Skip to content

Mối liên hệ giữa tín ngưỡng Tam Phủ và Tứ Phủ

Một trong những tín ngưỡng dân gian nổi bật và có ảnh hưởng sâu rộng nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước và được các thế hệ người Việt tiếp nối và phát triển cho đến ngày nay.

Tín ngưỡng dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những tín ngưỡng này đã được hình thành, phát triển và gắn bó sâu sắc với đời sống của mỗi người dân.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là hình thức thờ các Mẫu ở các miền trời, rừng núi và sông nước. Đây là tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với người phụ nữ và các vị thần linh cai quản các miền trong thế gian.

Các Mẫu và các vị thánh thần thuộc đạo Mẫu đều có xuất thân hoặc từng giáng trần làm người thường để giúp dân, giúp nước, họ không chỉ là người Kinh mà một số vị còn là người dân tộc thiểu số như người Dao, người Mường, người Nùng, người Tày,... xuất hiện ở mọi miền.

Do xuất hiện từ sớm nên tín ngưỡng thờ Mẫu còn dung hòa được nhiều yếu tố của các tín ngưỡng và tôn giáo khác xuất hiện hoặc du nhập sau như Đạo giáo, Phật giáo và một số tín ngưỡng địa phương. Dễ thấy nhất là trên ban thờ Tam Phủ, Tứ Phủ, người ta thường thờ cả Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Âm Bồ Tát, các vị Phật,...

Tam Phủ

Tam Phủ là giai đoạn đầu của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong thời kỳ này, người dân thờ các Mẫu và các vị thánh thần thuộc ba phủ là Thiên Phủ (vùng trời),Địa Phủ (vùng đất) và Thoải Phủ (vùng nước). Theo dân gian truyền lại, Tam Phủ đã xuất hiện từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, sau đó được nhân dân phát triển thành Tứ Phủ và lưu truyền cho đến ngày nay. 

Tín ngưỡng Tam Phủ xuất hiện từ rất sơm trong văn hóa của người Việt
Tín ngưỡng Tam Phủ xuất hiện từ rất sơm trong văn hóa của người Việt

Các phủ và vai trò của từng phủ

  • Thiên Phủ: Có Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên cùng các vị thánh thần quản lý thiên giới, biểu tượng là màu đỏ.
  • Địa Phủ: Có Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên cùng các vị thánh thần quản lý đất đai và địa giới, biểu tượng là màu vàng.
  • Thoải Phủ: Có Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ cùng các vị thánh thần quản lý vùng nước và các vùng biển, sông, biểu tượng là màu trắng.

Các vị thần trong Tam Phủ

Đạo Mẫu có đông đảo các vị thần được chia thành nhiều cấp bậc khác nhau, thể hiện rõ nhất trên ban Tam Phủ Công đồng. Do có yếu tố giao thoa các tín ngưỡng và tôn giáo khác (Đạo giáo hoặc Phật giáo) nên bên cạnh các vị thánh thần xuất phát từ đạo Mẫu như Tam tòa Thánh Mẫu, các Chầu Bà, Thánh Cô, Thánh Cậu,... thì Tam Phủ còn thờ cả tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị này được đặt ở lớp cao nhất trên ban Tam Phủ Công đồng, ngoài ra có thể thờ cùng các thần linh tại địa phương tùy theo văn hóa của từng vùng miền.

Tứ Phủ

Tín ngưỡng Tứ Phủ được phát triển từ Tam Phủ với nhiều truyền thuyết khác nhau được dân gian lưu truyền. Bên cạnh ba Phủ của Tam Phủ, Tứ Phủ có thêm Nhạc Phủ là vùng rừng núi, đứng đầu là Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên.

Các phủ và vai trò của từng phủ

Khi có thêm Nhạc Phủ, hệ thống các Phủ và vai trò của từng Phủ không thay đổi nhiều so với Tam Phủ, cụ thể như sau:

  • Thiên Phủ: Có Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên cùng các vị thánh thần quản lý vùng trời, đại diện bằng màu đỏ.
  • Địa Phủ: Có Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên cùng các vị thánh thần quản lý đất đai và địa giới, đại diện bằng màu vàng.
  • Thoải Phủ: Có Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ cùng các vị thánh thần quản lý vùng nước và các vùng biển, sông, đại diện bằng màu trắng.
  • Nhạc Phủ: Có Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên cùng các vị thánh thần cai quản rừng và các vùng núi cao, đại diện là màu xanh lục.

Các vị thần trong Tứ Phủ

Hệ thống thần linh của tín ngưỡng Tứ Phủ
Hệ thống thần linh của tín ngưỡng Tứ Phủ

Hệ thống thần linh của Tứ Phủ Vạn Linh không có nhiều khác biệt so với Tam Phủ. Chi tiết có các vị thần sau:

  • Ở vị trí cao nhất là Quan Thế Âm Bồ Tát, hai bên là Kim Đồng (bên trái) và Ngọc Nữ (bên phải).
  • Tiếp theo là Tứ Phủ Thánh Đế bao gồm: Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên Phủ),Phong Đô Đại Đế (Địa Phủ),Bát Hải Động Đình Long Vương (Thoải Phủ),Tản Viên Sơn Thánh (Nhạc Phủ).
  • Tứ Phủ Thánh Mẫu bao gồm Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, Mẫu Đệ Tứ Nhạc Phủ. Trong đó, xuất phát từ quan niệm “thiên địa đồng quy” nên dân gian thường thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu.
  • Ngũ Vị Tôn Quan bao gồm: Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn, Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh.
  • Tứ Phủ Thánh Chầu, hay còn gọi là Thập Nhị Tiên Nương, có tổng 12 vị thuộc các Phủ, họ là hóa thân của các Thánh Mẫu và các vị hầu cận bên cạnh các Mẫu.
  • Tứ Phủ Ông Hoàng tương truyền là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, có tổng là 10 vị nên còn có tên gọi là Thập Vị Quan Hoàng.
  • Tiếp theo là Tứ Phủ Thánh Cô và Tứ Phủ Thánh Cậu. Tứ Phủ Thánh Cô là những người tài sắc vẹn toàn, trung quân liệt nữ, được khắc họa dưới hình dạng các thiếu nữ duyên dáng, xinh đẹp. Các Thánh Cô là người hầu cận bên cạnh các Thánh Mẫu. Bên cạnh đó, Tứ Phủ Thánh Cậu là các cậu bé khoảng từ 1-9 tuổi, hiển linh thành các Thánh Cậu, hầu cận bên cạnh Tứ Phủ Thánh Hoàng. Trên ban thờ, tượng Cô, tượng Cậu được đặt ở hai bên, tượng Cô bên phải, tượng Cậu bên trái.
  • Bên cạnh đó còn có các thần thú như Ngũ Hổ, Nhị Xà.

Mối liên hệ giữa Tam Phủ và Tứ Phủ

Chuyển giao giữa Tam Phủ và Tứ Phủ

Như đã nêu ở trên, tín ngưỡng Tam Phủ xuất hiện từ thời văn hóa Đông Sơn, được lưu truyền và sau này phát triển thành tín ngưỡng Tứ Phủ. Về sự chuyển giao giữa Tam Phủ và Tứ Phủ, dân gian có truyền lại một số giả thuyết như sau.

Tín ngưỡng Tam Phủ tiếp xúc và giao thoa với tín ngưỡng Sơn Trang

Tín ngưỡng thờ Tam Phủ (bao gồm Thiên Phủ, Địa Phủ và Thoải Phủ) đã giao thoa với tín ngưỡng thờ Sơn Trang của người dân vùng núi phía Bắc, bổ sung thêm Nhạc Phủ (chỉ vùng núi non và rừng rậm) và từ đó hình thành nên Tứ Phủ.

Thiên Địa đồng quy

“Thiên Địa đồng quy” mang ý nghĩa trời (Thiên Phủ) và đất (Địa Phủ) giao nhau. Theo thuyết này, Thánh Mẫu Liễu Hạnh không chỉ cai quản Địa Phủ mà còn đại diện cho Thiên Phủ tại nhân gian thay cho Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên. Do đó, khi xuất hiện trong vai trò này, Mẫu Liễu Hạnh sẽ mặc trang phục màu đỏ biểu tượng của Thiên Phủ.

Thuyết này cũng giải thích tại sao nhân dân thường thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu. Khi đó, các Thánh Mẫu trên ban thờ bao gồm:

  • Mẫu Liễu Hạnh (là Mẫu Địa Tiên thay mặt cho Mẫu Thượng Thiên) ở giữa và ngự trang phục màu đỏ.
  • Mẫu Thoải ngự áo trắng ở bên phải Mẫu Liễu Hạnh.
  • Mẫu Thượng Ngàn ngự áo xanh lục ở bên trái Mẫu Liễu Hạnh.

Các yếu tố chung và khác biệt của Tam Phủ và Tứ Phủ

Do mang tính kế thừa và phát triển, Tam Phủ và Tứ Phủ có nhiều yếu tố giống nhau, chẳng hạn như tập trung vào tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ cúng bái và hầu đồng, hệ thống thần linh đa dạng như các Thánh Mẫu, các vị Chầu Bà, Quan Lớn, Thánh Cô, Thánh Cậu,...

Về sự khác biệt, so với Tam Phủ, Tứ Phủ có thêm sự giao thoa với tín ngưỡng thờ Sơn Trang của người Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc, từ đó có thêm Nhạc Phủ (miền rừng núi). Đi cùng với đó là có thêm các vị thần linh cai quản vùng này. 

Tam Phủ và Tứ Phủ có nhiều điểm chung và cũng có những điểm khác biệt
Tam Phủ và Tứ Phủ có nhiều điểm chung và cũng có những điểm khác biệt

Tam Phủ, Tứ Phủ và đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt

Sự kết nối với thiên nhiên

Tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ thể hiện cho sự tôn kính của người dân đối với các yếu tố tự nhiên như trời, đất, sông nước và rừng núi. Từ xa xưa, cuộc sống của người Việt luôn gắn bó mật thiết với thiên nhiên, thể hiện rõ nhất qua nền văn minh lúa nước và sự phát triển từ sớm của nghề đánh bắt thủy sản, do đó việc thờ cúng các vị thần đại diện cho các yếu tố này thể hiện lòng biết ơn và cầu mong sự che chở của nhân dân ta.

Tín ngưỡng thờ Mẫu và vai trò của Thánh Mẫu

Thánh Mẫu, đặc biệt là Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ Bất Tử của truyền thuyết và tín ngưỡng Việt Nam, được coi là biểu tượng của sự che chở, dạy dỗ và bảo vệ. Các Thánh Mẫu thường xuất hiện với hình tượng người mẹ yêu thương, dịu dàng và là điểm tựa tinh thần cho các con nhang đệ tử. 

Theo văn hóa và truyền thống của người Việt Nam, bất cứ lúc vui buồn hay khó khăn, người Việt Nam đều tìm đến Mẹ để tâm sự, cầu nguyện và xin giúp đỡ. Điều này phản ánh giá trị của tình mẫu tử trong văn hóa Việt, đồng thời cũng khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Nghệ thuật và văn hóa dân gian

Tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ còn lan tỏa và có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa dân gian. Các nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp giữa âm nhạc, các điệu múa hát và nghệ thuật biểu diễn. Các lễ hội thờ Mẫu được tổ chức ở khắp các vùng miền, thu hút người dân và du khách tham gia, trở thành những sự kiện văn hóa cộng đồng đặc sắc, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

5/5 (1 bầu chọn)