Skip to content

Câu chuyện về Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn và ý nghĩa thờ cúng

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn là một hiện thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, xuất phát từ số kiếp Ngài hóa thân thành công chúa Diệu Thiện, một lòng hướng Phật và cứu độ chúng sinh từ dương gian đến địa phủ.

Đôi nét về Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, hay còn gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại, là một hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát với hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Ngài còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát, Thiên Thủ Thánh Quán Thế Nam, Thiên Thủ Thiên Tý Quán Thế Âm,... Ở Việt Nam, dân gian tôn kính gọi Ngài là Quán Âm Tứ Tại.

Tên gọi “Thiên Thủ Thiên Nhãn” mang ý nghĩa sâu sắc, trong đó “Thiên” có nghĩa là vô số, “Thủ” là tay và “Nhãn” là mắt. Điều này biểu trưng cho lòng từ bi vô lượng của Bồ Tát, Ngài có nghìn tay để che chở, nâng đỡ chúng sinh và nghìn mắt để soi xét, thấu hiểu mọi khổ đau trong cõi đời. Hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn thể hiện trọn vẹn tâm nguyện cứu độ, luôn lắng nghe và kịp thời cứu vớt những ai thành tâm hướng về Ngài.

Trong Phật giáo, Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn được xem là hiện thân của lòng từ bi vô biên, luôn dõi theo, cảm nhận và giúp đỡ mọi chúng sinh vượt qua khổ nạn. Ngài không chỉ là biểu tượng của sự che chở mà còn là tấm gương sáng về sự giác ngộ và lòng bao dung vô hạn.

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mang 40 cánh tay, mỗi tay có một con mắt, tượng trưng cho khả năng quan sát và cứu độ muôn loài. Hai tay chính của Ngài hiệp chưởng trong tư thế thiền định, trong khi 38 tay còn lại cầm các pháp khí như kiếm, búa, chày kim cang, bánh xe pháp, tịnh bình, tràng hoa, châu báu… Mỗi vật phẩm mang một ý nghĩa riêng, thể hiện trí tuệ, lòng từ bi vô lượng và sức mạnh vô biên của Bồ Tát.

Phần đầu của Ngài gồm 11 tầng giác ngộ, chia thành 5 cấp độ: tầng cao nhất là Pháp thân, tiếp theo là Báo thân và ba tầng dưới cùng là Hoá thân. Hình tượng này biểu thị các cảnh giới tu tập và sự biến hóa linh hoạt để cứu độ chúng sinh. Đặc biệt, Ngài có 9 khuôn mặt: 3 mặt bên trái tượng trưng cho bình đẳng tính trí, 3 mặt giữa biểu thị Đại viên cảnh trí và 3 mặt bên phải thể hiện trí tuệ thuyết pháp. Ngài có thân màu trắng tinh khiết, đầu đội bảo quan, mỗi bàn tay chứa một con mắt trí tuệ.

Sự tích Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn

Sự tích về Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn xuất phát từ câu chuyện về công chúa Diệu Thiện, một truyền thuyết được lưu truyền từ thế kỷ XI tại Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, xưa kia tại một vương quốc nọ, nhà vua vì không có con trai nối dõi nên đã ngày đêm cầu khấn, mong có được một vị hoàng tử. Tuy nhiên, hoàng hậu lại sinh ra ba người con gái xinh đẹp, hiền thục. Hai người con đầu khi trưởng thành đều yên bề gia thất, riêng công chúa út Diệu Thiện lại không màng chuyện kết duyên mà một lòng muốn xuất gia tu hành.

Tuy bị vua cha phản đối, nhiều lần ngăn trở và hãm hại, Diệu Thiện vẫn kiên định với con đường của mình. Nàng phát nguyện tu tập và được sự trợ giúp thần lực từ các vị thần phật, cho phép nàng xuống địa ngục để cứu vớt những linh hồn đau khổ. Xuất phát từ tâm nguyện từ bi, nàng đã giúp nhiều chúng sinh thoát khỏi bể khổ và được đưa về lại dương gian. Sau đó, nàng lên núi Phổ Đà ở Nam Hải, tọa thiền trong suốt 9 năm và đạt chứng quả, được chúng tiên gọi là Phật Tổ Phổ Đà Sơn và Quan Âm Nam Hải.

Khi ấy, vua cha của nàng lâm trọng bệnh, đau đớn khôn nguôi. Nghe tin, Diệu Thiện không ngần ngại hy sinh bản thân, chấp nhận xả bỏ một tay và một mắt của mình để chế ra phương thuốc cứu cha. Nhờ tấm lòng hiếu thảo và sự hy sinh cao cả, nàng đã đắc đạo, hóa thân thành Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, được nhà vua và nhân dân đúc tượng tưởng nhớ và thờ phụng.

Ý nghĩa thờ tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn

Trong Phật giáo, Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn là biểu tượng của lòng từ bi vô hạn và trí tuệ siêu phàm. Việc thờ tượng Ngài mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ thể hiện lòng tôn kính mà còn giúp chúng sinh hướng đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi mê lầm và khổ đau.

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn với nghìn tay và nghìn mắt thể hiện sự che chở, bảo hộ muôn loài. Nghìn mắt tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt, thấy rõ mọi sự trên thế gian, phân biệt đúng sai, thiện ác. Nghìn tay biểu thị cho hành động từ bi, luôn sẵn sàng vươn tay giúp đỡ chúng sinh vượt qua khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Ngài là hiện thân của sự khoan dung, lòng nhân ái, mang đến sự an lành và bình yên cho tất cả mọi người.

Người ta tin rằng khi thờ tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, gia đình sẽ được bình an, tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải tai ương. Ngài giúp con người giảm bớt phiền não, tăng thiện nghiệp, đưa tâm hồn về với sự thanh tịnh, an lạc. Đặc biệt, những ai thành tâm kính ngưỡng sẽ nhận được sự gia hộ, tránh khỏi những điều bất trắc trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Ngài còn là biểu tượng của trí tuệ vĩ đại. Những kẻ tà tâm, bất lương thường cảm thấy bất an khi đứng trước tượng của Ngài, vì ánh mắt trí tuệ ấy có thể soi thấu mọi điều gian trá. Chính vì vậy, thờ Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn cũng là cách để nhắc nhở bản thân sống lương thiện, từ bỏ tham – sân – si, hướng đến cuộc sống thanh cao và giác ngộ.

Trong nội thất đình chùa, tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn thường được đặt chính giữa, có thể là bàn thờ riêng hoặc thờ cùng với ban thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu của đạo Mẫu Tứ Phủ.

5/5 (1 bầu chọn)