Đôi nét về tín ngưỡng Tứ Phủ của người Việt
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ là tín ngưỡng thờ cúng người mẹ ở các miền trời, đất, sông, rừng núi. Theo tín ngưỡng này, con người coi tự nhiên là Mẹ, là nguồn cội. Hình tượng người mẹ được lấy làm trung tâm để thể hiện niềm tin và mong ước của con người trong cuộc sống.
Tín ngưỡng Tứ Phủ là một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, thể hiện sự tôn kính đối với Mẹ Thiên nhiên và các nữ thần có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, tín ngưỡng Tứ Phủ còn thể hiện ý thức về lòng yêu nước, tinh thần gắn bó với dân tộc và ước vọng về cuộc sống an lành, thuận lợi và thịnh vượng.
Tứ Phủ là tên gọi để chỉ 4 miền Thiên, Địa, Thoải, Nhạc, mỗi miền đều có màu sắc và vị thần chủ quản riêng biệt:
- Thiên Phủ (màu đỏ): Do Mẫu Cửu (Cửu Trùng Thanh Vân Công Chúa) cai quản, bao gồm các chư vị thần linh cai quản bầu trời.
- Địa Phủ (màu vàng): Do Mẫu Liễu (Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Công Chúa) cai quản, bao gồm các chư vị thần linh cai quản vùng đất.
- Thủy Phủ (màu trắng): Do Mẫu Thoải (Bạch Ngọc Xích Lân Công Chúa) cai quản, bao gồm các chư vị thần linh cai quản miền sông nước.
- Nhạc Phủ (màu xanh lục): Do Mẫu Thượng Ngàn (Lê Mại Bạch Anh Công Chúa) cai quản, bao gồm các chư vị thần linh cai quản miền rừng núi.
Tứ Phủ còn dung hòa nhiều yếu tố của đạo Phật và Đạo giáo nên trên ban công đồng, người dân còn thờ một số vị như tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu hay tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn,...
Các bài trí tượng thờ trên ban công đồng
Trong điện thờ Tam, Tứ Phủ, có 3 ban chính: Ở giữa là ban Công đồng, bên phải là ban Trần Thiều và bên trái là ban Sơn Trang.
Khi bài trí ban công đồng, gia chủ cần đặt các tượng theo thứ tự sắp xếp từ trên xuống dưới như sau:
Lớp thứ nhất: Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc tượng Phật
Ở vị trí cao nhất cần đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc tượng Phật bà Chuẩn Đề hoặc tượng Phật Thiên thủ Thiên nhãn.
Lớp thứ hai: Tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng quan Nam Tào và Bắc Đẩu.
Lớp tiếp theo gia chủ đặt tượng Ngọc Hoàng, bên trái là tượng Nam Tào cai quản việc sinh và tượng Bắc Đẩu bên phải cai quản việc tử.
Lớp thứ ba: Tượng Tam tòa Thánh Mẫu
Tượng Tam tòa Thánh Mẫu được đặt dưới tượng Ngọc Hoàng. Ba vị Thánh Mẫu bao gồm:
- Mẫu Thượng Thiên: Mẫu Thượng Thiên, hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhất, là vị Thánh cai quản miền Thiên Phủ (vùng trời). Ngài được khắc họa với đường nét khuôn mặt hài hòa, hiền hậu, ngự áo đỏ và ngồi ở vị trí chính giữa.
- Mẫu Thượng Ngàn: Mẫu Thượng Ngàn, hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhị, là vị Thánh cai quản miền Nhạc Phủ (vùng rừng núi). Trong bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Ngài ngồi bên trái Mẫu Đệ Nhất, ngự áo màu xanh lá.
- Mẫu Thoải: Mẫu Thoải, hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, là vị Thánh Mẫu cai quản miền Thoải Phủ (vùng sông nước). Ngài ngồi bên phải Mẫu Đệ Nhất và ngự áo trắng trên ban thờ.
Lớp thứ tư: Tượng Ngũ vị Tôn Quan
Tương truyền, Ngũ vị Tôn Quan đều là con của Bát Hải Động Đình Long Vương, bao gồm năm vị:
- Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên mặc áo đỏ thêu rồng, ngồi ở vị trí chính giữa.
- Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn hoặc Quan Giám Sát mặc áo xanh lục thêu rồng, ngồi ở bên phải Quan Đệ Nhất.
- Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ mặc áo thêu rồng màu trắng, ngồi bên trái Quan Đệ Nhất.
- Quan Lớn Đệ Tứ Địa Phủ mặc áo thêu rồng màu vàng, ngồi ở bên phải Quan Đệ Nhị.
- Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Sát hoặc Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh mặc áo thêu rồng màu xanh lục, ngồi bên trái Quan Đệ Tam.
Lớp thứ năm: Tượng Tứ phủ Chầu Bà
Tứ Phủ Thánh Chầu, dân gian quen gọi là Tứ Phủ Chầu Bà, là những vị nữ thần hầu hạ thân cận bên các vị Thánh Mẫu. Trong Tứ Phủ, có tổng 12 vị Chầu Bà, trong đó có 4 vị hàng đầu được đặt thờ trên ban công đồng, bao gồm:
- Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên Khâm Sai mặc áo đỏ, ngồi ở giữa bên phải.
- Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn Khâm Sai mặc áo xanh, ngồi ở giữa bên trái.
- Chầu Đệ Tam Thuỷ Cung Khâm Sai mặc áo trắng, ngồi bên phải Chầu Đệ Nhất.
- Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai mặc áo vàng, ngồi bên trái Chầu Đệ Nhị.
Lớp thứ sáu: Tượng Tứ phủ Ông Hoàng
Ngự bên dưới các Thánh Chầu là các Ông Hoàng. Trong Tứ Phủ có 10 vị Ông Hoàng nên thường được gọi là Thập vị Quan Hoàng hoặc Thập vị Ông Hoàng. Trong đó có ba Ông Hoàng thường được thờ trên ban công đồng là tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười. Trên ban thờ, Ông Hoàng Bảy thường ngự áo lam hoặc tím chàm, ngồi ở vị trí chính giữa, bên trái là Ông Hoàng Bơ ngự áo trắng và bên phải là Ông Hoàng Mười ngự áo vàng.
Lớp thứ bảy: Tượng Tứ Phủ Thánh Cô
Lớp tiếp theo các Ông Hoàng là các vị Thánh Cô. Tứ Phủ có 12 vị Thánh Cô nên còn được gọi là Thập Nhị Vị Thánh Cô. Mỗi Thánh Cô lại có những câu chuyện và tài phép riêng. Họ đại diện cho những ý nghĩa khác nhau trong cuộc sống và mong ước của con người.
Lớp thứ tám: Tượng Tứ Phủ Thánh Cậu
Các Thánh Cậu là những thanh thiếu niên khỏe mạnh, giúp phụ tá các Ông Hoàng và bảo vệ mùa màng bội thu của nhân dân. Trên ban công đồng, gia chủ có thể đặt tượng của hai Thánh Cậu ở hai bên.
Lớp thứ chín: Tượng Ngũ Hổ, Quan Bạch, Quan Xà
Quan Ngũ Hổ, còn được gọi là Ngũ Hổ Thần Quan hoặc Ngũ Phương Thần Hổ Uy Linh, là các vị thần linh canh giữ cửa cho mỗi đền điện. Các ngài có sức mạnh thiêng liêng để bảo vệ năm phương và tiêu diệt tà ma. Trong điện thờ, bàn thờ Ngũ Hổ thường được đặt dưới bàn thờ Công đồng.
Trong điện thờ Tứ Phủ, còn có hai vị thần rắn (Quan Bạch và Quan Xà),được gọi chung là Ông Lốt. Trong điện thờ, Ông Lốt thường được đặt trên xà nhà. Ở các đền điện khác, Ông Lốt có thể được đặt cùng với Ngũ Hổ dưới bàn thờ Công Đồng hoặc vắt ngang qua bàn thờ Công Đồng.
Lưu ý khi thờ ban công đồng Tứ Phủ tại gia
- Điện thờ tại gia không cần phải làm to đẹp và xa hoa nhưng gia chủ phải đảm bảo sự trang nghiêm, thoáng mát, gọn gàng và sạch sẽ.
- Lập điện thờ tại gia cũng cần quan tâm đến các yếu tố phong thủy như hướng và vị trí thờ tự, thờ riêng hay thờ chung ở để có sự bố trí hợp lý.
- Thỉnh tượng gỗ đẹp của các vị thánh sẽ làm cho bàn thờ thêm trang trọng, nhưng nếu không có điều kiện, gia chủ cũng có thể thỉnh tranh hoặc thờ long ngai, bài vị cũng vẫn được coi là tông trọng, đàng hoàng.
- Nếu có điều kiện, làm lễ rước tượng từ đền về điện thờ tại gia là tốt nhất, nhưng nếu không, gia chủ chỉ cần bốc bát nhang và ghi rõ duệ hiệu các vị Thánh cũng là đủ.
- Trên ban thờ, gia chủ không cần phải thỉnh đủ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Ngũ vị Tôn Quan, các Thánh Chầu, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu, Quan Hổ, Quan Xà mới là đầy đủ. Gia chủ có thể chỉ cần thỉnh một vị Chầu, ba vị Tôn Quan,...