Skip to content

Thánh tích Thập vị Quan Hoàng: Mười vị thánh hết lòng vì nhân dân

Theo dân gian truyền lại, Thập vị Quan Hoàng là con trai của Vua Cha Bát Hải Động Đình, có hàng vị sau Hội Đồng Quan Lớn và trước các Thánh Cô.

Thánh tích Thập vị Quan Hoàng

Quan Hoàng Cả Thượng Thiên

Quan Hoàng Cả Thượng Thiên, còn được gọi là Ông Hoàng Cả hoặc Ông Hoàng Quận, là vị Đệ Nhất Hoàng Tử đứng đầu trong Tứ Phủ Quan Hoàng thuộc Thiên Phủ. Trong tín ngưỡng Tứ Phủ, ông là vị Quan Hoàng được bề trên giao nhiệm vụ quản lý, trông coi sổ sách của Thiên Đình.

Theo truyền thuyết dân gian, trong những lúc thanh nhàn, Quan Hoàng Cả thường ngao du khắp nơi. Khi xuống trần gian, ngài cưỡi Tam Đầu Cửu Vĩ, còn khi ở thiên giới, ngài cưỡi Xích Long. Trên đường ngao du, ông thường đến những vùng đất khác nhau để ban phước cho người làm ăn, buôn bán và phù hộ những người ham học.

Hiện nay, Quan Hoàng Cả được thờ tại đền Trung Suối Mỡ, tỉnh Bắc Giang, cùng với Chầu Đệ Tam Vũ Nương. Ngài ít khi ngự đồng, khi giáng về, ngài thường mặc áo đỏ thêu hình rồng. Lễ ngự của ngài thường chỉ bao gồm nghi thức tấu hương và khai quang.

Quan Hoàng Đôi Khâm Sai

Quan Hoàng Đôi Khâm Sai còn được gọi là Ông Hoàng Đôi hay Quan Hoàng Triệu, đứng hàng vị thứ hai trong Thập Vị Quan Hoàng, thuộc Nhạc Phủ. Theo người xưa truyền lại, Quan Hoàng Đôi từng đầu thai xuống trần gian và sau này là tướng quân Nguyễn Hoàng - người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi và bước đầu góp phần dựng nên triều Nguyễn tại Việt Nam.

Đền thờ chính của Quan Hoàng Đôi là đền Quan Hoàng Triệu Tường ở Thanh Hóa, bên cạnh đó còn có đền Quán Triều ở Hà Nội. Ông ít khi giáng đồng và mỗi khi ngự về, Ông thường mặc áo màu xanh thêu rồng, thực hiện nghi thức khai quang và múa cờ lệnh.

Quan Hoàng Bơ Thoải Phủ

Truyền thuyết kể rằng Quan Hoàng Bơ thường xuất hiện với dung mạo khôi ngô, cưỡi cá chép vàng lướt trên mặt nước. Theo điển tích, ngài là người thân cận với Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, khi rảnh rỗi hai vị thường cùng ngồi thuyền rồng đi dạo khắp nơi.

Theo dân gian truyền lại, ngài có tên thật là Tống Khắc Bính, là thái tử của vua Nam Tống và được phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần.

Khi chứng kiến cảnh dân chúng lầm than, Quan Hoàng Bơ đã nhận lệnh từ vua cha để giáng trần làm khâm sai. Ngài mở hội Phúc Duyên, ban phúc lành cho nhân dân, kẻ buôn bán thuận lợi, người học hành đỗ đạt, đất nước được bình an, thịnh vượng.

Hiện nay, Quan Hoàng Bơ được thờ tại ba ngôi đền: đền Hàn Sơn ở Thanh Hóa, đền Hưng Long ở Thái Bình và đền Vạn Ngang ở Đồ Sơn. Khi ngài giáng đồng, thường mặc trang phục màu trắng thêu rồng, đội khăn xếp và cầm mái chèo.

Tượng Ông Hoàng Bơ
Tượng Ông Hoàng Bơ

Quan Hoàng Tư

Quan Hoàng Tư hay còn được gọi là Ông Hoàng Tư. Ông được phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần Thủy Cung Hoàng Tử. Trong đạo Mẫu, ngài được Vua Cha Bát Hải Động Đình giao trọng trách quản lý, trông coi sổ sách tại đền rồng và cai quản điện ngọc của Thủy Cung.

Vì không giáng trần, nên thần tích về ngài rất ít. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ngài đã từng giáng trần và chính là tướng quân Nguyễn Hữu Cầu. Hiện nay, người dân thờ phụng Quan Hoàng Tư tại đền thờ tướng quân Nguyễn Hữu Cầu ở thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Ngài cũng là một vị Quan Hoàng rất ít khi về ngự đồng. Khi xuất hiện, Quan Hoàng Tư thường mặc áo vàng thêu rồng, đội khăn chít mỏ rìu và thực hiện nghi thức múa cờ lệnh cùng kiếm.

Quan Hoàng Năm

Quan Hoàng Năm được giao nhiệm vụ trông coi Thiên Phủ. Hiện không có ghi chép chính thức về việc ngài giáng trần, nhưng dân gian truyền rằng Quan Hoàng Năm có thể đã từng hạ thế và hóa thân thành tướng quân Hoàng Công Chất.

Ngài hiếm khi giáng đồng. Khi về ngự đồng, Quan Hoàng Năm thường mặc áo xanh lam thêu hình rồng uốn thành chữ "thọ" và đội khăn chít mỏ rìu. Sau lễ khai quang, ngài thường ngự tọa, hiến tửu, nghe văn, rồi xe giá hồi cung.

Quan Hoàng Lục

Dân gian có khá ít sự tích về Quan Hoàng Lục và các thông tin này cũng khá mơ hồ, tương truyền ngài thuộc Nhạc Phủ. Phổ biến hơn cả là câu chuyện kể rằng ngài đã đầu thai xuống trần gian thành An Biên Tướng Quân, một tộc trưởng người Tày cai quản vùng rừng núi thuộc Cao Bằng ngày nay.

Đền thờ chính của Quan Hoàng Lục ở trên đỉnh Đoỏng Lình, gần biên giới tỉnh Cao Bằng. Quan Hoàng Lục rất hiếm khi giáng đồng, thường chỉ vào các dịp lễ chính hoặc khi được thỉnh tại đền thờ chính của ngài.

Khi ngài giáng đồng, Quan Hoàng Lục thường mặc trang phục hầu đồng màu đỏ, có nơi ngài mặc áo đen hoặc xanh, được thêu rồng và khoác áo choàng. Ngài thực hiện nghi lễ múa cờ, múa kiếm, sau đó ngự tửu và cuối cùng xe giá.

Quan Hoàng Bảy Bảo Hà

Quan Hoàng Bảy, hay còn gọi là Ông Hoàng Bảy, thuộc Nhạc Phủ, ông là một trong những vị Quan Hoàng nổi tiếng nhất trong Thập Vị Quan Hoàng. Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, xuất hiện vào thời nhà Lê và được phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần Vệ Quốc. 

Khi còn tại thế, Quan Hoàng Bảy được nhà vua cử lên trấn giữ vùng Quy Hóa, lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm dọc theo bờ sông Hồng. Hiện nay, Quan Hoàng Bảy được nhân dân lập đền thờ dưới chân đồi Cấm, Bảo Hà, Lào Cai, nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với khung cảnh "trên bến dưới thuyền."

Ông Hoàng Bảy được đông đảo người dân tôn kính, cả những con nhang đệ tử và những người không theo tín ngưỡng vẫn thường đến dâng hương xin lộc trước ngài. Ngài là vị Quan Hoàng hay về ngự đồng và chấm lính bắt đồng nên thường được thờ tại các đền hoặc ban thờ tại gia.

Khi ngự đồng, Quan Hoàng Bảy thường mặc áo tím chàm hoặc lam, thêu hình rồng uốn thành chữ "thọ", đầu đội khăn xếp màu lam, cài kim màu ngọc thạch. Ngài thường thực hiện nghi lễ tấu hương, khai quang, cầm đôi hèo và chấm đồng. 

Tượng Ông Hoàng Bảy Bảo Hà
Tượng Ông Hoàng Bảy Bảo Hà

Quan Hoàng Bát

Theo người xưa truyền lại, Quan Hoàng Bát đã giáng trần và sau này chính là anh hùng dân tộc Nùng Chí Cao, người dân tộc Tày – Nùng tại Cao Bằng. Vào khoảng thế kỷ XI, Nùng Chí Cao được triều đình phong làm Thái Bảo Tướng Quân, giao cho nhiệm vụ trấn giữ biên cương, bảo vệ bờ cõi.

Ngày nay, Quan Hoàng Bát được thờ phụng tại đền Kỳ Sầm, cách thành phố Cao Bằng khoảng 5km. Ngài rất ít khi giáng đồng và chỉ những thanh đồng có căn mới có thể hầu giá Quan Hoàng Bát. 

Khi ngự đồng, ngài thường mặc y phục màu vàng, đội khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đeo ghệt tay, ghệt chân và mạng chéo. Ngài thực hiện các nghi lễ tấu hương, khai quang, múa đôi trùy đồng (múa cờ và kiếm) và võ thuật.

Quan Hoàng Chín Cờn Môn

Quan Hoàng Chín Cờn Môn, còn được gọi là Ông Chín Cờ, thuộc Thiên Phủ. Theo truyền thuyết là người sống vào thời nhà Lý tại Nghệ An. Ngài xuống tóc, lập miếu và tu hành tại cửa Cờn. Tại đây,  ngài đã cứu giúp nhiều người đi biển. Nhân dân biết ơn và tôn kính ngài, gọi ngài là Ông Cờn Môn.

Ngày nay, Đền Cờn Ngoài nằm tại cửa biển Quỳnh Phương, Nghệ An là đền thờ chính của Quan Hoàng Chín. Ngài ít khi giáng đồng, chỉ khi những người được ăn lộc Hoàng hoặc khi thỉnh ngài tại chính đền, ngài mới loan giá ngự về. Khu về ngự đồng, ngài thường trong trang phục áo the màu đen, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc, tay cầm ô, theo phong cách thư sinh, ông đồ ngày trước của Việt Nam.

Khi giáng đồng, Quan Hoàng Chín thường thực hiện nghi lễ khai quang, làm thơ, giáng bút đề chữ, uống rượu bằng bát, ban tài lộc và nghe văn. 

Quan Hoàng Mười Nghệ An

Quan Hoàng Mười là một vị quan của thiên đình, văn võ song toàn, là người chính trực, thẳng thắn. Có nhiều dị bản về sự tích của ngài, trong đó câu chuyện nổi tiếng nhất là ngài đầu thai tại Nghệ An. Tại đây, sau này ngài đã lập nhiều công lao to lớn trong dựng nước và giữ nước, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Hiện nay, Quan Hoàng Mười được thờ chính tại đền Xuân Am (hay đền Mỏ Hạc),nằm tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, ngoài ra còn có đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh cũng thờ Quan Hoàng Mười.

Tương tự như Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười là vị thánh thường xuyên về ngự đồng. Hầu như các thanh đồng đều mở giá để mời ngài về để xin tài lộc. Do đó, người dân thường thờ tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười vì ba vị này thường xuyên về ngự đồng.

Khi giáng đồng, Quan Hoàng Mười mặc trang phục màu vàng thêu rồng, đội khăn xếp, thắt đai vàng và cài trâm vàng. Ngài thực hiện nghi lễ khai quang, sử dụng quạt làm sách, lấy trâm làm bút để đề thơ. 

Tượng Ông Hoàng Mười
Tượng Ông Hoàng Mười

Ý nghĩa thờ Thập vị Quan Hoàng

Các vị Quan Hoàng được coi là các vị thần linh hộ quốc, hộ dân, bảo trợ cho con người và mỗi vị có quyền lực riêng biệt. Họ thường được thờ tại các đền, phủ và được mời về trong các lễ hầu đồng.

Hầu hết các vị Quan Hoàng đều có tấm lòng và công lao giúp nước, giúp dân, bảo vệ sự bình yên cho tổ quốc, do đó người dân thờ Thập vị Quan Hoàng để tưởng nhớ công lao của các vị, đồng thời mong cầu cho cuộc sống bình an, thuận lợi. 

Nhân dân thờ Thập vị Quan Hoàng để tưởng nhớ công lao và cầu bình an
Nhân dân thờ Thập vị Quan Hoàng để tưởng nhớ công lao và cầu bình an

Trong tín ngưỡng dân gian, việc thờ cúng Thập vị Quan Hoàng không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là nơi để người dân gửi gắm những hy vọng, niềm tin vào sự bảo trợ của các vị thần linh.

Trong thiết kế đền thờ, tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười được đặt dưới Tứ Phủ Chầu Bà và trên Tứ Phủ Thánh Cô. Khi thờ tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, người thờ cúng cần sắm đủ đồ thờ tâm linh và lễ vật cần thiết để thể hiện lòng thành kính tới các vị thánh thần.

5/5 (1 bầu chọn)