Đôi nét về Tứ Bất Tử
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Tứ Bất Tử là bốn vị thần được người dân "bất tử hóa" thông qua các truyền thuyết lịch sử lâu đời, thể hiện những khát vọng và sức mạnh của cộng đồng. Bốn vị thần thuộc Tứ Bất Tử bao gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh.
Trong bốn vị thánh thì ba vị Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử đã được nhân dân biết đến và thờ phụng từ thời Hùng Vương, còn Công Chúa Liễu Hạnh được nhân dân thêm vào hàng vị các vị thần thánh từ thời Hậu Lê.
Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh, là vị thần trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, tượng trưng cho sức mạnh cộng đồng trong việc chống lại "giặc tự nhiên" – thiên tai lũ lụt. Còn Phù Đổng Thiên Vương, tức Thánh Gióng, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất nước.
Chử Đồng Tử, người anh hùng gắn liền với đời sống tâm linh và tinh thần của người Việt, cùng Công chúa Liễu Hạnh – vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử, đã đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng, phát triển và bình yên trong đời sống nhân dân. Cả hai được coi là biểu tượng của sự sung túc về vật chất và hạnh phúc về tinh thần cho người dân.
Khi đó, nếu truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là khởi đầu, hình thành nên nước Văn Lang thì truyền thuyết về Tứ Bất Tử là quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Tản Viên Sơn Thánh
Tản Viên Sơn Thánh, còn gọi là Sơn Tinh, là một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với các truyền thuyết về sức mạnh và hồn thiêng sông núi. Theo quan niệm dân gian, ông là vị thần cai quản dãy núi Tản Viên, hay còn gọi là dãy Ba Vì.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng Tản Viên Sơn Thánh được sinh trong lòng của thiên nhiên sông núi, thụ thai ở chân núi và sinh ra ven sông. Nhân dân gọi ngài là “con của đá” – thứ vật chất rắn chắc, kiên định, biểu tượng của sự bền bỉ. Người Việt, đặc biệt là các làng người Mường, vẫn còn tục thờ đá để tôn vinh điều này. Bên cạnh đó, có nơi cũng truyền lại rằng thân thế của Sơn Tinh có liên hệ với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, rằng ông là một trong 50 người con theo Âu Cơ lên núi.
Tản Viên Sơn Thánh là nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tương truyền, khi đó Vua Hùng ra lời kén rể cho con gái của ngài là nàng Mị Nương, sau đó cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều mang những lễ vật hiếm lạ và quý báu đặc trưng cho nơi hai vị thánh ngự trị, mong muốn cưới được công chúa. Tuy nhiên, do Sơn Tinh đến trước nên được Vua Hùng đồng ý gả công chúa cho, Thủy Tinh liền tức giận dâng nước gây ngập lụt khắp nơi hòng đòi lại Mị Nương. Khi đó, Sơn Tinh đã làm phép dâng đất, dâng núi, nước của Thủy Tinh cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại dâng đất lên cao hơn bấy nhiêu. Sau nhiều ngày, cuối cùng Thủy Tình đành rút lui, từ đó năm nào Thủy Tinh cũng dâng nước để trả mối thù năm xưa nhưng lần nào cũng thất bại. Truyền thuyết này thể hiện cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt Nam trước lũ lụt và thiên tai xảy ra hàng năm.
Đền thờ tượng thánh Sơn Tinh có ở nhiều nơi như đền Lăng Sương (Phú Thọ),đền Và (Sơn Tây, Hà Nội) và các đền trên núi Ba Vì.
Phù Đổng Thiên Vương
Phù Đổng Thiên Vương, hay Thánh Gióng, là một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nổi tiếng với truyền thuyết chống giặc Ân xâm lược. Theo truyền thuyết, từ khi sinh ra, Gióng không khóc không cười, đến khi nghe tin nhà vua tìm người đánh giặc, Gióng liền nói chuyện, xin được đi đánh giặc. Kể từ đó, Gióng ăn rất khỏe và bỗng chốc lớn nhanh phi thường, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm gươm sắt phi ra trận. Gióng đi đến đâu là quân địch chết như ngả rạ, khi lưỡi kiếm gãy, Gióng nhổ cả bụi tre để đánh giặc. Sau khi đánh tan quân xâm lược, Gióng phi ngựa bay về trời, từ được nhân dân tôn là Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương. Hình ảnh Thánh Gióng cầm bụi tre phi trên trận mạc đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần chống ngoại xâm và lòng yêu nước của người Việt.
Thánh Gióng được triều đại nhà Lý, vua Lý Công Uẩn ban hiệu là Xung Thiên Thần Vương. Hàng năm, lễ hội Thánh Gióng được tổ chức trọng thể tại nhiều nơi, nổi bật là hội đền Sóc ở Sóc Sơn vào ngày 6 tháng 1 âm lịch và hội đền Phù Đổng ở Gia Lâm, Hà Nội để tưởng nhớ vị anh hùng lẫy lừng này.
Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử là một trong Tứ Bất Tử của dân gian Việt Nam. Theo nhiều ghi chép, ông là vị thánh sống vào khoảng thế kỷ IV-III TCN, dưới thời Hùng Duệ Vương. Chử Đồng Tử nổi tiếng với lòng hiếu thảo, nhân ái và tài giỏi, gắn liền với câu chuyện tình yêu đẹp cùng công chúa Tiên Dung.
Tương truyền, Chử Đồng Tử sống cùng cha, khi cha của chàng mất đi, chàng đã nhường chiếc khố duy nhất cho cha mình. Sau này khi công chúa Tiên Dung dạo chơi đi qua khúc sông nơi Chử Đồng Tử sinh sống, nàng bắt gặp và đem lòng mến mộ chàng trai hiếu thảo và cần cù trước mặt, quyết định kết duyên cùng chàng. Nhà vua nghe tin liền không đồng ý nhân duyên này, ra lệnh không cho Tiên Dung trở về cung. Khi đó, hai vợ chồng liền mở chợ Hà Thám và hành nghề buôn bán. Sau này, Chử Đồng Tử gặp được vị sư tên Phật Quang và cùng vợ theo học đạo.
Đến hôm đó, khi hai vợ chồng cắm gậy và nón (pháp bảo được vị sư tặng) nghỉ ngơi bên đường, từ đâu một cung điện vàng xuất hiện đón hai vợ chồng vào ở. Nhân dân thấy sự lạ liền tôn hai vợ chồng làm chúa, khi nhà vua hay tin cho rằng công chúa muốn làm phản liên cho quân đi đánh. Khi quân lính gần đến nơi, xuất hiện một trên gió to đưa tòa cung điện bay về trời. Nhân dân liên lập đền thờ, nền tòa cung điện cũ tạo thành một đầm nước được nhân dân gọi là Đầm Nhất Dạ (Đầm Một Đêm).
Chử Đồng Tử được nhân dân tôn kinh không chỉ vì đức hạnh mà còn bởi vai trò trong việc đem lại đời sống sung túc qua việc truyền nghề buôn bán cho nhân dân. Khi đứng trước tượng thánh Chử Đồng Tử, nhân dân thường cầu thịnh vượng và an lành, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đền thờ Chử Đồng Tử có ba nơi nổi bật: đình Chử Đồng Tử tại Chử Xá, Hà Nội; đền Hóa ở thôn Yên Vĩnh, huyện Khoái Châu, nơi ông hóa về trời; và đền Đa Hòa, thôn Đa Hòa, cũng thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Các ngôi đền này là điểm hành hương quan trọng, nơi dân chúng thể hiện lòng tôn kính đối với vị thánh huyền thoại này.
Công chúa Liễu Hạnh
Công Chúa Liễu Hạnh là thánh nữ duy nhất trong Tứ Bất Tử và được tôn kính với danh hiệu Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đứng đầu trong hệ thống thờ cúng Tam phủ, Tứ phủ của đạo Mẫu Việt Nam. Theo truyền thuyết, bà là công chúa con Trời, ba lần xin phép được hạ phàm để trải nghiệm cuộc sống trần thế và giúp đỡ chúng sinh khỏi cảnh lầm than, đau khổ.
Hình tượng của Thánh Mẫu thể hiện cho khát vọng tự do, bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội xưa, vốn còn nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nàng cũng là biểu tượng của lòng từ bi, sự cứng cỏi và khát khao về hạnh phúc gia đình, là hình mẫu của người phụ nữ mạnh mẽ và nhân ái.
Hàng năm, lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh diễn ra vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch – ngày giỗ của bà, tại nhiều địa điểm thờ tượng Thánh Mẫu nổi tiếng như Quần thể di tích Phủ Dầy (Nam Định),Phủ Tây Hồ (Hà Nội),đền Sòng Sơn (Hà Nội),... thu hút đông đảo người dân tới tri ân và cầu khấn những điều tốt đẹp.
Ý nghĩa của Tứ Bất Tử trong văn hóa dân gian và tâm linh của Việt Nam
Tứ Bất Tử là biểu tượng cho các giá trị văn hóa đặc sắc và trường tồn của dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước đến nay. Tứ Bất Tử không chỉ phản ánh sức mạnh của cả cộng đồng mà còn biểu hiện cho những phẩm chất bền bỉ, kiên cường và khát vọng hạnh phúc của mỗi con người Việt.
Mỗi vị thần trong Tứ Bất Tử mang ý nghĩa và câu chuyện khác nhau nhưng cùng xây dựng nên hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Tản Viên Sơn Thánh và Phù Đổng Thiên Vương là hiện thân của sức mạnh và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm và thiên tai. Trong khi đó, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh lại đại diện cho sự thịnh vượng, bình an và khát vọng tự do, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày.
Tứ Bất Tử đã kết tinh tinh thần và ý chí của người Việt qua các giai đoạn lịch sử, là minh chứng cho sự vững bền của nền văn hóa dân gian Việt Nam, mãi mãi sống động trong tâm thức người dân.