Làng nghề Sơn Đồng
Làng nghề Sơn Đồng là làng nghề truyền thống chuyên về chế tác đồ thờ bằng gỗ như tượng Phật, tượng Mẫu, bàn thờ, án gian, hoành phi câu đối,... Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách khu vực nội thành khoảng 20km. Làng nghề này đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển với nghề chế tác đồ thờ được truyền qua nhiều đời cho đến tận ngày nay với hơn 80% số hộ dân sinh sống bằng nghề này.
Với hơn 1000 nghệ nhân lành nghề, Sơn Đồng là xuất xứ của nhiều công trình tâm linh nổi tiếng trên khắp cả nước. Các nghệ nhân tại đây đều được truyền nghề bài bản, có sự tài hoa và con mắt nghệ thuật, từ đó có thể tạo nên các sản phẩm đồ thờ Sơn Đồng được chạm khắc tinh xảo, thể hiện được đúng ngoại hình và thần thái của đồ thờ, đâu đó còn thể hiện được nét riêng của bàn tay người thờ Sơn Đồng, dù đó là các bức tượng Phật, tượng Mẫu hay các đồ thờ dùng cho bài trí không gian thờ.
Tượng Phật Sơn Đồng
Tượng Tam Thế
Bộ tượng Tam Thế bao gồm ba bức tượng Phật - Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc, lần lượt đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Phật A Di Đà tượng trưng cho quá khứ, gợi nhớ về khoảng thời gian đã qua, cùng với đó là những bài học và kinh nghiệm được rút ra, giúp ta ngày càng tiến bộ và trưởng thành. Phật Thích Ca Mâu Ni khuyến khích chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại, sống vị tha trong mọi hành động và không ngừng bồi dưỡng trí tuệ. Phật Di Lặc thể hiện cho những mong ước, hy vọng và sự lạc quan cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Trên ban tượng thờ Tam Bảo, tượng Tam Thế thường được đặt ở vị trí cao nhất, thể hiện lòng tôn kính và nhắc nhở về dòng chảy thời gian và sự luân hồi của cuộc sống. Tượng Tam Thế chế tác tại làng nghề Sơn Đồng được chế tác tinh tế, thể hiện được nét hiền từ, quảng đại của 3 vị, là một trong những đồ thờ Sơn Đồng nổi bật nhất.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí
Tượng Bồ Tát có thể được thờ riêng hoặc thờ cùng các vị khác trên ban Tam Bảo. Khi thỉnh tượng Bồ Tát trên ban Tam Bảo, có hai vị Bồ Tát phù trợ bên cạnh tượng A Di Đà là Quan Thế Âm Bồ Tát và Bồ Tát Đại Thế Chí.
Trong đó, Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát đại diện cho lòng từ bi và vị tha, ngài là người hiểu được nỗi khổ của nhân gian, luôn sẵn sàng cứu rỗi, chỉ đường, dẫn lối cho những tâm hồn lầm lạc, giải thoát chúng sinh khỏi kiếp khổ đau. Tượng Quan Âm Bồ Tát được khắc họa với khuôn mặt hiền hậu, một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm bình tịnh thủy.
Với Bồ Tát Đại Thế Chí, ngài là vị Bồ Tát đại diện cho trí tuệ, dùng trí tuệ để soi đường cho những người lầm đường lạc lối, chiếu sáng muôn loài. Trên ban thờ, tượng Quan Âm Thế Chí ngự ở bên phải Đức Phật, cổ quấn chuỗi anh lạc, tay cầm đóa sen xanh - loài hoa đại diện cho sự thanh tịnh, nhã nhặn.
Tượng A Nan Ca Diếp
Hai vị tôn giả A Nan và Ca Diếp là hai đại đệ tử của Đức Phật, đều là những người một lòng hướng Phật và có công lưu giữ, phát triển đạo Phật.
Theo nhiều ghi chép, tôn giả A Nan là em họ của Đức Phật, là người thông minh, có trí nhớ tốt. Ngài có thể nghe và nhớ hết những lời dạy của Phật nên còn có biệt hiệu là Đa Văn Đệ Nhất. Với tôn giả Ca Diếp, ngài là vị đệ tử thân tín của Đức Phật, có đủ phước tướng và luôn giữ phạm hạnh.
Tượng ngài A Nan được khắc họa với đường nét khuôn mặt hiền hòa, đạo mạo, còn tượng ngài Ca Diếp thể hiện cho mệnh danh tu khổ hạnh bậc nhất của ngài với những nếp nhăn và đường nét khuôn mặt khắc khổ. Trên ban Tam Bảo, tượng A Nan Ca Diếp ngự ở hai bên Đức Phật Thích Ca, trong đó ngài A Nan sẽ hầu cận bên phải Đức Phật và ngài Ca Diếp ngự ở bên trái.
Tượng Văn Thù Phổ Hiền
Văn Thù và Phổ Hiền cũng là hai vị Bồ Tát phụng sự bên cạnh Đức Phật. Trong đó ngài ngài Văn Thù đại diện cho chân trí (tức trí tuệ),còn Phổ Hiền đại diện cho chân lý (tức lòng từ bi). Do đó, với hai vị Bồ Tát bên cạnh, Đức Phật dùng Bi - Trí viên mãn, chân trí thâm đạt chân lý để soi sáng chúng sinh.
Trên ban thờ, tượng Văn Thù, Phổ Hiền được ngự hai bên Đức Phật. Trong đó, ngài Văn Thù cưỡi sư tử xanh ngự bên phải và ngài Phổ hiền cưỡi voi sáu ngà ngự bên trái.
Tượng La Hán
Trong Phật giáo, “Thập bát La Hán” là những vị có vai trò rất quan trọng, phù trợ Đức Phật cứu độ chúng sinh. “Thập bát La Hán” ở đây tức là 18 vị La Hán, cả 18 vị đều là những nhân vật kiệt xuất trong nhân gian, sau này trở thành đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Mỗi vị lại có những câu chuyện và phép thần thông của riêng mình nhưng điểm chung là đều có lòng vị tha, nhân hậu, luôn sẵn sàng răn dạy và cứu giúp nhân gian.
Khi chế tác tượng 18 vị La Hán, mỗi vị lại có những dáng vẻ khác nhau, ví dụ như tượng La Hán Tọa Lộc thường ngồi thiền định trên lưng hươu hay Thác Tháp La Hán trên tay nâng bảo tháp.
Tòa Cửu Long
Tòa Cửu Long khắc họa lại sự kiện Đức Phật đản sinh. Khi mới sinh, Đức Phật Thích Ca bước 7 bước, mỗi bước lại nở ra đóa hoa sen để đỡ chân ngài. Khi đó, chín chú rồng bay tới phun nước tắm cho Đức Phật trước sự chứng kiến của chư vị thần tiên. Đức Phật đản sinh đứng trước vũ trụ, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: “Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn”.
Trên ban thờ, tòa Cửu Long thường được đặt sau hương án chính và ở chính giữa ban thờ. Tòa Cửu Long có thiết kế hình vòng cung với cấu tạo 3 tầng, mặt sau là trụ đỡ, mặt trước là chín con rồng đan xen cùng 36 bức tượng chư vị thần tiên và ở chính giữa là tượng Đức Phật đản sinh đứng trên tòa sen.
Tòa Cửu Long là một trong những đồ thờ Sơn Đồng công phu nhất, đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cao và tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Tượng Mẫu Sơn Đồng
Tượng Tam tòa Thánh Mẫu
Tam tòa Thánh Mẫu là ba vị có vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ của người Việt. Ba vị Thánh Mẫu bao gồm Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ.
Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên lúc này là Mẫu Liễu Hạnh đại diện thay cho Cửu Trùng Thanh Vân Công Chúa của Thiên Phủ, trong bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, ngài ngự áo đỏ và ngồi ở vị trí trung tâm đại diện cho Thiên Phủ cai quản vùng trời. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn ngự áo xanh ở bên trái Mẫu Đệ Nhất, ngài là người cai quản vùng rừng núi, cây cối, chim muông. Còn lại là Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ cai quản vùng nước, ngự áo trắng ở bên trái Mẫu Đệ Nhất.
Tượng Cô, tượng Cậu
Thánh Cô, Thánh Cậu là những vị hầu cận bên cạnh các Thánh Mẫu, Ông Hoàng. Tứ Phủ Thánh Cô có tổng 12 vị thuộc 4 phủ, là người hầu cận bên cạnh các Thánh Mẫu và Thánh Chầu. Các Cô là người lắng nghe lời cầu khấn của nhân dân, sau đó truyền những lời này đến trước các Thánh Mẫu.
Trong khi đó, các Thánh Cậu là người phụ tá cho các Ông Hoàng, các Cậu đều là những cậu trai khỏe mạnh, tài giỏi, trong đó có 4 cậu Cậu Cả Thượng Thiên, Cậu Đôi Thượng Ngàn, Cậu Bơ Thoải Cung và Cậu Bé thường về chấm đồng nên được nhân dân thờ phụng nhiều hơn cả.
Tượng Cô, tượng Cậu được đặt hai bên ban thờ Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh.
Tượng Ngũ vị Tôn Quan
Ngũ vị Tôn Quan là năm vị Quan Lớn của đạo Mẫu, tương truyền cả năm vị đều là con của vua cha Bát Hải Động Đình. Tượng Ngũ vị Tôn Quan khắc họa hình ảnh các ngài mang kiếm hoặc kích, mặc võ quan, màu sắc trang phục của các ngài sẽ phụ thuộc vào phủ mà ngài cai quản, trong đó:
- Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên ngự áo đỏ ngồi ở chính giữa.
- Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn ngự áo xanh lục ở bên phải Quan Đệ Nhất.
- Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ ngự áo màu trắng ở bên trái Quan Đệ Nhất.
- Quan Lớn Đệ Tứ Địa Phủ ngự áo màu vàng ở bên phải Quan Đệ Nhị.
- Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Sát hoặc Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh ngự áo màu xanh lục ở bên trái Quan Đệ Tam.
Tượng Thập vị Quan Hoàng
Thập vị Quan Hoàng là các vị thần hộ quốc, là người luôn xông pha giúp dân giúp nước với những quyền năng đặc biệt. Do đó, trong dân gian, nhiều gia đình thường thờ các Ông Hoàng để tưởng nhớ công lao của họ, đồng thời cầu cho cuộc sống bình an, mọi sự suôn sẻ. Trong các lễ hầu đồng, con nhang đệ tử thường làm lễ mời các ông Hoàng về để phát tài, phát lộc cho nhân dân. Trong đó, tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười thường được thờ nhiều nhất do đây là các Ông Hoàng thường xuyên về ngự đồng.
Động Sơn Trang
Động Sơn Trang bắt nguồn từ văn hóa của người Mường thuộc vùng núi phía Bắc. Trong đó thờ Chúa Sơn Trang, ngài là vị thần quan trọng trong tín ngưỡng thờ Sơn Trang. Động Sơn Trang, hay còn gọi là Cung Sơn Trang hoặc Tòa Sơn Trang, thờ ba vị Chúa Sơn Trang. Tương truyền, cả ba vị Chúa Sơn Trang đều là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn nên dáng vẻ của các vị chùa đều mang nét trầm tĩnh, hiền hòa của Mẫu Thượng Ngàn.