Đôi nét về cửa võng
Cửa võng là một nét độc đáo trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, được sử dụng phổ biến trong không gian thờ cúng để tăng thêm vẻ tâm linh và thành kính cho không gian thờ. Cửa võng đền điện thường có cấu trúc hình chữ nhật, bao gồm một khung chính và hai cánh cửa hai bên, tạo nên hình dạng như chiếc rèm và thiết kế gần giống với chữ "M", tạo sự cân đối và hài hòa cho không gian thờ.
Điểm nổi bật của cửa võng là các hoa văn trang trí tỉ mỉ, thường là hình rồng phượng, hoa lá, chim chóc,... Những chi tiết này không chỉ thể hiện nghệ thuật điêu khắc tinh xảo mà còn mang ý nghĩa phong thủy, bảo vệ và đem lại may mắn cho gia chủ.
Cửa võng có thể được làm từ đồng hoặc gỗ, nhưng gỗ thường được ưa chuộng hơn nhờ tính dễ chế tác, bảo quản và độ bền chắc. Cửa võng gỗ mít, với vẻ mộc mạc nhưng tinh tế, cũng hòa hợp hơn với không gian thờ cúng của gia đình, làm tăng thêm sự trang nghiêm và linh thiêng cho nơi thờ cúng.
Bề mặt cửa võng thường được sơn hoặc hoàn thiện bằng men mài, tạo độ mịn và tăng độ bền cho cửa võng. Màu sắc của cửa võng đền điện chủ yếu là vàng hoặc nâu đỏ, mang đến sự cổ kính và trang trọng. Cửa võng có nhiều kích thước và kiểu dáng, từ kiểu đơn giản đến những mẫu phức tạp với nhiều chi tiết và khung trang trí, phù hợp với nhu cầu và không gian của mỗi gia đình, làm tăng thêm vẻ đẹp linh thiêng cho nơi thờ cúng.
Ý nghĩa của cửa võng trong không gian thờ
Cửa võng gỗ thường được lắp đặt trong không gian thờ gia đình, đền, chùa và miếu, tạo nên vẻ uy nghi và trang nghiêm. Người xưa quan niệm đây là cánh cổng kết nối giữa nhân gian với thế giới tâm linh, là nơi những lời cầu khấn của con cháu phải đi qua để đến được với tổ tiên và các vị thần phật.
Cửa võng gỗ còn là biểu tượng của sự kính trọng và tưởng nhớ đến tổ tiên của thế hệ sau. Được lắp tại không gian thờ cùng với bàn thờ, hoành phi câu đối và các đồ thờ tâm linh khác, cửa võng thể hiện lòng thành của gia chủ đối với tổ tiên, với niềm tin rằng sẽ được tổ tiên, các vị thần phật phù hộ cho cuộc sống yên bình và thuận lợi.
Theo tín ngưỡng dân gian, cửa võng đóng vai trò như tấm rèm bảo vệ không gian thờ nói riêng và gia đình gia chủ nói chúng, giúp ngăn chặn những linh hồn và năng lượng tiêu cực xâm nhập vào ngôi nhà. Trong phong thủy, cửa võng được coi là món đồ thờ mang lại tài lộc, sự cân bằng và hài hòa cho ngôi nhà. Nhờ vậy, nó không chỉ giúp gia đình được bình an mà còn mang đến sự thịnh vượng trong cuộc sống.
Các loại cửa võng được sử dụng phổ biến trong đền điện
Cửa võng mai điểu
Cửa võng mai điểu nổi bật với hình ảnh hoa mai và chim điểu, mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa tâm linh. Hoa mai và chim chóc đều là những biểu tượng của mùa xuân, tượng trưng cho khởi đầu mới và sự tươi vui, đồng thời hai hình ảnh này còn đại diện cho sự sinh sôi, phát triển, may mắn và thịnh vượng.
Bông hoa mai năm cánh biểu trưng cho sự hài hòa, vui vẻ và khởi đầu thuận lợi, mong ước về sự thành công, vạn sự như ý. Bên cạnh đó, hình ảnh đôi chim điểu tượng trưng cho cặp vợ chồng hạnh phúc, gắn bó lâu dài, đại diện cho ước muốn về sự hòa thuận và tình yêu thương trong gia đình. Sự hiện diện của cặp chim trên cửa võng cũng mang đến ý nghĩa về sự sung túc và tình cảm bền vững giữa các thành viên trong gia đình.
Sự kết hợp hài hòa giữa hoa mai và đôi chim tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, thể hiện sự tươi mới và bền vững. Cửa võng mai điểu không chỉ làm cho không gian thờ cúng trở nên sinh động và có sức sống mà còn giữ được vẻ trang trọng, uy nghi. Cửa võng mai điểu đem lại sự cân bằng, ổn định và tạo nên cảm giác hòa hợp, mang lại sự thịnh vượng và yên bình trong cuộc sống gia đình.
Cửa võng hồng trĩ
Cửa võng hồng trĩ kết hợp tinh tế giữa hai biểu tượng quan trọng của văn hóa Việt Nam: hoa hồng và chim trĩ.
Hoa hồng, với nhiều chủng loại và sắc thái, đại diện cho các khía cạnh khác nhau của tình cảm con người. Hoa hồng đỏ biểu thị tình yêu đôi lứa nồng nàn, hoa hồng vàng mang niềm vui và mong ước hạnh phúc cho người thân, trong khi hoa hồng tím biểu lộ sự chung thủy và say mê. Tựu trung, hoa hồng là biểu tượng của tình cảm giữa người với người, thể hiện sự đa dạng và sâu sắc trong cảm xúc con người.
Chim trĩ mang vẻ đẹp thanh cao với dáng đuôi dài duyên dáng, là biểu tượng của sự cao quý và nhã nhặn. Hình ảnh chim trĩ thường xuất hiện trong mỹ thuật truyền thống, tượng trưng cho sự thanh thoát, cao quý, vương giả. Ngoài ra, chim trĩ còn biểu thị lòng yêu nước sâu sắc và một lòng hướng về nguồn cội, tổ tiên.
Sự kết hợp giữa hoa hồng và chim trĩ trên cửa võng hồng trĩ mang ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình bền chặt, tình yêu quê hương và lòng yêu nước son sắc. Đây là sự gắn kết giữa tình yêu, sự cao quý và lòng trung thành, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật không chỉ đẹp về hình thức mà còn phong phú về ý nghĩa, góp phần làm cho không gian thờ cúng thêm phần linh thiêng và trang trọng.
Cửa võng tứ linh
Cửa võng tứ linh có thiết kế mang lại cảm giác uy nghi và mạnh mẽ, chạm khắc bốn linh vật cao quý: Long (Rồng),Ly (Kỳ Lân),Quy (Rùa) và Phụng (Phượng Hoàng). Các họa tiết được chạm khắc tinh xảo, mô phỏng lại hình dáng của bốn linh vật, thể hiện sự trang trọng và linh thiêng. Đồng thời, mỗi linh vật lại mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện cho mong ước của con người.
Cửa võng tứ linh chạm khắc bốn linh vật: Long, Ly, Quy, Phụng, bắt nguồn từ các linh thần Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, đại diện cho bốn chòm sao ở các phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Các linh vật này tượng trưng cho bốn nguyên tố lửa, nước, đất, gió - các nguyên tố cấu thành vũ trụ. Từ đó, cửa võng tứ linh biểu thị mong muốn được trời đất bảo hộ, phù trợ, đồng thời thể hiện sự hài hòa trong gia đình và dòng tộc, cầu mong cuộc sống bình an và mưa thuận gió hòa.