Đôi nét về các vị Hộ Pháp của đạo Phật
Các vị Hộ pháp trong đạo Phật là những vị thần có nhiệm vụ bảo vệ, hộ trì Chánh pháp, giúp chúng sinh hướng thiện, giữ tâm thanh tịnh và tránh xa những điều ác. Tương truyền, từ thời Đức Phật, đã có các vị như bốn Đại Thanh văn, mười sáu vị La-hán cùng các thần linh như Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Thập nhị thần tướng, Bát bộ Kim cương, Long vương… phát nguyện bảo vệ Phật pháp, được gọi là Hộ Pháp. Họ đảm nhận trọng trách bảo hộ chúng sinh, tiêu trừ tai họa và ngăn chặn điều xấu xâm nhập vào không gian Phật pháp.
Hàng vị các vị Hộ pháp được chia thành hai phần chính là thiện thần và ác thần. Thiện thần là những vị khuyến khích con người làm điều lành, nuôi dưỡng tâm từ bi, trong khi ác thần là những vị trừng trị cái ác và cảm hóa những người lầm lạc để hướng về điều thiện. Dù cách thể hiện khác nhau nhưng cả hai đều chung sứ mệnh hướng con người đến điều lành và bảo vệ cho giáo lý nhà Phật.
Tại các ngôi chùa Việt Nam, tượng chư vị Hộ pháp được thỉnh thường gồm bốn loại chính, bao gồm:
- Vi Đà Bồ-tát và Tiêu Diện Đại sĩ, tượng trưng cho sự bảo vệ và hóa giải nghiệp chướng.
- Khuyến thiện - Trừng ác, biểu tượng của lòng hướng thiện và sự trừng phạt.
- Tứ Thiên Vương, bốn vị thần bảo vệ bốn phương
- Bát bộ Kim cương, tượng trưng cho sức mạnh và lòng kiên định.
Vi Đà Bồ-tát và Tiêu Diện Đại sĩ
Vi Đà Bồ-tát và Tiêu Diện Đại sĩ là hai hình tượng Hộ pháp quan trọng trong Phật giáo, với ý nghĩa biểu trưng cho sự bảo vệ và cảm hóa chúng sinh.
Vi Đà Bồ Tát, còn gọi là Vi Đà Thiên, xuất thân từ Ấn Độ giáo với tên gọi Thất Kiện Đà, là một vị thần chiến đấu cưỡi khổng tước, có sáu đầu mười tay, luôn cầm cung tên. Ngài là con của Đại Tự Tại Thiên và sau này trở thành Hộ pháp của Phật giáo.
Truyền thuyết kể rằng, khi Đức Phật nhập Niết-bàn, có quỷ La Sát cướp mất một chiếc răng xá lợi của Ngài, Vi Đà đã đuổi theo và lấy lại. Từ đó, Vi Đà Bồ Tát được giao trọng trách bảo vệ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và bảo vệ các tháp xá lợi của Đức Phật. Trong chùa Việt, tượng Hộ Pháp Vi Đà thường được tạc trong tư thế chắp tay, cầm bảo kiếm, khoác áo giáp, đầu đội mũ trụ và thường đặt bên phải gian thờ.
Tiêu Diện Đại Sĩ, hay Tiêu Diện Đại Quỷ Vương, được dân gian xem là vua của loài ngạ quỷ và cũng được cho là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tiêu Diện có khuôn mặt đỏ như ngọn lửa đang cháy, vẻ mặt giận dữ, thể hiện hình tượng cái ác để chế ngự cái ác.
Tương truyền, khi tà ma gặp Tiêu Diện, chúng sợ hãi mà chạy đến nơi có ánh sáng và được Phật cảm hóa, cứu độ. Hình tượng này mang ý nghĩa từ bi sâu sắc, dùng sự uy dũng để dẫn dắt chúng sinh về với đạo. Người Việt thường đến bái Tiêu Diện vào dịp Tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan - rằm tháng 7 âm lịch) để cầu siêu cho vong linh người thân được siêu thoát và đoàn tụ với gia đình.
Khuyến thiện - Trừng ác
Hộ Pháp Khuyến thiện và Trừng ác là hai vị thần bảo vệ của nhà Phật, thường được bài trí ở tiền đường trong các ngôi chùa Việt. Hình tượng của hai vị mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng hướng thiện và trừng phạt cái ác, giúp duy trì trật tự và sự thanh tịnh của đạo Phật.
Tượng Khuyến thiện và Trừng ác thường được tạc cao lớn hơn người thường, dáng vẻ uy nghiêm, trên người khoác trang phục như võ tướng thời xưa: mặc áo giáp, đội mũ trụ, thân hình vạm vỡ và có binh khí mang theo bên mình. Tùy theo từng vùng miền, cách tạc tượng hai vị sẽ có sự khác biệt: ở miền Bắc, hai vị thường đứng hoặc ngồi trên lưng sấu – một loài sư tử trong thần thoại, trong khi ở miền Nam, họ được khắc họa đứng trên lưng rồng hoặc trên đám mây.
Tượng Khuyến thiện được tô mặt trắng, mang vẻ thanh thản, hiền hòa. Tượng thường đặt bên trái bàn thờ Phật, tay cầm viên ngọc thiện tâm, dẫn lối cho chúng sinh đến con đường đúng đắn. Ngược lại, tượng Trừng ác có gương mặt đỏ, biểu cảm giận dữ, thể hiện sự quyết liệt khi trừng trị cái ác. Tượng này đặt bên phải bàn thờ Phật, tay lăm lăm vũ khí như lời răn đe mọi người tránh xa điều xấu.
Tứ Thiên Vương
Hộ Pháp Tứ Thiên Vương, hay Hộ thế Tứ Thiên Vương, là bốn vị Thiên tướng giữ vai trò bảo hộ Phật pháp và trấn giữ bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc trong vũ trụ. Theo truyền thuyết, Tứ Thiên Vương cư ngụ trên núi Tu-di, trấn giữ bốn đại châu: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Bắc Cu Lô Châu, nhằm bảo vệ chúng sinh và duy trì trật tự thế gian.
Trong các ngôi chùa Việt, tượng Tứ Thiên Vương thường được đặt trong Thiên Vương điện sau cổng chùa hoặc ở bốn góc cửa tháp. Hình tượng của họ mang dáng vẻ uy nghiêm, mặc giáp trụ và cầm những pháp khí tượng trưng cho năng lực hộ trì của từng vị.
- Đông phương Trì Quốc Thiên Vương: Cai quản phương Đông, tay cầm đàn tỳ bà, biểu tượng của lòng từ bi. Ngài dùng âm nhạc để cảm hóa chúng sinh quay về với Phật pháp, bảo hộ Đông phương Phất-đề-bà châu.
- Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương: Cai quản phương Nam, tay cầm bảo kiếm quyết liệt ngăn chặn tà ác và giúp chúng sinh tăng trưởng thiện căn. Ngài bảo hộ Nam phương Diêm-phù-đề châu.
- Tây phương Quảng Mục Thiên Vương: Cai quản phương Tây, tay quấn con rắn, có khả năng quan sát vũ trụ bằng Thiên nhãn thanh tịnh, giúp bảo vệ chúng sinh. Ngài hộ trì Tây phương Anh-da-ni châu.
- Bắc phương Đa Văn Thiên Vương: Cai quản phương Bắc, tay cầm bảo tháp, biểu trưng cho sự giàu có và trí tuệ. Ngài chế phục ma chướng và bảo vệ tài sản của chúng sinh, cai quản Bắc phương Úc-đơn-việt châu.
Bát bộ Kim cương
Bát bộ Kim cương là tám vị thần bảo hộ Phật pháp, biểu trưng cho sức mạnh kiên định và tâm thanh tịnh không thể lay chuyển. Tên gọi "Kim cương" mang ý nghĩa tâm trong sáng, vững bền, không thể phá hủy, giống như viên kim cương trong tự nhiên. Hình tượng Bát bộ Kim cương xuất phát từ thần thoại Hy Lạp và được truyền vào Ấn Độ, giao thoa với đạo Phật tạo nên hình tượng của tám vị thần Hộ Pháp.
Bát bộ Kim cương không chỉ bảo vệ Phật pháp mà còn chống lại ba mũi tên độc tham - sân - si, tượng trưng cho những chướng ngại trên con đường tu tập của chúng sinh. Theo kinh Phóng Quang Bát-nhã, bất cứ ai tu hạnh Bồ Tát trên hành trình thành Phật đều được Bát bộ Kim cương gìn giữ và bảo vệ, hỗ trợ người tu hành vượt qua mọi thử thách.
Trong bài trí nội thất chùa Việt Nam, tượng Bát bộ Kim cương được chế tác với hình dáng mạnh mẽ, oai phong, thường cầm những binh khí như gươm, chùy,…
Tám vị thần có danh hiệu lần lượt là Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực.