Sự tích Nam Tào, Bắc Đẩu
Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vị thần trong Đạo giáo, có nhiệm vụ cai quản việc sinh tử của nhân gian, phụ tá bên cạnh Ngọc Hoàng. Theo truyền thuyết, họ là hai anh em sinh đôi người phàm trong một gia đình nọ, cả hai đều nổi bật với vóc dáng cao to, khỏe mạnh, là người thông minh và đặc biệt là có trí nhớ phi thường. Hai người có thể ghi nhớ tất cả mọi chuyện xảy ra ở khắp muôn nơi.
Khi đó Hoàng Thượng Đế đã chú ý đến Nam Tào, Bắc Đẩu và điểm hóa hai người về trời, giúp Ngài ghi nhớ và quản lý sinh tử của con người chốn nhân gian. Theo phân công của Ngọc Hoàng, Nam Tào chịu trách nhiệm ghi chép số sinh, thường đứng ở bên trái ngai của Ngọc Hoàng, tượng trưng cho phương Nam, còn Bắc Đẩu phụ trách ghi chép số tử, đứng ở bên phải, tượng trưng cho phương Bắc.
Nam Tào và Bắc Đẩu sẽ ghi lại thiên mệnh của từng người dưới nhân gian, kể từ khi họ cho đời cho đến khi về nơi chín suối. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của hai người không chỉ phải theo dõi sinh tử, số mệnh mà họ còn có khả năng quy định số kiếp của con người: ai sẽ giàu sang, ai sẽ nghèo hèn, ai lành, ai dữ,... Khi một người chết đi, họ sẽ ghi lại số kiếp đầu thai của người đó, lựa chọn người ấy khiếp sau sẽ được tiếp tục làm người hay phải làm thú vật.
Nam Tào và Bắc Đẩu không chỉ là những vị thần giám sát sinh tử mà còn là người đảm bảo sự công bằng về số phận và nghiệp chướng của mỗi con người. Hình tượng của họ (trên các bức họa, tượng gỗ,...) thường xuất hiện trong các đạo quán và nhiều ngôi chùa của người Việt, chầu bên cạnh Ngọc Hoàng, tượng trưng cho sự công bằng, minh bạch và sự tuần hoàn liên tục của sự sống và cái chết.
Ý nghĩa thờ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu
Thờ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu là một nét văn hóa tâm linh quan trọng trong truyền thống người Việt, biểu hiện cho sự tôn kính đối với các vị thần linh. Ngọc Hoàng Thượng Đế đại diện cho quyền lực tuyệt đối, cai quản mọi hiện tượng thiên nhiên và sinh mệnh. Ngài có quyền năng điều khiển thiên nhiên và là người quản lý các vị Thần, Tiên, Thánh, Nhân ở mọi cõi nhân gian, thiên đình, âm phủ,...
Nam Tào và Bắc Đẩu là hai trợ thủ đắc lực của Ngọc Hoàng, phụ trách cai quản sinh mệnh ở nhân gian, trong đó Nam Tào chịu trách nhiệm việc sinh còn Bắc Đẩu phụ trách việc tử. Hai vị thần này giúp đảm bảo rằng mọi sự sống và cái chết trên nhân gian được ghi lại và quản lý một cách công bằng và chu đáo. Trong thiết kế đền thờ, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu thường được đặt chung với nhau, tượng Ngọc Hoàng được đặt ở giữa và Nam Tào, Bắc Đẩu ở hai bên, tạo thành bộ tượng tượng trưng cho sự hòa hợp của thiên, địa, nhân.
Tại các ngôi chùa và đạo quán ở Việt Nam, bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu thường được đặt ở lớp tượng thứ tư hoặc thứ năm của Phật điện, sát với tòa Cửu Long (tượng Phật Sơ Sinh). Điều này thể hiện sự liên kết sâu sắc giữa đạo giáo và Phật giáo trong văn hóa tâm linh người Việt.
Người dân thờ cúng ba vị thần này với mong muốn được phù hộ và bảo vệ, cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên thời địa lợi, cuộc sống bình an và hạnh phúc. Việc thỉnh cúng tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu tại gia còn thể hiện lòng thành kính và hy vọng vào sự che chở của các vị, mong ước về cuộc sống gia đình êm ấm và vạn sự như ý.
Thờ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu thể hiện cho niềm tin và hy vọng của con người vào sự công bằng và sự tuần hoàn liên tục của thiên nhiên và cuộc sống, phản ánh khát vọng của con người về một thế giới hòa hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa trời và đất, giữa thánh thần và nhân gian.
Đền thờ Nam Tào, Bắc Đẩu
Đền thờ Nam Tào Bắc Đẩu nằm tại xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là hai ngôi đền tôn nghiêm và cổ kính. Hai ngôi đền đã được xây dựng từ rất lâu, là nơi thờ chính của Nam Tào và Bắc Đẩu.
Hàng năm, vào ngày 20 tháng 8 và ngày 28 tháng 9, người dân địa phương tổ chức lễ rước từ các Giáp ra đền Kiếp Bạc và tiếp tục về đền Nam Tào Bắc Đẩu để tiến hành các nghi lễ tế. Mỗi đền còn tổ chức các nghi lễ riêng cho từng vị thần, tạo nên bầu không khí linh thiêng và đậm đà bản sắc văn hóa dân gian, thu hút hàng ngàn tín đồ và du khách tới tham dự mỗi năm.
Đền thờ Nam Tào
Đền thờ quan Nam Tào tọa lạc trên đỉnh núi Dược Sơn, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là đền thờ mang kiến trúc cổ kính. Từ đỉnh núi nhìn ra sẽ thấy khung cảnh làng quê rộng lớn cùng với dòng sông mênh mông.
Ngôi đền bao gồm nghi môn, gác trống, gác chuông, đền chính, hậu đường và hành lang ở hai bên,... Được xây dựng theo kiến trúc hình chữ đinh với 3 gian tiền bái và hậu đường, với ngói mũi hài, mái đao cong. Đây là điểm đến linh thiêng cho du khách chiêm bái và thưởng ngoạn.
Đền thờ Bắc Đẩu
Đền thờ Bắc Đẩu tọa lạc trên đỉnh núi Bắc Đẩu thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đền có các công trình kiến trúc tương tự như đền Nam Tào, bao gồm nghi môn, gác trống, gác chuông, đền chính, hậu đường,... Bên trong, tượng thờ được bày trí theo kiểu tiền thần hậu Phật.
Điểm nổi bật của đền là tượng Bắc Đẩu đúc rỗng, cao 1,3m, ngồi trong tư thế tay phải cầm bút và tay trái cầm Sổ Sinh Tử. Trên ngực tượng có khắc nổi hàng chữ Nho "Bắc Đẩu chính là thần tượng". Ngôi đền mang vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính thu hút du khách từ mọi miền đất nước.