Skip to content

Câu chuyện về Đức Ông được thờ tại các ngôi chùa

Đức Ông là vị đệ tử của nhà Phật với tấm lòng lương thiện, luôn sẵn lòng cứu giúp nhân thế và hết lòng truyền bá đạo Phật, ông nổi tiếng với câu chuyện dát vàng cả khu vườn để được xây tu viện cho nhân dân có nơi tu tập và hành đạo.

Đôi nét về Đức Ông trong đạo Phật

Đức Ông, hay còn gọi là Cấp Cô Độc (Anathapindika),là một trong những nhân vật nổi bật trong lịch sử Phật giáo với lòng từ bi, hảo tâm và công đức cúng dường rộng lớn. Ngài tên thật là Tu Đạt (Sudatta),là một thương nhân cực kỳ giàu có ở vương quốc Kosala, thuộc Ấn Độ cổ đại. Dù có lượng tài sản dồi dào và vô cùng phong phú, Đức Ông lại nổi tiếng với tấm lòng nhân ái và luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Danh hiệu Cấp Cô Độc có nghĩa là người giúp đỡ và chu cấp cho những người khốn khó, lẻ loi,... Và đúng với danh hiệu của mình, Đức Ông luôn từ thiện và giang tay cứu giúp những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật và vô gia cư. Sự giúp đỡ của Ngài không chỉ đơn giản là tài sản vật chất mà còn là sự chia sẻ tình thương và chăm sóc đối với những phận người bất hạnh. Chính vì vậy, Ngài được mọi người thuộc nhiều tầng lớp xã hội kính trọng và yêu mến. 

Tượng Đức Ông
Tượng Đức Ông

Theo nhiều ghi chép, Đức Ông có khả năng nhìn thấy mọi kho tàng, tài bảo trên thế gian và điều đặc biệt là những tài sản đó tự động đến với ngài mà không cần ngài phải cầu xin hoặc tranh đoạt. Nhờ vậy, Ngài có thể cúng dường đều đặn cho ban thờ Tam Bảo và làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những người cùng khổ.

Công đức của Ngài không chỉ thể hiện qua những hành động cụ thể mà còn qua tâm hạnh của một người tín đồ trung thành, luôn hướng về đạo Phật và chân tâm thiện lành.

Câu chuyện về Đức Ông

Câu chuyện về Đức Ông Cấp Cô Độc (Anathapindika) là một minh chứng sống động cho lòng từ bi, sự cống hiến và đức hạnh trong đạo Phật. Chuyện kể rằng, sau khi nghe Đức Phật giảng pháp và trở thành đệ tử tại gia, Cấp Cô Độc đã phát nguyện xây dựng một tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ quê hương mình để cúng dường Phật, giúp giáo đoàn có nơi tu tập và hành đạo, đồng thời tạo cơ hội cho người dân nơi đây có thể nhìn nhận và đi theo con đường giác ngộ.

Sau khi tìm kiếm một vài địa điểm, Đức Ông đã ưng ý khu vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta),con vua Ba Tư Nặc. Khu vườn này không chỉ rộng rãi, phong cảnh tươi đẹp mà còn thanh tịnh, rất phù hợp cho việc thiền định và xây dựng tu viện. 

Tuy nhiên, Thái tử Kỳ Đà, vốn rất quý trọng khu vườn mà vua cha đã tặng, ngài đã đùa với Đức Ông rằng: "Khu vườn này là của phụ hoàng cho tôi, tôi quý nó như vàng. Nếu ông có thể đem vàng ròng trải kín mặt đất khắp khu vườn, tôi mới bán nó cho ông."

Ngỡ đây là lời nói thật lòng, ngay hôm sau Đức Ông đã ngay lập tức cho người bắt đầu trải vàng lên mặt sân vườn của Thái tử. Khi đó, Thái tử đành đồng ý để lại khu vườn cho Cấp Cô Độc. Sau bốn tháng thực hiện, khu vườn đã được dát vàng toàn bộ bằng 1,8 triệu miếng vàng.

Cau-chuyen-Cap-Co-Doc-Duc-Ong.jpg (349 KB)

Tu viện này không chỉ là một công trình vật chất mà còn là biểu tượng của lòng thành kính và sự hy sinh của ông dành cho Phật pháp. Sau đó, tu viện được gọi bằng nhiều cái tên, chẳng hạn như: Kỳ Hoàn, Kỳ Viên, Cấp Cô Độc hay Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Nơi đây đã trở thành nơi tu hành của các vị tỳ kheo và là trung tâm giáo lý, thu hút rất nhiều người dân Xá Vệ đến để học hỏi và tu tập.

Đức Ông Cấp Cô Độc được biết đến như là thí chủ lớn nhất trong Phật giáo, trong suốt cuộc đời, ông không bao giờ từ chối bất kỳ lời thỉnh cầu cúng dường hay yêu cầu giúp đỡ nào. Do đó, sau khi qua đời, ông được sinh về cõi trời, hưởng an lạc và được ghi nhận là một trong những người đã hoàn thành công hạnh lớn lao trong phụng sự Phật pháp.

Ý nghĩa thờ Đức Chúa Ông tại các ngôi chùa

Ý nghĩa thờ Đức Chúa Ông

Đức Chúa Ông là tấm gương sáng về lòng thành kính đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Ngài đã dùng tài sản và tâm lực để xây dựng tu viện, hỗ trợ giáo đoàn, giúp Phật pháp được lan tỏa và phát triển. Việc thờ Đức Chúa Ông thể hiện sự tri ân của người đời đối với công lao lớn lao của Ngài trong việc hộ trì chính pháp.

Đức Chúa Ông cũng là hiện thân của các hạnh từ, bi, hỷ, xả, luôn giúp đỡ người nghèo khổ, cô đơn và thường xuyên cúng dường Tam Bảo. Thờ Ngài là cách nhắc nhở các Phật tử học tập đức hạnh cao cả này, sống yêu thương và sẻ chia, sống một đời nhân ái, vị tha.

Bên cạnh đó, Đức Chúa Ông còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đời sống thế tục và đời sống tâm linh. Thờ Ngài trong chùa thể hiện rằng cả tu sĩ và cư sĩ đều có vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo pháp. Ban thờ Đức Ông cũng được đặt trong điện chính cùng với ban Tam Bảo, nhấn mạnh mối quan hệ bổ trợ giữa "hoằng pháp" (tu sĩ) và "hộ pháp" (cư sĩ).

Vị trí thỉnh tượng Đức Chúa Ông trong các ngôi chùa

Vì có công lớn trong việc hộ trì chính pháp và có trọn vẹn các hạnh từ, bi, hỷ, xả, Đức Chúa Ông được thờ trong các ngôi chùa và thờ cùng với Đức Thánh Hiền. Tượng Đức Ông, Đức Thánh Hiền thường được đặt hai bên của gian thờ, tượng Đức Ông ở bên tay trái và tượng Đức Thánh Hiền ở bên phải.tuong-duc-ong-tuong-duc-thanh-hien-son-dong.jpg (137 KB)

Trong không gian đình chùa, ban Tam Bảo (thường ở chính giữa) tượng trưng cho các tu sĩ, những người trực tiếp hành đạo thì ban Đức Ông đại diện cho những tín đồ tại gia, những người có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày.

Khi vào lễ trong các ngôi chùa, phật tử thường tiến vào từ cửa tay trái, nơi đặt ban Đức Ông, để thể hiện lòng kính trọng và bày tỏ sự biết ơn đối với ngài, người đã góp phần xây dựng chùa chiền, tu viện, tạc tượng và đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo. Hành động lễ bái Đức Chúa Ông không chỉ là thể hiện sự tôn kính đối với một vị hộ pháp mà còn là sự nhắc nhở về vai trò của cư sĩ tại gia trong việc hỗ trợ và bảo vệ giáo lý nhà Phật.

5/5 (1 bầu chọn)