửu Long

Tòa Cửu Long chế tác tại làng nghề Sơn Đồng được thiết kế gồm 3 tầng chính và có hình vòng cung. Mặt trước của Tòa Cửu Long chạm khắc hình ảnh 9 con rồng và các vị thần phật, mặt sau là phần trụ để đỡ Tòa Cửu Long thẳng đứng. Tòa Cửu Long lấy bối cảnh trời đất và vũ trụ, dưới tàng cây vô ưu, cùng với bầu trời và các đám mây, tượng của các vị thần phật được sắp xếp dọc theo hình vòng cung, tạo nên khung cảnh cả trời đất thần phật chào đón sự ra đời của Đức Phật.

Bức tượng Đức Phật đản sinh được đặt ở trung tâm của Tòa Cửu Long, đứng trên một đài sen. Bên tả (bên trái) của Đức Phật là tượng của Đế Thích, ngồi trên ngai vàng mặc áo mũ Hoàng Đế, còn bên hữu (bên phải) là tượng Đại Phạm Thiên có tư thế giống với tượng của Đế Thích.

Người xưa có câu nói mô tả lại cảnh Đức Phật Đản sinh như sau: "Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc, Ba nghìn thế giới đón Như Lai".

Ý nghĩa tâm linh thờ tòa Cửu Long trong văn hóa người Việt

Tòa Cửu Long diễn tả lại sự kiện Đức Phật Đản sinh của một cách sinh động nhằm truyền tải thông điệp về sự sinh sôi và phát triển. Tòa Cửu Long thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa trời và đất, với hình ảnh Đức Phật đại diện cho Vô Tường và Thực Tường. 

Chữ “Ngã” trong câu “Thiên Thượng Thiên Hạ, duy ngã độc tôn” của Đức Phật Đản Sinh chính là chỉ sự Giác Ngộ, tự giải thoát của con người khỏi những khổ đau, lo âu chốn trần thế.

Hình ảnh rồng phun nước không chỉ là biểu tượng của sự may mắn mà còn đại diện cho mong ước của người nông dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sự kiện Đức Phật Đản sinh vào tháng tư âm lịch, đây là thời điểm kỳ nắng hạn khiến ruộng đồng thiếu nước. Sự ra đời của Đức Phật giống như xuất hiện vị cứu tinh cho người dân, mang lại mưa móc cho ruộng đồng, cây cỏ nơi hạ giới, giúp con người thoát khỏi khổ đau, mang đến sự bình yên, an lạc. 

Tòa Cửu Long mang lại mưa thuận gió hòa
Tòa Cửu Long mang lại mưa thuận gió hòa

Từ đó, tục thờ tòa Cửu Long phát triển mạnh mẽ trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam, mang theo những ý nghĩa tâm linh sâu sắc và ý nghĩa về sự bình an, thuận lợi, hòa thuận và phát triển.

Vị trí và không gian đặt tòa Cửu Long

  • Thường thì tòa Cửu Long được đặt ở tầng thấp nhất sau hương án chính, bên dưới các bộ Tam tôn ở chính giữa Tam bảo sơn son thếp vàng
  • Nếu có đủ không gian, gia chủ nên lập một bàn thờ riêng để thờ tòa Cửu Long. Tuy nhiên, gia chủ vẫn có thể đặt chung Tòa Cửu Long với bàn thờ gia tiên, nhưng cần phân cấp rõ ràng, thường tượng Phật sẽ được đặt cao hơn so với bài vị gia tiên.
  • Bàn thờ tòa Cửu Long nên được ít nhất cao hơn đầu người để Đức Phật có thể nhìn bao quát không gian ngôi nhà. Với nhà nhiều tầng thì tượng Phật nên được đặt ở tầng cao nhất.
  • Vị trí đặt tượng cần đảm bảo tính cân đối và hài hòa với không gian thờ, gia chủ có thể dựa vào bài trí của hoành phi câu đối để xác định vị trí trung tâm của không gian thờ.
  • Cần hướng mặt tượng ra cửa chính hoặc không gian sáng sủa, thoáng đãng và có tầm nhìn bao quát.
  • Tránh đặt bàn thờ tòa Cửu Long gần cửa sổ để tượng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết và môi trường từ bên ngoài như độ ẩm, nắng, mưa, gió,... 
  • Cần đặt tượng ở nơi yên tĩnh và thanh tịnh, tránh những khu vực riêng tư, ồn ào, nhiều người qua lại.
  • Không nên đặt bàn thờ hướng về các nơi như cầu thang, phòng ngủ hoặc nhà vệ sinh, để tránh làm mất đi sự linh thiêng và tôn nghiêm của không gian thờ cúng.
5/5 (1 bầu chọn)