Skip to content

Truyền thuyết và hàng vị của Ngũ vị Tôn Quan trong cõi Tứ Phủ

Ngũ vị Tôn Quan là năm vị thần có vai trò quan trọng trong Tứ Phủ. Mỗi vị cai quản một phương và có nhiều công lao trong giúp dân, giúp nước chống giặc ngoại xâm, mang tới cuộc sống thái bình, an yên.

Thân thế và truyền thuyết về Ngũ vị Tôn Quan

Ngũ vị Tôn Quan là năm vị thần quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đại diện cho quyền năng cai quản bốn cõi: Thiên – Địa – Thủy – Nhạc. Họ gồm Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Lớn Đệ Nhị, Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Tứ và Quan Lớn Đệ Ngũ, là những vị thần hộ quốc, bảo vệ đất nước và dân chúng. Ngũ vị Tôn Quan thuộc hàng ngũ của Hội đồng Quan Lớn, cùng với Lục Phủ Tôn Ông.

Theo truyền thuyết, Ngũ vị Tôn Quan là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế, được phái xuống trần gian để trợ giúp Vua Cha Bát Hải Động Đình trong các cuộc chiến chống quân xâm lược. Một quan niệm khác có phần phổ biến hơn lại cho rằng họ là con của Vua Cha Bát Hải. 

Trong Đạo Mẫu, Ngũ vị Tôn Quan là hiện thân của sức mạnh, lòng từ bi và sự cứu độ. Họ được thờ cúng tại nhiều đền phủ lớn, với các nghi lễ nhằm cầu xin sự bảo trợ, vượt qua khó khăn. 

Ngũ vị Tôn Quan
Ngũ vị Tôn Quan

Tôn Quan Đệ Nhất

Tôn Quan Đệ Nhất, hay Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, là con trai cả của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, thuộc Thiên Phủ. Ông được phong danh hiệu Thượng Thiên Nhất Phẩm Công Hầu và cai quản vùng trời. Ông có quyền lực tối cao, quản lý tam giới đình thần văn võ trên Thiên Cung, đại diện cho uy quyền và sự công minh.

Quan Lớn Đệ Nhất hiếm khi giáng xuống trần gian ngự đồng. Ông chỉ xuất hiện trong các dịp lễ quan trọng như mở phủ, tạ phủ, hay các lễ hầu xông đền, xông điện. Khi dự lễ hầu đồng, ông thường mặc áo đỏ thêu rồng, thêu hổ, biểu trưng cho Thượng Thiên. Nghi lễ do ông chủ trì thường mang để khai quang, thanh tẩy và tôn kính đền đài, cầu phúc cho trần gian.

Tôn Quan Đệ Nhị

Tôn Quan Đệ Nhị, hay Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn, là con trai thứ hai của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, thuộc Nhạc Phủ. Ông là vị thần cai quản vùng núi non, đất rừng – nơi được gọi là Sơn Lâm, Thượng Ngàn. Ông là người có tài năng, văn võ toàn diện, trí tuệ xuất chúng và có lòng trung hiếu, là hình mẫu của sự uyên bác và đức độ, được dân gian ngưỡng mộ và tôn kính.

Tôn Quan Đệ Nhị đã từng giáng trần để giúp dân, giúp nước. Các câu chuyện về ông, kể cả khi còn tại thế hay khi đã thác về trời, thường gắn với hình ảnh người anh hùng giúp dân thoát khỏi thiên tai, mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Quan Lớn Đệ Nhị thường giáng đồng trong các lễ lớn như mở phủ, tạ phủ, đặc biệt để chứng đàn tại Nhạc Phủ. Khi ngự đồng, ông thường mặc áo xanh lá cây thêu rồng hổ, thực hiện nghi lễ múa kiếm và khai quang, mang đến sự bình an và thanh tẩy những ô uế cho chúng sinh đệ tử. Thậm chí, kể cả khi trước khi tổ chức lễ, người ta vẫn mời Ông về để giám sát cách tổ chức và cầu mong buổi lễ diễn ra suôn sẻ.

Tôn Quan Đệ Tam

Tôn Quan Đệ Tam, hay Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, là vị thần cai quản vùng nước (Thoải Phủ) trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Theo truyền thuyết kể lại, Tôn Quan Đệ Nhị từng hạ phàm, là người có tinh thần yêu nước và tài năng quân sự xuất chúng, ông đã góp công lớn trong việc giúp vua Hùng chống giặc ngoại xâm. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, nhân dân tại Yên Lạc (Hà Nam) và Xích Đằng (Hưng Yên) đã lập đền thờ để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của ông.

Quan Đệ Tam thường giáng đồng trong các nghi lễ lớn như khai đàn, mở phủ và tạ phủ, đặc biệt để chứng đàn tại Thoải Phủ. Khi ngự đồng, ông thường mặc trang phục trắng thêu hình rồng và hổ, cùng mạng và đai trắng, biểu trưng cho sự thanh cao và quyền uy của vị thần Thủy phủ. Trong nghi lễ, ông thực hiện các nghi thức tấu hương, khai quang, chứng sở điệp và múa song kiếm.

Bên cạnh đó, Quan Đệ Tam còn là vị thần truyền đạt tri thức, lắng nghe tâm nguyện của nhân gian, giúp kết nối giữa cõi trần và cõi thiêng. Ông là biểu tượng của sự thanh bình và hòa hợp, mang lại sự an lành và phúc lành cho mọi người.

Tôn Quan Đệ Tứ

Tôn Quan Đệ Tứ, hay Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai, là con trai thứ tư của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, là người có quyền trong cả bốn phủ. Ông được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng đồng bằng địa linh và coi sóc sổ sách sinh tử trên Thiên Đình. Một số truyền thuyết cho rằng ông trấn giữ vị trí trung tâm giữa trời và đất, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự tam giới.

Khác với nhiều vị quan khác, Quan Lớn Đệ Tứ hiếm khi hiện diện trên trần thế. Ông chủ yếu ngự trên Thiên Đình, phụ trách việc ghi chép và quản lý các vấn đề liên quan đến chốn tâm linh. Chỉ trong những dịp lễ lớn như khai đàn, mở phủ hoặc các nghi lễ tôn kính trọng đại, ông mới ngự về để chứng đàn và ban phúc.

Khi ngự đồng, Quan Đệ Tứ thường mặc áo vàng thêu rồng và hổ. Các nghi lễ ông thực hiện bao gồm tấu hương, khai quang và chứng sớ điệp, mang ý nghĩa thanh tẩy và cầu phúc cho nhân gian. Tôn Quan Đệ Tứ là hiện thân của sự nghiêm minh và công bằng trong tam giới.

Tôn Quan Đệ Ngũ

Tôn Quan Đệ Ngũ, hay Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, là vị Quan Lớn thứ năm trong Ngũ vị Tôn Quan, con trai út của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Theo truyền thuyết, ông từng giáng trần và sinh ra tại phủ Ninh Giang (nay thuộc Hải Dương) và nổi danh là một tướng lĩnh tài ba thời vua Hùng Định (Hùng Vương thứ 18). Ông được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng duyên hải ven sông Tranh và lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược. Sau đó, ông được phong tước Công Hầu và trở thành vị thần được nhân dân ngưỡng vọng.

Trong Đạo Mẫu, Quan Lớn Đệ Ngũ được tôn kính không kém các vị quan khác, đặc biệt ở những vùng đất ven sông, nơi ông từng trấn giữ. Ông thường giáng đồng trong các nghi lễ lớn như khai đàn, mở phủ, và tạ phủ. Khi ngự đồng, ông mặc áo màu lam thêu hình rồng và hổ. Nghi lễ do ông thực hiện bao gồm tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn và múa đao, thể hiện vẻ đẹp dũng mãnh và khí chất của một vị tướng.

Hàng vị của Ngũ vị Tôn Quan trên ban thờ

Ngũ vị Tôn Quan giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng Đạo Mẫu, thuộc hàng Hội Đồng Quan Lớn. Trên ban thờ Công Đồng, các ngài chỉ xếp sau tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, các Đức Vua Cha, Ngọc Hoàng và Tam tòa Thánh Mẫu

Khi còn tại thế, Ngũ vị Tôn Quan đã lập nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ. Sau khi tọa hóa, các ngài trở thành những vị thần thiêng liêng, tiếp tục hiển linh để độ quốc an dân, cai quản một số vùng lãnh thổ. Nhờ những công lao và sự che chở to lớn, các ngài được nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ cúng tại nhiều nơi trên cả nước. 

Ngũ vị Tôn Quan đứng dưới Tam tòa Thánh Mẫu
Ngũ vị Tôn Quan đứng dưới Tam tòa Thánh Mẫu

Ý nghĩa thờ Ngũ vị Tôn Quan

Ngũ vị Tôn Quan là những vị thần linh bảo hộ cho nhân thế, biểu tượng của quyền uy, công minh và che chở. Nhân dân thờ cúng các ngài để thể hiện lòng tri ân đối với công lao của họ trong việc bảo vệ đất nước, giúp nhân dân chống giặc ngoại xâm và phù hộ cho cuộc sống nhân dân được bình an, thuận lợi sau khi hiển linh. Về tâm linh, các ngài là cầu nối giữa cõi trời và trần gian, lắng nghe nguyện vọng của trần thế và bảo đảm trật tự công bằng trong tam giới. 

Đồng thời, thờ Ngũ vị Tôn Quan còn là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn truyền thống tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc, tạo nên sự gắn kết cộng đồng thông qua các nghi lễ, lễ hội tôn kính. Đây không chỉ là một dịp thực hành tín ngưỡng mà còn phản ánh niềm tin sâu sắc của người Việt vào sự bảo hộ và dẫn dắt của thần linh trong cuộc sống.

5/5 (1 bầu chọn)