Kiểm tra chất lượng bề mặt
Kiểm tra chất lượng bề mặt của tượng gỗ là bước quan trọng để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng lâu dài. Bề mặt tượng gỗ không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn liên quan trực tiếp đến độ bền, khả năng chống chịu trước các yếu tố môi trường như độ ẩm, nhiệt độ hay các yếu tố gây mài mòn khác.
Khi nhận tượng, cần đảm bảo bề mặt tượng được chà nhám kỹ, không có các vết gồ ghề, xù xì hoặc nứt vỡ. Nứt gỗ có thể do nhiều yếu tố như việc không sấy gỗ đúng cách hoặc do chất lượng của gỗ. Nếu phát hiện vết nứt lớn có thể lan rộng, bạn cần yêu cầu xưởng kiểm tra lại.
Đồng thời, với tượng gỗ không sơn màu, cần kiểm tra xem màu sắc của các vân gỗ có tự nhiên hay không, chú ý đến những mảng màu sẫm hơn hoặc vết ố lạ và hỏi kỹ lại nhân viên tại xưởng chế tác. Còn với tượng gỗ được sơn màu, cần đảm bảo lớp sơn được phủ đều, không có dấu hiệu bong tróc, nổi bọt khí hoặc chỗ đậm chỗ nhạt.
Bên cạnh đó, tượng gỗ sẽ được sơn một lớp phủ bảo vệ ở lớp ngoài cùng để bảo vệ chất lượng gỗ và gia tăng tuổi thọ cho tượng, trong đó bao gồm cả khả năng chống thấm nước tốt và chống mối mọt. Khi đó bạn có thể thử bằng cách sử dụng khăn ẩm lau một phần bề mặt tượng và kiểm tra xem có bị thấm nước vào gỗ hay không. Nếu gỗ dễ bị thấm nước có nghĩa là lớp bảo vệ bề mặt có thể chưa đủ chất lượng hoặc chưa được xử lý đúng cách.
Trong các làng nghề chế tác đồ thờ trên khắp Việt Nam, làng nghề truyền thống Sơn Đồng là một trong những làng nghề có bề dày lịch sử nhất. Sơn son thếp vàng trên đồ thờ Sơn Đồng là một trong những kỹ thuật mang lại vẻ ngoài tinh tế và uy nghi nhất, đồng thời giúp tăng độ bền và bảo vệ tượng tốt nhất. Do đó, hầu hết tượng thờ chế tác tại Sơn Đồng đều có phần bề mặt được xử lý tốt và có chất lượng cao.
Kiểm tra kích thước và tỉ lệ
Kiểm tra kích thước và tỉ lệ của tượng gỗ là một bước quan trọng không kém trong quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác và sự hài hòa của không gian thờ.
Khi nhận tượng, với những người cẩn thận hoặc với công trình cần độ chính xác cao, người nhận có thể trực tiếp đo lại tượng xem có đúng kích thước đã thỏa thuận không. Còn nếu không, có thể đánh giá bằng mắt dựa trên tính đối xứng, tỉ lệ to nhỏ giữa các chi tiết và có thể quan sát tượng từ nhiều góc nhìn để đánh giá kích thước và tỉ lệ của tượng.
Xem xét kết cấu và độ bền của gỗ
Đảm bảo tượng được làm từ loại gỗ đã thỏa thuận và có chất lượng tốt. Tùy vào loại gỗ mà người nhận có thể dựa vào những đặc điểm nhất định để nhận biết chính xác loại gỗ đó.
Chẳng hạn như gỗ hương, tượng gỗ hương sẽ có mùi thơm đặc trưng, nếu là tượng không sơn màu thì gỗ hương sẽ có màu đỏ, từ đỏ nhạt, đỏ hồng đến đỏ sẫm tùy thuộc vào từng loại gỗ hương. Hoặc với gỗ gụ, gỗ có mùi hơi chua, đường vân thẳng, gỗ mới có màu vàng trắng, để lâu thành màu nâu sẫm hoặc đen. Gỗ mít là sẽ có màu vàng sáng, lâu ngày sẽ ngả sang đỏ sẫm, có mùi thơm nhẹ.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra xem gỗ có bị tách lớp, cong vênh hay không, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của tượng.
Kiểm tra các chi tiết
Đây là bước khó hơn, đòi hỏi người nhận tượng phải có hiểu biết về vị thần phật được làm tượng. Chẳng hạn như đánh giá được thần thái tổng thể của bức tượng, các chi tiết như ánh mắt, dái tai, sống mũi, trang phục, kiểu tóc, tư thế đứng, tư thế ngồi, cách để tay,...
Thông thường, chỉ những người có hiểu biết và kinh nghiệm mới có thể đánh giá các chi tiết chạm khắc của tượng nhưng đây lại là một bước quan trọng đối với việc thờ cúng vì nếu thờ tượng thể hiện không đúng đặc điểm của thần phật có thể là sự bất kính đối với các ngài, dẫn đến những điều xui rủi. Khi đó, nếu bạn không có kinh nghiệm trong việc này, bạn nên nhờ người có hiểu biết đi cùng để đánh giá chính xác bức tượng.
Kiểm tra sự ổn định và độ vững chãi
Đặt tượng lên bề mặt phẳng để xem tượng có bị nghiêng hoặc lắc lư không. Đặc biệt, nếu tượng có chân đế thì phần đế phải có đủ diện tích tiếp xúc với mặt đất để giúp tượng đứng vững. Nếu chân đế nhỏ hoặc không cân đối, tượng có thể dễ bị lật hoặc nghiêng. Do đó, khi nhận tượng cần đảm bảo tượng có thể đứng ổn định, chắc chắn.
Bên cạnh đó, đối với các tượng có phần ghép nối (như tay, chân, hoặc đầu),cần kiểm tra kỹ các mối nối xem có chắc chắn không. Khi thấy có mối nối bị lỏng thì cấn báo cho nhân viên của xưởng chế tác tượng để xử lý kịp thời.
Kiểm tra mùi gỗ
Một số loại gỗ khi chưa được xử lý cẩn thận hoặc sấy khô sẽ có mùi ẩm mốc hoặc mùi khó chịu. Nên khi nhận tượng, nếu thấy có mùi lạ ngoài mùi đặc trưng của gỗ, bạn cần yêu cầu xưởng kiểm tra và xử lý lại.
Các yếu tố về bảo quản và vệ sinh
Cuối cùng, bạn cần hỏi các nghệ nhân chế tác tượng tại xưởng về các yêu cầu bảo quản tượng gỗ như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ phù hợp và cách vệ sinh tượng để tượng có thể trường tồn với thời gian. Với tượng Phật chế tác tại làng nghề Sơn Đồng nói riêng và đồ thờ Sơn Đồng nói chung đều có tuổi thọ lâu dài, cách bảo dưỡng và vệ sinh khá đơn giản, phù hợp cho nhiều không gian khác nhau.