Đôi nét về kết ấn trong đạo Phật
Trong Phật giáo, ấn tướng và ấn thủ là dấu hiệu tạo nên bởi các cử chỉ của cơ thể, đặc biệt là cử chỉ của bàn tay và các ngón tay. Kết ấn, hay cách gọi khác là bắt ấn, là hành động tác động vào các đầu hoặc gốc ngón tay để gián tiếp tác động lên các huyệt do phần ngón tay là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, có thể gián tiếp tác động lên nhiều bộ phận trên cơ thể, chẳng hạn như vùng xương cùng, đỉnh đầu, khu vực thu xả. Từ đó giúp nội khí bên trong cơ thể giao hòa với các khí bên ngoài như thiên khí và địa khí.
Theo phong thủy, năm ngón tay trên bàn tay tượng trưng cho năm yếu tố hình thành nên vũ trụ:
- Ngón cái - lửa
- Ngón trỏ - khí
- Ngón giữa - hư không
- Ngón áp út - nước
- Ngón út - đất
Bên cạnh đó, ngón tay cũng được coi là tượng trưng cho cơ thể người, chẳng hạn như đầu ngón tay tương ứng với đỉnh đầu, phần tiếp giáp của ngón tay và bàn tay tương ứng với phần hạ bàn. Tương tự, ba đốt ngón tay cũng tương ứng lần lượt với thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu trên cơ thể.
Khi nhìn vào thủ ấn của tượng Phật hoặc của tượng Quan Âm Thế Chí, Quan Âm Bồ Tát hoặc các vị thánh thần khác, phật tử có thể hiểu được phương pháp độ sinh, hạnh nguyện và nguyện lực của ngài. Ấn đó xuất phát từ mong muốn trong quá trình tu thân, tu khẩu, tu ý của của chư Phật.
Các kiểu kết ấn của Đức Phật và ý nghĩa
Thủ ấn Thiền định - Dhyana
Khi kết ấn này, mu bàn tay phải đặt lên lòng bàn tay trái và đặt ở trong lòng, hai đầu ngón tay cái chạm nhau tạo thành một hình tam giác. Ấn thủ này đại diện cho thiền, thể hiện trạng thái tập trung sâu, khi đó trí tuệ và tâm thức vượt lên khỏi thế giới thực tại, tiến tới giác ngộ. Trong lần thiền cuối cùng của Đức Phật dưới gốc cây bồ đề trước khi đạt được giác ngộ, ngài đã sử dụng ấn thủ này.
Thủ ấn Thí Nguyện - Varada
Khi kết ấn Varada, tay phải tượng A Di Đà thả lỏng duỗi thẳng xuống, lòng bàn tay mở và ngửa về phía trước, các ngón tay duỗi ra tự nhiên. Tay trái đặt trong lòng, lòng bàn tay ngửa.
Hình ảnh năm ngón tay duỗi về phía trước đại diện cho 5 tính: tập trung, nỗ lực, đạo đức, kiên nhẫn và hào phòng. Thủ ấn này cũng mang ý nghĩa “người cho những điều tốt nhất”, thể hiện cho sự dâng hiến, cho đi, lòng thiện tâm và chân thành. Đây cũng là thủ ấn thể hiện tâm nguyện của Đức Phật - cho đi những giáo pháp, triết lý để giác ngộ chúng sinh, giúp họ thoát khỏi những ưu tư, sầu muộn.
Thủ ấn Vô Úy - Abhaya
Khi kết ấn Abhaya, bàn tay phải đưa lên ngang ngực, lòng bàn tay mở, các ngón tay duỗi ra tự nhiên hướng lên trên; tay trái để xuôi theo cơ thể, lòng bàn tay đặt trong lòng khi Đức Phật đang ngồi hoặc lòng bàn tay duỗi thẳng khi Đức Phật đang đứng.
Ấn thủ này mang ý nghĩa mang lại sự an toàn và bảo vệ, vượt lên nỗi sợ, đau khổ trong thế gian. Về nguồn gốc của thủ ấn này, cách giải thích phổ biến hơn cả là khi Đức Phật đạt được giác ngộ, ngài từng bị voi dữ tấn công, khi đó ngài đã dùng ấn thủ này để bảo vệ bản thân, cho thấy rằng ngài không sợ hãi trước kẻ thù và luôn sẵn sàng vượt lên nghịch cảnh.
Câu chuyện này cũng cho thấy rằng, khi đã đạt được giác ngộ, Đức Phật đã hiểu được cách vận hành của thế gian, từ đó không có gì có thể làm ngài sợ hãi hay chùn bước.
Thủ ấn Xúc Địa - Bhumistarsa
Thủ ấn Bhumistarsa được thực hiện với bàn tay phải thả lỏng thẳng xuống theo chiều cơ thể, các ngón tay duỗi ra tự nhiên, lòng bàn tay úp vào trong; tay trái thả lỏng theo cơ thể, lòng bàn tay để ngửa ở trong lòng. Sử dụng thủ ấn này trong lúc thiền sẽ giúp thả lỏng cơ thể, làm nhẹ tâm can, xua đi những lo lắng, ưu phiền.
Đây cũng là thủ ấn mà Đức Phật dùng để “kêu gọi sự chứng kiến của đất” khi ngài đạt được giác ngộ dưới cây bồ đề. Khi đó, bàn tay phải của ngài chạm nhẹ lên mặt đất để tạo sự kết nối, từ đó được đất mẹ công nhận rằng ngài đã đạt chứng quả.
Thủ ấn Giáo Hóa - Vitarka
Tượng A Di Đà thực hiện thủ ấn Vitarka bao gồm bàn tay phải đưa lên trước ngực, lòng bàn tay hướng ra ngoài, các ngón tay hướng thẳng lên trên, riêng một ngón cong lại chạm vào đầu ngón cái; tay trái buông lỏng theo chiều cơ thể, lòng bàn tay để ngửa đặt trong lòng.
Lòng bàn tay ngửa ra của Đức Phật có thể hiểu theo hai hướng, đầu tiên là tượng trưng cho sự truyền bá giáo pháp của ngài đến chúng sinh, đồng thời đây cũng thể hiện cách Đức Phật đón lấy năng lượng từ thế giới.
Ấn này thể hiện cho trí tuệ và sự sáng suốt. Đây cũng được gọi là Biện minh ấn do Đức Phật dùng ấn này để khuyến khích chúng sinh dùng sự tỉnh táo, sáng suốt, trí tuệ và tư duy để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Thủ ấn Chuyển Pháp Luân - Dharmacakra
Thủ ấn Chuyển Pháp Luân bao gồm hai tay Phật giơ lên trước ngực, các ngón tay giơ thẳng lên trên, riêng ngón trỏ cong lại chạm vào đầu ngón tay cái, lòng bàn tay phải hướng ra ngoài, còn lòng bàn tay trái hướng vào trong.
Thủ ấn này được Đức Phật sử dụng trong lần đầu tiên ngài thuyết pháp tại Vườn Lộc Uyển kể từ khi ngài được chứng quả nhằm cân bằng cảm xúc và năng lượng, tựa như sự chuyển dịch của bánh xe tự nhiên.
Thủ ấn Trì Bình - Patahattha
Khi kết ấn Trì Bình, hai bàn tay để ngửa, đặt trong lòng, tay phải đặt lên tay trái, các ngón tay duỗi ra nâng chiếc bình. Đây là ấn thủ thể hiện cuộc sống hàng ngày của Đức Phật.
Một ngày của ngài chia làm 5 phần: buổi sáng, buổi trưa, canh đầu, canh giữa và canh cuối, trong đó buổi sáng là khoảng thời gian ngài ngồi trì bình. Khi đó ngài sẽ ôm chiếc bình thực hiện trì bình hóa duyên tế độ cho những người hữu duyên và thọ thực.