Câu đối thuộc thể loại của văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Chúng ta nên lưu ý là từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Lịch sử hình thành
Cho đến nay, chưa có một chuyên khảo nào đề cập đến lịch sử hình thành của câu đối ở Việt Nam, tuy nhiên, nếu xét trên thực tế thì thể loại văn chương này đã tồn tại trong văn hoá Việt Nam từ hàng nghìn năm trước kể từ khi đất nước giành lại độc lập từ tay người Hán. Ngay sau khi giành lại được nền độc lập, thơ văn Lý - Trần đã phát triển một cách hết sức mạnh mẽ với nhiều nhà văn, nhà thơ cùng với những áng văn chương bất hủ. Trong văn học giai đoạn Lý - Trần, chúng ta có thể tìm thấy nhiều đôi câu thơ tạo thành những cặp câu đối hoàn thiện, hoàn mỹ, đặc biệt là những cặp câu đối trong các bài thơ làm theo thể thơ Đường luật. Thơ Đường luật hay Thơ luật Đường là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ Trung Quốc, đời nhà Đường. Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể để đối lập với thơ cổ th. Giáo dục, thi cử... đều bằng tiếng Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán, trong đó có thơ theo luật Đường. Ông Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp giữa thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt khác. Điều căn bản về luật thơ Đường là đối, đó là hai nguyên tắc đối âm và đối ý. Nghĩa là lần lượt những chữ thứ 1, thứ 2, thứ 3,... của câu trên phải đối với các chữ thứ 1, thứ 2, thứ 3,... của câu dưới cả về âm lẫn về ý. Nhưng để làm được như thế thì rất khó, vì vậy người ta quy ước Nhất tam ngũ bất luật (chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần phải theo luật). Như vậy, ta cũng có thể tạm lấy mốc hình thành câu đối trong văn chương ở Việt Nam dựa trên khoảng thời gian Nguyễn Thuyên đưa thơ Đường luật vào văn chương Việt là thế kỷ 13.
Câu đối trong nghệ thuật trang trí
Với nghệ thuật trang trí của người phương Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng thường mang đặc tính ẩn dụ, điều này khác hẳn với xu hướng hiện thực của phương Tây. Có thể hiểu được điều đó dựa trên cơ sở sự tồn tại và phát triển hai trung tâm văn hoá này: người phương tây đa số theo chủ thuyết duy lý, cho nên họ đến với nghệ thuật trên cơ sở sự cụ thể, khúc chiết, rõ ràng. Người phương đông nói chung và người Việt nói riêng rất thích sự cân bằng, lấy sự cân bằng làm nguyên lý tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng. Do đó, nghệ thuật được tạo ra từ sự cân bằng và cũng là nghệ thuật tạo ra sự cân bằng. Điều này thể hiện rất rõ qua việc sử dụng câu đối và nghệ thuật trang trí đối xứng để làm một dạng trang trí chính trong rất nhiều công trình từ tư gia, đình chùa, nhà thờ của nhân dân cho đến lăng, đền, đài, tẩm, cung điện của vua chúa, quý tộc. Rất hiếm có một loại hình nghệ thuật trang trí thông dụng nào có thể tồn tại một cách lâu bền và ít biến đổi như câu đối. Có lẽ vì sự gắn bó sâu sắc về nội dung và tính chất chặt chẽ về hình thức trang trí đã tạo nên sức sống lâu bền của chúng qua bao biến thiên của lịch sử.
Tính chất tôn nghiêm của các câu đối trong các kiến trúc đã khiến cho việc trang trí chúng trở thành một công việc hết sức quan trọng. Sự trang trọng cùng với những lời giáo huấn của “bề trên” được các nghệ nhân xưa khắc trên đá, trên gỗ quý, được dát vàng-bạc, khảm trai, gò đồng, chạm nổi… thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức quý giá bao hàm nhiều mặt giá trị: Danh ngôn của người xưa, bút tích của các danh nho, lời nói của cổ nhân, nghệ thuật chế tác,... Ngoài những giá trị đó, câu đối còn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng chữ tượng hình - còn có một giá trị lớn hơn tất cả các tác phẩm nghệ thuật tạo hình khác, đó là tính trường tồn của nội dung khi chúng là những câu danh ngôn, những lời giáo huấn mẫu mực được nhập tâm của người đời sau. Vì vậy, không ít những câu đối đã được làm đi làm lại nhiều lần ở rất nhiều giai đoạn khác nhau và nhiều nơi khác nhau với cùng một nội dung.
Câu đối với vai trò vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là một “bản cổ văn rút gọn,” câu đối là một sản phẩm văn hoá có giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Giá trị văn hoá của các tác phẩm nghệ thuật này không chỉ là một loại hình di sản văn hoá có giá trị cao mà còn đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam trong dòng chảy của văn hóa phương đông vốn sinh động nhưng chứa đầy sự huyền bí.Chính sự huyền bí này một phần đã được tạo ra từ những sản phẩm văn hoá mang nhiều tính ẩn dụ mà câu đối là một trong những sản phẩm văn hoá tiêu biểu.