Skip to content

Tượng Cô, tượng Cậu: Những vị thần hậu cận bên Ông Hoàng, Thánh Mẫu

Tượng Cô, tượng Cậu đại diện cho các Thánh Cô, Thánh Cậu hầu cận bên các Thánh Mẫu và Ông Hoàng. Người dân thường cầu nguyện về cuộc sống bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa khi đứng trước tượng Cô, tượng Cậu.

Đôi nét về tượng Cô, tượng Cậu

Tượng Cô, tượng Cậu là những đồ thờ quan trọng, không thể thiếu trong tín ngưỡng Tứ Phủ của người Việt, đại diện cho các vị Thánh Cô và Thánh Cậu. Đây là những vị thánh cai quản các vùng miền khác nhau, giữ vai trò bảo vệ và hỗ trợ con người trong đời sống hàng ngày. Việc thờ cúng tượng Cô, tượng Cậu không chỉ thể hiện cho lòng biết ơn và kính trọng, mà còn là mong ước về một cuộc sống an lành, hạnh phúc và mưa thuận gió hòa.

Tượng Cô

Tượng Cô thường được khắc họa dưới hình dáng những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Họ thường là những vị thánh hầu cận bên các vị Thánh Mẫu hoặc Chầu, các Cô lắng nghe những mong ước, tâm nguyện của người dân và thay họ lạy xin trước Thánh Mẫu, để được Thánh Mẫu chứng cho lòng thành của họ. 

Thánh Cô hậu cận bên Thánh Mẫu, giúp chuyển lời ước nguyện của nhân dân
Thánh Cô hậu cận bên Thánh Mẫu, giúp chuyển lời ước nguyện của nhân dân

Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, có 12 Thánh Cô hầu cận bên các Thánh Mẫu, mỗi người một sự tích, một đặc điểm và có quyền năng riêng nhưng đều một lòng phục vụ các Mẫu và giúp đỡ nhân dân trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó bao gồm:

  • Cô Cả Thượng Thiên (Thiên Cung Công Chúa) - thuộc Thiên Phủ. 
  • Cô Đôi Thượng Ngàn (Cô Đôi Thượng, Sơn Tinh Công Chúa) - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Bơ Thoải (Cô Bơ Bông, Cô Bơ Hàn Sơn, Cô Bơ Thác Hàn hay Thủy Cung Công Chúa) - thuộc Thoải Phủ.
  • Cô Tư Địa Cung (Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ, Cô Tư Tây Hồ) - thuộc Địa Phủ.
  • Cô Năm Suối Lân (Cô Năm Sơn Trang hay Cô Năm Sông Hóa) - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Sáu Sơn Trang (Cô Sáu Lục Cung) - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Bảy Kim Giao (Cô Bảy Mỏ Bạch, Cô Bảy Tân La) - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Tám Đồi Chè - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Chín Sòng Sơn (Cô Chín Cửu Tỉnh, Cô Chín Giếng, Cô Chín Suối, Cô Chín Tây Thiên, Cô Chín Rồng, Cô Chín Thượng) - thuộc Thiên Phủ.
  • Cô Mười Mỏ Ba (Cô Mười Đồng Mỏ) - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Bé Thượng Ngàn - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cô Bé Thoải - thuộc Thoải Phủ.

Tượng Cậu

Tượng Cậu đại diện cho các Thánh Cậu, thường là linh hồn trẻ em từ 1 đến 9 tuổi, được thần chỉ điểm và thu nhận, sau đó trở thành các bé Thánh. Các Thánh Cậu là hầu cận bên cạnh các ông Hoàng, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện các nghi lễ và bảo vệ nhân gian. 

Các Thánh Cậu hầu cận các Ông Hoàng trong các dịp lễ
Các Thánh Cậu hầu cận các Ông Hoàng trong các dịp lễ

Trong số các Thánh Cậu, chỉ có bốn Cậu được đi loan giá ngự đồng và chấm linh nhận đồng, gồm có Cậu Cả Thượng Thiên, Cậu Đôi Thượng Ngàn, Cậu Bơ Thoải Cung và Cậu Bé. Đặc biệt, Cậu Bơ và Cậu Bé thường xuất hiện trong hầu hết các buổi lễ hầu đồng, giúp chấm linh và nhận đồng.

  • Cậu Hoàng Cả (Cậu Bé Hoàng, Cậu Hoàng Cả Phủ Dầy, Cậu Bé Hoàng Thiên, Cậu Hoàng Cả Sòng Sơn) - thuộc Thiên Phủ.
  • Cậu Hoàng Đôi - thuộc Nhạc Phủ.
  • Cậu Hoàng Bơ Thoải - thuộc Thoải Phủ.
  • Cậu Hoàng Tư (Cậu Đệ Tứ, Cậu Hoàng Tư Đệ Tứ) - thuộc Địa Phủ.
  • Cậu Hoàng Quận (Cậu Hoàng Quận, Cậu Bé Quận) - thuộc Địa Phủ.
  • Cậu Bé Bản Đền - thuộc Nhạc Phủ.

Thờ tượng Cô, tượng Cậu trong văn hóa tâm linh Việt Nam

Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, thờ tượng Cô, tượng Cậu thuộc hệ thống tín ngưỡng Tứ Phủ của đạo Mẫu - đạo thờ người phụ nữ, tôn vinh vai trò của người mẹ và phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đạo Mẫu và tín ngưỡng Tứ Phủ gồm Thiên, Nhạc, Thoải và Địa, đã phát triển qua hàng nghìn năm, phản ánh sự sùng bái các yếu tố thiên nhiên và những vị thánh thần bảo hộ cuộc sống con người.

Các Thánh Cô hầu cận bên Thánh Mẫu hoặc các Chầu không chỉ thể hiện nét đẹp nữ tính mà còn là biểu tượng của sự bảo trợ và giúp đỡ của thần linh trong cuộc sống thường nhật của con người. Các Thánh Cậu hầu cận bên các ông Hoàng giữ vai trò quan trọng trong các buổi lễ hầu đồng, có vai trò như cầu nối linh thiêng giữa con người và thế giới tâm linh.

Tượng Cô thường được chế tác dưới hình ảnh một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, biểu tượng cho sự bảo vệ, mang lại may mắn và che chở cho các thành viên trong gia đình. Tượng Cậu tượng trưng cho hình ảnh một chàng trai khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, giữ vai trò bảo vệ đất đai và đem lại mùa màng tươi tốt, bội thu cho người nông dân.

Tục thờ tượng Cô, tượng Cậu không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là cách người Việt thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với các vị thánh thần, theo truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đồng thời, cũng để thể hiện mong muốn nhận được sự che chở và phù hộ của Thánh Cô và Thánh Cậu, hy vọng về một cuộc sống được thiên nhiên ưu ái, gia đình êm ấm và công việc thuận lợi. 

Tục thờ tượng Cô, tượng Cậu là nét đẹp văn hóa của người Việt
Tục thờ tượng Cô, tượng Cậu là nét đẹp văn hóa của người Việt

Trong các nghi lễ thờ cúng, tượng Cô và tượng Cậu thường được đặt trang trọng trên bàn thờ bên cạnh các đồ thờ tâm linh, kèm theo các lễ vật. Tục thờ tượng Cô, tượng Cậu không chỉ diễn ra trong các đền, chùa, mà còn tại các gia đình, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa đời sống tâm linh và đời sống hàng ngày của người Việt Nam.

Bên cạnh tượng Cô, tượng Cậu, tín ngưỡng Tứ Phủ còn bao gồm việc thờ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu và các vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với những người đi trước, đồng thời mong cầu về sự bình an, may mắn và bảo hộ từ thần linh.

5/5 (1 bầu chọn)